[Thông điệp từ lịch sử] Quan thanh liêm chống tham nhũng

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc chống tham nhũng thành hay bại trong lịch sử cho thấy đều có vai trò của đội ngũ quan lại. Các quan thanh liêm, chính trực là chỗ dựa của triều đình, là những người trực tiếp đương đầu với bọn quan tham, với tệ nạn hối lộ, tham nhũng.

Tô Hiến Thành không nhận hối lộ của… Thái hậu
Tô Hiến Thành (1102 - 1179), quê làng Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội. Năm 1138, Tô Hiến Thành đỗ Thái học sinh rồi được giao chức Thái phó, coi dự việc binh, chính thức bước vào đời quan trường.

Năm 1140, Tô Hiến Thành có công truy bắt được Thần Lợi tự xưng là con của Lý Nhân Tông, khởi binh, xưng là Bình Vương, làm loạn hòng tranh ngôi của Anh Tông.

Năm Kỷ Mão (1159), Tô Hiến Thành lập công lớn, được phong Thái úy. Sau đó, Tô Hiến Thành lại lập công lớn trong công cuộc bình Chiêm trong các năm Tân Tỵ (1161), Bính Tuất (1166), Đinh Hợi (1167).
 Tượng Tô Hiến Thành.
Năm 1175, ông được phong chức Nhập nội kiểm hiệu Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự, gia phong tước Vương. Tháng tư, nhà vua “Xuống chiếu cho Tô Hiến Thành giúp Thái tử tạm quyền coi giữ chính sự”; “Tháng 7, mùa thu. Nhà vua mất, để tờ di chiếu cho Tô Hiến Thành làm phụ chính”. Quyền cao chức trọng nhưng ông thanh liêm, cương trực, một lòng phò vua Lý Cao Tông khi ấy còn ấu thơ, dựng xây triều chính. Ông nổi tiếng trung thành, lấy quốc gia đại sự lên hàng đầu. Lịch triều hiến chương loại chí chép: “Mùa Thu, tháng 7, ngày Ất Tỵ, vua băng ở điện Thuỵ Quang. Trước đó, khi vua ốm nặng, Hoàng hậu lại xin lập Long Xưởng, vua nói: "Làm con bất hiếu còn trị dân sao được". Di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp lập Thái tử, công việc quốc gia nhất nhất tuân theo phép cũ. Bấy giờ thái hậu muốn làm việc phế lập, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ là Nữ thị. Hiến Thành nói: "Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp lập vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở suối vàng?". Thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách. Hiến Thành trả lời: "Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời của tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng chiếu".

Trần Thủ Độ: “Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao?"

Trần Thủ Độ (1194 - 1264) là người có công lớn lập ra nhà Trần. Vẫn có những nhận xét khác nhau về thuật lấy ngôi, trị nước của ông nhưng trước sau ông vẫn là người tài lược, hết lòng vì vương triều, tận tâm với nước và ngay thẳng, thanh liêm. Trong sử sách và dân gian vẫn lưu lại nhiều chuyện đức độ chính trực của ông.

Linh Từ quốc mẫu, vợ Trần Thủ Độ, có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc bảo Thủ Độ: "Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế". Thủ Độ tức giận, sai đi bắt. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực trả lời. Thủ Độ nói: "Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa" rồi lấy vàng lụa thưởng cho.

Có lần duyệt định số hộ khẩu, vợ ông là bà Linh Từ xin riêng cho một người làm chức nhỏ ở địa phương. Trần Thủ Độ gật đầu, rồi ghi họ tên quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi tên ở đâu, người đó mừng rỡ, Thủ Độ bảo: "Ngươi vì có Công chúa (tức bà Linh Từ) xin cho được làm câu đương, không thể ví những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác". Người đó kêu van xin thôi mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm vì việc riêng nữa.

Thái Tông có lần muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng. Thủ Độ tâu: "An Quốc là anh thần, nếu cho giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao?".

Chu Văn An dâng sớ xin chém bảy kẻ nịnh thần

Chu Văn An (1292 - 1370), quê ở làng Văn Thôn, Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội). Ông nổi tiếng tài giỏi nhưng không đi thi để ra làm quan mà mở trường dạy học.

Vua Trần Minh Tông biết được tài năng và phẩm hạnh của Chu Văn An đã vời ông kinh thành làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, trông coi việc học trong cả nước. Không phụ lòng vua, ông đã đem hết tài năng và tâm huyết để mở mang, phát triển nền giáo dục của nước nhà. Tiếc rằng, dưới thời cai trị của vua Trần Dụ Tông, vua sa đọa, không quan tâm đến chính sự, làm cho triều đình rối loạn. Bọn quyền gian liên kết hoành hành, bên ngoài giặc giã nổi lên cướp bóc, Nhân dân vô cùng đói khổ. Chu Văn An đã nhiều lần khuyên can vua Trần Dụ Tông nhưng không được, quá bất bình, ông đã dâng Thất trảm sớ, xin chém đầu bảy tên nịnh thần để mong giữ yên triều chính. “An can Dụ Tông không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy kẻ nịnh thần đều là người quyền thế vua yêu, người bấy giờ gọi là sớ thất trảm”.

Dâng sớ nhưng không được vua trả lời, Chu Văn An từ quan, về Chí Linh (Hải Dương) mở trường tiếp tục dạy học, viết sách, làm thơ, chữa bệnh giúp người.

Trịnh Khả: “Ăn trộm của một huyện, sao tha được?”

Trịnh Khả (1403 - 1451), người xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Ninh (nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), có mặt ở Hội thề Lũng Nhai, là vị tướng của Lam Sơn, lập được nhiều công lao, có tên trong danh sách 93 vị công thần khai quốc. Đầu đời Lê Nhân Tông, Trịnh Khả được phong hàm Nhập nội suy Trung tán lý Dương vũ công thần, kiêm Lỗi Giang Trấn phủ quân, Thượng tướng quân, cai quản việc quân các vệ ở Tây Đạo, tước Quận thượng hầu.

Sinh thời, ông rất ghét bọn tham quan ô lại và bọn xu nịnh. Sách "Đại Việt thông sử" viết: "Viên Chủ bạ Nam Đạo là Đàm Thảo Lư ẩn lậu 4 quan tiền thuế, theo luật không đến nỗi xử tử, nhưng y đã từng vu hãm Nguyễn Thiên Tích nên ông ghét lắm, bèn quyết định ghép vào tội chết".

Viên Chuyển vận phó sứ huyện Văn Bàn là Trương Tông Ký ăn hối lộ, việc phát giác, án làm xong sắp đem chém thì tả hữu xin tha, ông nói: "Ăn trộm của một nhà còn không tha được huống hồ ăn trộm của một huyện, sao tha được". Để kẻ bị tội tâm phục khẩu phục, Trịnh Khả cho tra xét lại và cuối cùng vẫn xử tội chết, điều đó khiến các quan vừa nể vừa sợ.

Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ hặc tội 18 lộng thần

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) lớn lên trong một giai đoạn lịch sử nhà Lê suy thoái, các phe phái trong triều đố kỵ, chém giết lẫn nhau. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập nhà Mạc.

Năm 1535, lúc đã 45 tuổi, ông mới đi thi và đỗ Trạng nguyên. Ông được nhà Mạc phong chức Tả thị lang bộ Hình. Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh và rút về làm Thái thượng hoàng. Doanh là người đảm lược nên Nguyễn Bỉnh Khiêm hy vọng ông vua này có thể đưa đất nước thoát khỏi tình trạng rối ren nên gắng sức giúp rập. Trước cảnh bầy tôi lộng quyền, ông dâng sớ hặc tội 18 lộng thần. Tuy trọng nể ông là người ngay thẳng, nhưng vua vẫn không nghe, vì những người ông đòi chém đều là những sủng thần trong triều.

Thấy triều đình bệ rạc, rối ren, vua không nghe lời trung nên ông xin cáo quan năm 1542.

Nguyễn Công Cơ: “Người làm quan phải biết dừng, biết đủ…”

Nguyễn Công Cơ (1673 - 1733), quê làng Xuân Tảo, (nay là phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ông đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa thi Đinh Sửu (1697), được bổ nhiệm làm quan trong triều đến chức Tham Tụng đứng đầu văn võ bá quan.

Ông điều hành công việc triều chính hết sức nghiêm minh. Trong khoa thi Hương năm Bính Ngọ (1726), ông đã trừng trị 28 người có liên quan đến sự gian trá trong thi cử, nâng đỡ sửa điểm cho con em quan lại đại thần trong triều. Trong việc làm quan, ông không chạy chức, giành quyền cho những người thân, họ hàng.

Mấy chục năm làm quan, khi về nghỉ ở quê nhà, sống cuộc đời giản dị, thanh bần. Có người hỏi ông: Sao giữ chức lớn trong triều mà chẳng có chút gì tài sản riêng tư, lại cáo lão từ quan quá sớm? Ông mỉm cười, từ tốn: “Người làm quan phải biết dừng, biết đủ, chớ tham quyền chức, của lắm tiền nhiều, bất nhân thất đức, phải giữ lòng trong sạch, chính trực công minh. Đừng dùng lực, cậy uy, sách nhiễu dân lành, tham nhũng bòn rút của dân, gây oan khuất, thiệt thòi cho người vô tội ”.

Dân gian có câu “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Trị quan tham, chống tham nhũng không chỉ có vua, có luật lệ là đủ mà phải có đội ngũ quan tài năng và thanh liêm. Bậc quân vương là phải biết tin và trọng dụng những người này.