Nổi bật nhất là Phan Bội Châu với chủ trương Đông du sang nước Nhật và Phan Châu Trinh với con đường Canh tân và Dân chủ hóa xã hội.Một cuộc đời dấn thân vì nướcPhan Châu Trinh sinh ngày 9/9/1872, người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam, hiệu là Tây Hồ Hy Mã, tự là Tử Cán.Phan Châu Trinh đỗ cử nhân năm 1900 và đỗ phó bảng năm 1901. Năm 1903, ông làm Thừa biện Bộ Lễ, cuối năm 1904 từ quan, rời Huế và bắt đầu dấn thân vào con đường đấu tranh yêu nước.
Đầu năm 1905, ông cùng hai bạn học là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng (cùng đỗ tiến sĩ năm 1904) làm một cuộc Nam du để xem xét tình hình và tìm bạn đồng chí hướng. Sau đó, Phan Châu Trinh ra Nghệ - Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội để gặp gỡ và đàm đạo với các sĩ phu tiến bộ.Năm 1906, ông bí mật sang Quảng Đông (Trung Quốc) hội kiến Phan Bội Châu rồi cùng sang tìm hiểu công cuộc duy tân ở Nhật Bản, tiếp xúc với nhiều chính khách, có cả Lương Khải Siêu.Hè năm 1906, Phan Châu Trinh về nước, gửi một bức chữ Hán (quen gọi là Đầu Pháp chính phủ thư) cho Toàn quyền Paul Beau vạch trần chế độ phong kiến thối nát, yêu cầu nhà cầm quyền Pháp phải thay đổi thái độ và chính sách cai trị để dân Việt từng bước tiến lên văn minh.Sau đó, Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đi khắp tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận để vận động cuộc duy tân với tư tưởng dân quyền và phương châm "tự lực khai hóa”. Khẩu hiệu của phong trào lúc bấy giờ là: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Phương thức hoạt động của phong trào là bất bạo động, công khai hoạt động nhằm khai hóa dân tộc, giáo dục ý thức công dân - tinh thần tự do, xây dựng cá nhân độc lập - tự chủ - có trách nhiệm với bản thân và xã hội, thay đổi tận gốc rễ nền văn hóa - tâm lý - tính cách - tư duy - tập quán của người Việt, phổ biến các giá trị của nền văn minh phương Tây như pháp quyền - dân quyền - nhân quyền - dân chủ - tự do - bình đẳng - bác ái, cải cách trên mọi lãnh vực, khuyến khích bỏ lối học từ chương, phát động phong trào học Quốc ngữ, mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ, bỏ mê tín dị đoan... Năm 1907, ông cùng Phan Bội Châu và các đồng chí vận động thành lập Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội - một trường học theo tư tưởng cải cách tiến bộ do Lương Văn Can làm hiệu trưởng, Nguyễn Quyền làm giám đốc. Sau đó, ở nhiều tỉnh lân cận cũng đã có mở các lớp dạy theo chương trình của Đông Kinh nghĩa thục. Ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung đã ra đời nhiều trường học, thư xã, thương hội, hội nghề nghiệp. Ông có Tỉnh quốc hồn ca cổ vũ phong trào duy tân. Tháng 3/1908, phong trào chống sưu thuế nổ ra ở Trung kỳ. Phan Châu Trinh cùng nhiều đồng chí trong phong trào Duy Tân bị buộc tội khởi xướng nên đều bị bắt. Ông bị kết án "trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xá bất nguyên" (tội chém nhưng chỉ giam lại, đày xa ba ngàn dặm, gặp ân xá cũng không cho về), rồi đày đi Côn Đảo.Nhờ dư luận trong nước và sự vận động của Hội Nhân quyền Pháp, tháng 8/1908, ông được đưa về đất liền nhưng buộc xuống Mỹ Tho chịu quản thúc. Ông viết thư cho Toàn quyền Đông Dương đòi được sang Pháp hoặc trở lại Côn Lôn. Nhân có nghị định về việc lập một nhóm giảng dạy chữ Hán tại Pháp, năm 1911, chính quyền Đông Dương cử một đoàn giáo dục Đông Dương sang Pháp, trong đó có ông và con trai là Phan Châu Dật.Sang Pháp, ông lập tức gửi Hội Nhân quyền Pháp bản điều trần về vụ trấn áp những người dân chống sưu thuế tại Trung Kỳ năm 1908 (Trung Kỳ dân biến thủy mạt ký).Ông cũng lên tiếng tố cáo tình trạng đối xử tồi tệ đối với tù nhân ở Côn Lôn, và nhờ Liên minh cầm quyền, Đảng Xã hội Pháp can thiệp nhằm giảm án cho các đồng chí của mình.Tại Pháp, ông tiếp xúc nhiều lần với những nhân vật cao cấp ở Bộ Thuộc địa để đưa ra những dự án cải tổ nền chính trị ở Việt Nam nhưng không có kết quả. Trong thời gian này, ông viết Pháp - Việt liên hiệp hậu chi Tân Việt Nam.Ngày 28/7/1914, thế chiến thứ nhất bùng nổ. Ngày 3/ 8, Đức tuyên chiến với Pháp. Nhân cơ hội này, nhà cầm quyền Paris gọi Phan Chu Trinh và luật sư Phan Văn Trường đi lính, nhưng hai ông phản đối rồi đều bị khép tội làm gián điệp cho Đức và bị bắt giam từ tháng 9/1914. Tháng 7/ 1915, vì không đủ bằng chứng buộc tội, chính quyền Pháp phải trả tự do cho hai ông.Ra tù, Phan Châu Trinh học nghề rửa ảnh rồi làm thuê cho các hiệu chụp ảnh để kiếm sống.Năm 1922, vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo Marseille, Phan Châu Trinh viết bức thư buộc tội vua Khải Định 7 điều (Thất Điều Trần) và bài Tỉnh quốc hồn ca mới lên án tình trạng tăm tối của xã hội Việt Nam và chính sách thuộc địa ở Việt Nam; cổ vũ đường lối cải cách dân chủ. Do hoạt động ở Pháp kết quả không khả quan, nhiều lần ông yêu cầu chính phủ Pháp cho ông trở về nước nhưng mãi đến năm 1925, khi thấy sức khỏe ông đã yếu, nhà cầm quyền Pháp mới chấp nhận. Khoảng thời gian này, ông viết cuốn Đông Dương chính trị luận.Ngày 29/5/1925, Phan Châu Trinh cùng Nguyễn An Ninh xuống tàu rời nước Pháp, ngày 26/ 6 cùng năm thì về tới Sài Gòn.Lúc này, tuy bị bệnh nhưng Phan Châu Trinh vẫn cố gắng diễn thuyết thêm hai đề tài là Ðạo đức và luân lý Đông Tây và Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa.Ông mất lúc 21 giờ 30 ngày 24/3/ 1926. Đám tang của ông ở Sài Gòn ngày 4/4/1926 có hơn 6 vạn người tham dự. Bất chấp sự ngăn cản của chính quyền thực dân phong kiến, lễ truy điệu ông đã được tiến hành khắp cả nước, trở thành một phong trào chính trị cổ vũ tinh thần yêu nước của đồng bào, nhất là thanh niên, học sinh. Một tư duy “làm mới dân tộc”Trước Phan Châu Trinh đã từng có các kẻ sĩ nhận thấu nhu cầu canh tân đất nước và có nhiều nỗ lực như Đặng Nguyễn Trứ, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch… Nhưng các ông đã không thành công, vẫn chủ yếu xoay quanh chiến hay hòa, và những chính sách cải cách chưa thực sự toàn diện, triệt để. Trong nhiều nguyên nhân không thành công của các vị tiền bối, có lý do chưa nhận thức thực sự sâu sắc ở nguyên nhân con người và văn hóa Việt Nam, chưa nhận thức hết tầm quan trọng của vấn đề con người Việt Nam khi vẫn chưa thoát khỏi lối tư duy cảm tính của văn hóa làng xã để theo kịp nhu cầu mới, nhiệm vụ mới mà khúc ngoặt của đất nước và thời đại đặt ra.Với Phan Châu Trinh thì khác. Là người trong cuộc, lại có quá trình tiếp xúc, giao lưu quốc tế, ông có cái nhìn mới, sâu sắc và khách quan hơn về văn hóa, con người và tình thế lịch sử của Việt Nam. Không chỉ thấy những điều tốt đẹp mà ông còn thấy cả những nhược điểm của văn hóa và con người Việt Nam. Điều này đã giúp ông hình thành tư tưởng duy tân từ mục tiêu đến phương pháp hành động. Ông cho rằng phải thay đổi từ gốc rễ là con người để thay đổi xã hội và đất nước. Vấn đề cốt lõi là giáo dục để nâng cao dân trí và khả năng giác ngộ của Nhân dân để họ xác định trách nhiệm và quyền lợi, tự quyết định vận mệnh của mình và đất nước, từ đó xây dựng, phát triển đất nước theo một con đường mới phù hợp với sự phát triển của thời đại. Đó là con đường để tự lực tự cường, hội nhập vào thế giới văn minh chứ không cầu viện ngoại bang dùng bạo lực giành độc lập.Phan Châu Trinh đã tiếp thu nhiều yếu tố của Đặng Huy Trứ, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ,Nguyễn Lộ Trạch… nhưng rõ rằng ở ông đã có sự phát triển xa hơn, toàn diện hơn, cụ thể hơn và trong thực tiễn đã triển khai thực hành được nhiều hơn. Ông đã phát động được một phong trào Duy tân và được sự hưởng ứng đông đảo của các tầng lớp Nhân dân trong cả nước. Phong trào đã trở thành những làn sóng yêu nước với nhiều hình thức biểu hiện từ chống sưu thuế ở Trung kỳ đến Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội và các địa phương khác, góp phần cơ bản tạo nên định hướng vận động của xã hội đầu thế kỷ XX.
Là người trong cuộc, lại có quá trình tiếp xúc, giao lưu quốc tế, Phan Châu Trinh có cái nhìn mới, sâu sắc và khách quan hơn về văn hóa, con người và tình thế lịch sử của Việt Nam. Không chỉ thấy những điều tốt đẹp mà ông còn thấy cả những nhược điểm của văn hóa và con người Việt Nam. Điều này đã giúp ông hình thành tư tưởng duy tân từ mục tiêu đến phương pháp hành động. Ông cho rằng phải thay đổi từ gốc rễ là con người để thay đổi xã hội và đất nước. |