Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông điệp từ lịch sử] Vì sao tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ không thành?

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguyễn Trường Tộ (1830 - 1871) là một nhân vật lớn, lạ và hiếm của Việt Nam thế kỷ XIX.

Với tầm nhìn vừa rộng, vừa xa, ông vạch ra con đường canh tân đất nước và kiên nhẫn chấp nhận sự trớ trêu của lịch sử, bi kịch của chính cuộc đời mình để phụng sự lợi ích đất nước, lợi ích Nhân dân.
Canh tân để giữ nước

Nguyễn Trường Tộ quê làng Bùi Chu (Hưng Nguyên, Nghệ An), gia đình theo Thiên Chúa giáo. Hồi nhỏ ông học chữ Hán và học rất giỏi, được truyền tụng là Trạng Tộ. Thôi học, ông mở trường dạy học ở quê, rồi được mời dạy chữ Hán trong nhà chung Xã Đoài. Tại đây, ông được Giám mục người Pháp tên là Gauthier (tên Việt là Ngô Gia Hậu - Cha Hậu) dạy cho tiếng Pháp và nhiều kiến thức khoa học thường thức của phương Tây. Tháng 9/1858, người Pháp đánh vào Đà Nẵng. Nguyễn Trường Tộ cùng Giám mục Gauthier vào Đà Nẵng để lánh nạn kỳ thị giáo dân.
 Tượng Nguyễn Trường Tộ tại trường THPT Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh, Nghệ An.
Đầu năm 1859, Giám mục Gauthier đưa ông sang Hồng Kông. Từ đây, ông được đưa đi nhiều nơi và sang La Mã với ý định để đào tạo thành thầy giảng. Nhưng ý định đó không thành vì Nguyễn Trường Tộ lại muốn học các môn khoa học kỹ thuật. Giám mục Gauthier lại đưa ông sang Paris vào học Đại học Sorbonne.
Ông học ở đây 2 năm, năm 1861 thì về nước. Khi ông về đến Sài Gòn thì Gia Định và 3 tỉnh miền Đông đã bị Pháp chiếm. Ông nhận lời làm phiên dịch cho Tây trong Soái phủ - bộ chỉ huy quân đội Pháp với mục đích góp phần thuận lợi cho triều đình trong cuộc hòa đàm với người Pháp. Trong thời gian này ông đã bắt đầu viết các báo cáo gửi lên triều đình và nhà vua nhưng rất tiếc là bị các quan chức ngăn lại, không đến được nhà vua.
Đến cuối năm 1861, nhận thấy người Pháp kiên quyết đánh chiếm Việt Nam nên Nguyễn Trường Tộ xin thôi việc về quê. Ông mất ở quê năm 1871.

Nguyễn Trường Tộ dù có vài lần nhận làm một số công việc nhưng chưa bao giờ làm quan của triều đình nhà Nguyễn. Tâm trí của ông dành cho việc nghiên cứu và đề xuất canh tân đất nước qua các bản điều trần gửi lên triều đình và vua Tự Đức. Theo Trương Bá Cần, từ 1861 đến năm 1871, ông có 58 bản điều trần, trong đó quan trọng nhất là các bản Thiên hạ đại thế luận (1863), Dụ tài tế cấp bẩm từ (1863), Lục lợi từ (1866), Tế cấp bát điều (1867).

Nhà Nguyễn sau khi lập ngôi, mặc dù các vua Gia Long, Minh Mạng đã có nhiều nỗ lực cải cách, nhất là về hành chính, nhưng vẫn không thoát khỏi cuộc khủng hoảng, nhất là khủng hoảng về đường lối bảo vệ độc lập và phát triển đất nước trong bối cảnh bị phương Tây nhòm ngó, can thiệp. Lúc này, giai cấp phong kiến nước ta đã có sự phân hóa thành hai phái chủ chiến và chủ hòa.
Phe chủ chiến rất yêu nước nhưng cũng chỉ là trung quân với một nền tảng tư tưởng đã lạc hậu, một thực lực yếu kém. Nguyễn Trường Tộ thuộc về phe chủ hòa. Ông chủ trương hòa nhưng không phải là hàng. Hòa để tranh thủ thời gian chấn chỉnh, khôi phục đất nước, làm cho đất nước hùng cường, có đủ sức mạnh giành lại độc lập. Muốn hùng cường thì phải thay đổi, phải làm mới đất nước bằng những cách làm mới, khác trước. Đó là lùi một bước để tiến hai bước.

Tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ được hình thành trên nền tảng ái quốc, là sự kết hợp giữa trách nhiệm của một bậc chân Nho với tri thức khoa học, viễn kiến chính trị của một trí thức sớm được tiếp xúc với tư duy khoa học duy lý phương Tây.

Tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ khá toàn diện, phù hợp và thiết thực. Các quan điểm lớn nhất là: Đa phương về ngoại giao; tùy vào từng thời điểm cụ thể mà ưu tiên các quan hệ quan hệ khác nhau để điều phối các thế lực, từ đó khắc chế các đe dọa đến an ninh, lợi ích của đất nước. Về kinh tế, học hỏi kỹ thuật hiện đại của phương Tây; tăng cường ngoại thương; cải cách chế độ thuế. Về quân sự, tổ chức lại quân đội, trang bị vũ khí mới, hiện đại, chú trọng việc học tập binh thư và lương bổng cho quân sĩ.
Về giáo dục, cải cách chữ viết, xây dựng Quốc âm Hán tự, học kiến thức thực tiễn, thực dụng, nhất là kiến thức khoa học kĩ thuật, tránh lối học từ chương khuôn sáo. Về chính trị - hành chính, xây dựng nhà nước kiểu quốc dân nhất thể, thượng hạ tinh thông, quân chủ thần quyền; nhập các tỉnh để tinh giảm bộ máy, tăng lương cho viên chức.
Vấn đề chính trị quan trọng nhất là đối phó với Pháp, ông kiến nghị tạm thời nhượng bộ và tiến tới giảng hòa với Pháp, có chính sách ngoại giao đa phương mềm dẻo để kiềm chế Pháp, đồng thời tranh thủ thời gian phát triển kinh tế, quân sự để có đủ thực lực giành lại độc lập. Xuyên suốt tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ là “hiện đại hóa” theo mô hình châu Âu toàn bộ đời sống của đất nước, làm cho đất nước hùng cường để giành lại độc lập.

Ông đã có những hoạt động thực tiễn như tham gia hòa đàm với người Pháp; tổ chức chuẩn bị đưa người sang Pháp học tập hoặc đón thầy người Pháp sang mở trường kỹ thuật ở Huế; đề xuất tấn công lấy lại 6 tỉnh Nam bộ khi chiến tranh Pháp - Phổ nổ ra... Nhưng, về cơ bản, các bản điều trần của ông đều không được quan tâm, chấp nhận và thực hiện; tư tưởng canh tân của ông đã không thành hiện thực.

Tại sao không thành hiện thực?

Vua Tự Đức đã nhiều lần tiếp nhận các điều trần của Nguyễn Trường Tộ và chấp nhận thực hiện một số việc như chuẩn bị mở trường kĩ thuật ở Huế, việc hòa đàm với Pháp… Nhưng tiếc là rất ít và không có mấy kết quả. Nhưng dẫu sao cũng chứng tỏ rằng Tự Đức đã nhận biết được tình thế khó khăn và nhu cầu cần phải canh tân đất nước để bảo vệ độc lập.
Tự Đức đủ thông minh để nhận ra điều đó nhưng không đủ bản lĩnh để chấp nhận tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ. Trở lực lớn nhất là đội ngũ quan lại. Họ không muốn và không dám thay đổi vì bị tư duy Nho học níu kéo. Họ sợ nếu thay đổi theo kiểu Nguyễn Trường Tộ thì vị trí, quyền lợi của họ sẽ bị lung lay. Họ vẫn muốn duy trì xã hội cũ, quyền lợi cũ.

Thêm nữa, trong sâu xa, có lý do từ yếu tố địa - chính trị. Nước ta ở quá gần Trung Quốc, bị chi phối bởi Trung Quốc quá nhiều, quá lâu. Khi mà Trung Quốc chưa cải cách thì Việt Nam khó lòng cải cách. Các nhà cải cách và duy tân Trung Quốc như Củng Tự Trân (1792 - 1841), Ngụy Nguyên (1794 - 1856), Phùng Quế Phân (1809 - 1874), Vương Thao (1827 - 1879) ở Trung Quốc còn chưa được chấp nhận thì Nguyễn Trường Tộ không được chấp nhận là điều dễ hiểu.

Mặt khác, hệ thống quan lại, và cả Tự Đức, đã không tin Nguyễn Trường Tộ vì ông là người theo đạo Thiên chúa. Lúc này, trong nhận thức của quan lại, của Tự Đức, và phần đông xã hội, gần như đồng nhất Đạo Thiên chúa là Pháp, mà Pháp là kẻ thù xâm lược. Họ không chấp nhận kiểu tư duy người Tây, không chấp nhận Thiên chúa giáo nên không chấp nhận Nguyễn Trường Tộ. Logic này là bi kịch lớn nhất của ông.

Trí thức và quyền lực

Nguyễn Trường Tộ là một trí thức dấn thân nhưng không thành. Cuộc đời Nguyễn Trường Tộ có nhiều mối quan hệ chồng lên nhau: Đông và Tây, có đạo và không có đạo, nhu và cương, chiến và hòa… và nổi bật là mối quan hệ giữa trí thức và quyền lực (hay là với chính quyền). Đây chính là mối quan hệ cơ bản đưa ông, và không chỉ riêng ông, mà cả nhà Nguyễn, cả dân tộc Việt Nam tới bi kịch hồi thế kỷ XIX. Quyền lực và trí thức là mối quan hệ gắn bó nhưng có khoảng cách và thường thiếu tin cậy, thậm chí nghi ngờ lẫn nhau.
Trí thức và quyền lực chỉ thực sự gắn bó với nhau mỗi khi chính quyền biết tôn trọng trí thức, biết hướng sức mạnh của quyền lực vào phụng sự cho lợi ích dân tộc đồng thời với Trí thức vượt lên, thoát ra khỏi cái tôi để hướng tới một giá trị lớn lao của dân tộc. Tất nhiên, đó là việc khó. Nguyễn Trường Tộ đã chọn cho mình chỗ đứng ngoài chính quyền nhưng không xa chính quyền để có thể thực hiện tư tưởng canh tân của mình mà vẫn không thành.
Từ trường hợp của Nguyễn Trường Tộ cho thấy rằng, muốn đất nước thái bình, phát triển, một điều kiện quan trọng là thiết lập được sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau giữa chính quyền và trí thức. Có như vậy, cùng với việc xử sự hài hòa các mối quan hệ khác, nhất là quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp, quốc gia mới êm ấm, sức mạnh dân tộc mới được củng cố và phát huy, đủ khả năng giải quyết được các yêu cầu của đất nước. Và, số phận dân tộc, thân phận trí thức mới không bị đưa đẩy vào tình thế bi kịch, trớ trêu như Nguyễn Trường Tộ.