Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông điệp từ lịch sử] Phát triển dân sinh tại các tỉnh phía Bắc thời Minh Mạng

Lê Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triều vua Minh Mạng kéo dài đến 21 năm (1820 - 1841), nổi bật với những cuộc nổi dậy của người dân cả ba miền, những biện pháp trấn áp đối với các giáo sĩ và giáo dân Cơ Đốc giáo và những chương trình phát triển dân sinh lớn lao ở miền Nam cũng như miền Bắc.

Tình hình bất an thời Minh Mạng
Ngay từ thập niên 1820, hàng chục cuộc nổi dậy của giới nông dân hoặc con cháu nhà Lê đã nổ ra tại nhiều nơi, trong đó nổi bật là cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành vào năm 1826 với sự hưởng ứng của mấy vạn người, đánh bại hai thống chế của triều đình (Trương Phúc Đặng, Trương Văn Minh). Về sau triều đình phải lập kế mới diệt được họ Phan.
Năm 1833, một hậu duệ nhà Lê là Lê Duy Lương tự xưng “Đại Lê hoàng tôn” nổi lên tại Ninh Bình, triều đình phải cử Tổng đốc Nghệ Tĩnh Tạ Quang Cự và Tổng đốc Thanh Hóa Nguyễn Văn Trọng đánh dẹp trong mấy tháng liền mới dứt được.
 Đền thờ Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ tại xã Tây Sơn (Tiền Hải).
Cũng trong năm 1833, cuộc nổi dậy của binh lính thành Phiên An dưới quyền Phó Vệ úy Lê Văn Khôi, con nuôi của cố Tả quân Lê Văn Duyệt, là nghiêm trọng hơn cả. Nó kéo dài hơn 2 năm và kéo theo cả cuộc nổi dậy của anh rể Khôi là Nông Văn Vân tại Cao Bằng. Những hoạt động chống triều đình đã làm mất đi nhiều cơ hội phát triển của xứ sở. Kèm theo đó, biện pháp cứng rắn đối với giới giáo sĩ Cơ Đốc giáo gây nên sự bất an thường trực trong đời sống của không những các giáo dân Cơ Đốc, mà còn của mọi người dân nói chung.
Song nói như thế không có nghĩa là bên cạnh các hoạt động duy trì trật tự, trị an, triều Minh Mạng không có những nỗ lực phát triển đời sống của người dân miền Bắc những năm 1820 - 1841.
Phát triển khu vực phía Bắc
Dưới thời Minh Mạng, ở miền Nam, số ruộng đất chưa khai phá còn nhiều, lắm nơi đất rộng người thưa, triều đình đã áp dụng chính sách đạc điền và phân cấp ruộng đất cho dân. Cũng từ cơ chế này, quyền tư hữu ruộng đất được công nhận, người dân được tích lũy, mua bán, cho thuê ruộng đất thuộc quyền sở hữu của mình.
Tình hình đất đai ở miền Bắc lại khác. Vùng châu thổ sông Hồng và các tỉnh có nhiều rừng núi, đất đai khả canh bị phân chia manh mún, ngày càng ít đi, do sự gia tăng dân số nhanh chóng. Vì thế, ngay khi mới lên ngôi (1820), vua Minh Mạng đã vấp phải nhiều vấn đề về dân sinh ở miền Bắc, trong đó tình trạng mất mùa, đói kém xuất hiện khắp nơi.
Năm Minh Mạng nguyên niên, nhà vua đã xuống chiếu ân giảm cho dân các khoản thuế đinh, thuế điền, thuế sản vật, và tiếp sau đó, ông cho lập các kho dự trữ tiền, gạo để giúp những người dân gặp phải tai biến, nhất là những người sống gần các cửa bể, nơi tai họa thiên nhiên thường trầm trọng hơn so với những người sống sâu trong đất liền.
 Cánh đồng lúa Thái Bình. Ảnh: Nguyễn Đình Tuân
Năm 1823, trấn Nghệ An mất mùa, dân đói khổ, trộm cướp nổi lên, triều đình Huế khổ công đánh dẹp, cái gốc vấn đề cần giải quyết là đời sống khó khăn làm phát sinh nhiều tệ nạn trong xã hội. Năm 1826, vua Minh Mạng đề ra chính sách điều hòa giá cả để mua sản vật của dân, cốt sao người dân bán sản vật được với giá phải chăng, mặt khác, triều đình mở kho cấp tiền, gạo cho những người già yếu, tàn tật, không chỗ nương nhờ (Minh Mạng Chính Yếu – Tập I - NXB Thuận Hóa - Huế 1994 - trang 295).

Năm 1833, triều Minh Mạng tiến hành một bước đột phá trong chính sách xã hội, phát động phong trào nhà giàu quyên giúp dân nghèo khó, căn cứ vào số tiền, số lúa đã quyên mà tưởng thưởng. Năm đó chỉ riêng tỉnh Hưng Yên đã quyên được 2.000 quan tiền và hơn 800 hộc lúa. Những người quyên nhiều cấp bộ áo mão cửu phẩm, được miễn thuế thân và các công tác sai dịch; hai phụ nữ được cấp biển ngạch khắc 4 chữ lớn “Lạc Quyên Nghĩa Phụ”.
Dù sao, đó cũng chỉ là các biện pháp nhằm đối phó với những biến động của tình hình xã hội và sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Để phát triển dân sinh, cần có những kế hoạch hoạt động tích cực hơn. Trong lúc mô hình phát triển dưới hình thức đồn điền đã được thực hiện có hiệu quả tại miền Nam từ những năm cuối thế kỷ XVIII thì miền Bắc đòi hỏi những hình thức phát triển khác hơn.
Năm 1828, Thị lang Bộ Hình là Nguyễn Công Trứ dâng sớ tâu xin khai khẩn ruộng hoang để dân bần cùng có công việc làm ăn. Lời tâu chứa đựng một nội dung tinh tế về quốc kế dân sinh: “Tâu xin ra lệnh cho các quan trấn mộ dân đến khai khẩn, cứ 50 người lập thành một làng, 30 người lập thành một ấp, tùy theo đất mà định cư; các ngưu canh điền khí (trâu bò và dụng cụ nghề nông như cày bừa, v…v…) đều do quan cấp, 3 năm thành ruộng, bắt đầu cho trưng, thọ thuế, như thế thời đất không mất lợi, mà dân đều hướng về nghiệp nông, nếp sống phiêu bạt trở nên thuần hậu vậy...” (Minh Mệnh Chính Yếu - Tập II - NXB Thuận Hóa - Huế 1994, trang 21 - 22). Vua Minh Mạng giao đình nghị và hầu hết đều thuận cho làm thử ba năm xem sao.
Nguyễn Công Trứ được cử làm Dinh điền sứ, đến dải đất Tiền Châu thuộc trấn Nam Định, tiếp với bãi biển, là nơi cây cỏ rậm rạp, bọn trộm cướp hay tụ họp ở đó. Ông đến nơi phủ dụ lòng người, đo đạc đất hoang chia cấp cho dân nghèo, lập thành 14 lý, 27 ấp, 20 trại, 10 giáp, với số đinh hơn 2.350 người, chia thành 7 tổng. Số ruộng chia cấp được gần 19.000 mẫu, cứ mỗi 15 mẫu thì chia ruộng nhất đẳng 1 mẫu, ruộng nhị đẳng 2 mẫu, ruộng tam đẳng 12 mẫu.
Về nhà cửa cùng trâu cày, nông cụ thì lấy tiền Nhà nước chi cấp cho dân, chẳng bao lâu khu Tiền Châu trở thành một nơi phồn thịnh, vua Minh Mạng đặt thành một huyện mới có tên Tiền Hải (Đại Nam Thực Lục - tập Hai - NXB Giáo dục - Hà Nội 2004, trang 778).
Năm sau (1829), Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ lại quy dân lập ấp tại phủ Yên Khánh, đạo Ninh Bình. Ông cho đo số ruộng hoang phía ngoài đê Hồng Lĩnh, chia thành 14.620 mẫu, cấp cho hơn 1.260 dân nghèo. Khu vực này được ông lập thành 3 làng, 22 ấp, 24 trại và 4 giáp, tất cả chia thành 5 tổng, tâu xin triều đình cho đặt riêng một huyện có tên Kim Sơn.
Để ổn định lâu dài đời sống của cư dân hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải, Nguyễn Công Trứ dâng sớ xin định quy ước gồm những công tác chính:
Đặt trường học: Mỗi làng đều dựng nhà học, đón một thầy học, làng thì lấy 10 mẫu ruộng, ấp lấy 8 mẫu ruộng làm học điền. Mọi người góp sức làm học điền, thu hoạch, lưu làm học bổng.
Đặt xã thương: Tức là kho thóc đặt ở ấp và xã. Ruộng đã khai khẩn thành điền, sau ba năm miễn thuế, thu thuế thóc bỏ vào kho, gặp thủy hạn bất thường thì cấp cho dân, khi được mùa thì thu cho đủ số.
Cẩn phòng thư: Khi trong tổng có giặc cướp, quan chức xã ấp phải đưa dân phu đi theo Tổng trưởng để ứng cứu.
Chăm khuyên răn: Quan lại địa phương đi tuần tra, xem xét, nơi nào đồng ruộng mở mang, nhà không có người ăn chơi, đất không bỏ hoang thì đề đạt để triều đình ban thưởng; ngược lại, nếu cư dân lười biếng, đồng ruộng bỏ hoang, tập tục gian dâm… thì Ấp trưởng, Lý trưởng đều bị chiểu theo luật để trừng trị (Đại Nam Thực Lục - sđd - trang 843 - 844).
Có thể nói sự hình thành hai huyện mới tại các tỉnh Thái Bình và Ninh Bình, với công lao to lớn của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, là một điểm son của triều Nguyễn trong việc phát triển dân sinh. Nhờ đó, đời sống người dân hai huyện Ninh Bình và Thái Bình được cải thiện rõ rệt, giúp ổn định về mặt trật tự, trị an và làm tiền đề cho những kế hoạch phát triển tiếp theo dưới các triều vua Thiệu Trị và Tự Đức.