Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông điệp từ lịch sử] “Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục” - bí quyết của thời đại Đông A

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà Trần là một triều đại thịnh trị vẻ vang, không chỉ đánh thắng giặc Mông Cổ, giặc Nguyên mà còn đưa Đại Việt thành quốc gia hùng cường bậc nhất ở khu vực hồi đó. Cùng với tinh thần dân tộc, khát vọng về một quốc gia thịnh vượng, phẩm chất nhân văn, hòa hiếu, khoan dung của các vị vua Trần, của tầng lớp quý tộc đã làm nên thời đại Đông A rực rỡ trong lịch sử Việt Nam.

Các sách sử xưa đã từng chép nhiều chuyện về họ: Về sự tinh tường khi chọn người tài, sự minh bạch trong công việc và bao dung độ lượng của các vua; về lòng trung thành với vua, với nước và xử sự đàng hoàng, biết buông bỏ bất hòa, thù hận riêng để hướng tới sự nghiệp chung của tầng lớp quý tộc.
Vua nhân từ, khoan dung
Trần Khánh Dư (1240 - 1340) là chính khách, vị tướng tài, từng giữ chức Phó đô tướng quân trong kháng chiến chống Nguyên lần thứ 2 và 3, tham gia đánh Chiêm Thành năm 1312. Ông có tài nhưng cũng có “tật”; bị sử sách chê là tham lam, thô bỉ vì đã từng nói: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ”.
 Hình tượng Trần Khánh Dư trên bìa sách.
Nhưng Trần Thánh Tông công tâm biết tài, biết tật của Trần Khánh Dư nên đã xử sự vừa công minh, vừa nhân ái với ông. Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) chép rằng: “Khi quân Nguyên sang cướp, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư nhân chỗ sơ hở đánh úp.
Thượng hoàng khen là có trí lược, lập làm Thiên tử nghĩa nam. Sau khi đánh người Man ở miền núi thắng to, phong phiên kỵ đại tướng quân. Rồi từ tước hầu phong lên mãi đến tử phục thượng vị hầu, quyền chức phán thủ; rồi cùng với công chúa Thiên Thụy thông dâm.
Bấy giờ Hưng Vũ vương Nghiễn, con trai của Quốc Tuấn, lấy công chúa Thiên Thụy, lại có công đánh giặc, vua sợ phật ý Quốc Tuấn, mới sai đánh chết Khánh Dư ở Hồ Tây, nhưng lại dặn chớ đánh đau quá để không đến nỗi chết. Rồi xuống chiếu cách hết quan tước, tịch thu sản nghiệp, không để lại cho một tý gì. […]. Khánh Dư lui về ở Chí Linh, cùng với bọn hèn hạ làm nghề bán than”.
Năm Nhâm Ngọ (1288), mùa đông tháng 10, vua ngự ra Bình Than đóng ở vũng Trần Xá, họp các vương hầu trăm quan, bàn về kế sách đánh giữ và chia đi đóng giữ những nơi hiểm yếu. […]. “Khi ấy thuyền vua đỗ ở bến Bình Than. Nước triều xuống, gió thổi mạnh, có một chiếc thuyền lớn chở than gỗ, người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn, vua chỉ mà bảo quan thị thần rằng: Người kia có phải là Nhân Huệ vương không? Lập tức sai thuyền chở thuyền nhỏ đuổi theo, đến cửa Đại Than thì kịp.
Quân hiệu gọi rằng: Ông lái kia, vua sai đòi nhà người. Khánh Dư nói: Ông già là người buôn bán, có việc gì mà gọi đến? Quân hiệu về tâu thực như thế. Vua nói: Đúng là Nhân Huệ vương rồi, nếu là người thường tất không dám nói thế. Vua lại sai nội thị đi gọi. Khánh Dư đến nơi, mặc áo ngắn, đội nón lá. Vua nói: Nam nhi cực khổ đến thế là cùng. Xuống chiếu tha tội.
Khánh Dư lên thuyền lạy tạ. Vua ban cho áo ngự, vị thứ ngồi ở dưới các vương, trên các công hầu’ cùng bàn việc công, nhiều câu đúng ý vua. Đến đây, tháng 10, lại cho Khánh Dư làm phó tướng…”. (Toàn thư).
Chuyện khác, cũng Toàn thư chép: Thời Trần Thánh Tông, có lần vua ban muỗm cho các quần thần, đến lượt Tiếu hiệu Hoàng Cự Đà thì không còn nữa. Khi giặc Mông cổ đánh sang, triều đình phải xuôi mạn Hoàng Giang lánh nạn. Khi thuyền của Thái tử chạy giặc gặp Cự Đà, quan quân hỏi giặc Mông Cổ ở đâu? Cự Đà trả lời không biết, đi mà hỏi những người ăn muỗm ấy, rồi dong thuyền đi đi thẳng. Sau khi thắng giặc, luận công tội, có người đề nghị khép Cự Đà tội nặng. Trần Thái Tông nói Cự Đà tội đáng chết nhưng ta cũng có phần lỗi trong đó rồi tha cho.
Năm 1268, vua Trần Thánh Tông đã nói với các tôn thất: "Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông nên cùng với anh em trong họ cùng hưởng phú quý. Tuy bên ngoài thì là cả thiên hạ phụng một người tôn quý, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên lấy câu nói ấy mà truyền cho con cháu để nhớ lâu đừng quên, thế là phúc muôn năm của tôn miếu xã tắc vậy". Chính nhờ thế mà dưới thời các vua đầu triều Trần "không ai là không hòa thuận, kính sợ và cũng không ai phạm lỗi khinh nhờn, kiêu căng" (Toàn thư).
Bề tôi hòa giải cùng lo việc nước
Nhà Trần là một thể chế quân chủ quý tộc, quyền lực tối cao thuộc về nhà vua nhưng tầng lớp quý tộc dòng họ có vai trò rất lớn, họ nắm giữ hầu hết trọng trách ở triều đình và các địa phương. Sự đoàn kết thống nhất trong hoàng tộc, trong tầng lớp quý tộc vô cùng quan trọng, đặc biệt trong những bối cảnh liên quan đến xã tắc, an nguy quốc gia.
Quý tộc nhà Trần đã vượt qua được những hiềm khích, thù hận để đoàn kết hoàng tộc làm hạt nhân đoàn kết dân tộc trong những thời đoạn gian nan nhất của hoàng tộc và đất nước.
Người hóa giải hận thù thành công nhất là Trần Quốc Tuấn. Ông là con của Trần Liễu, Trần Quang Khải là con của Thái Tông Trần Cảnh. Hồi mới lập triều, do Thái Tông có con bị chết yểu, nhiều năm sau vẫn chưa có con trai nối dõi nên Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung đã ép Trần Liễu là anh ruột của vua phải để vợ là công chúa Thuận Thiên lúc này đang mang thai 3 tháng phải trở thành hoàng hậu thay cho công chúa Chiêu Thánh. Trần Liễu dấy binh làm loạn nhưng không thành.
Từ đấy ông nuôi hận và quyết nuôi dạy Quốc Tuấn thành tài để phục hận. Quốc Tuấn lớn lên và trở thành vị tướng tài, thống lĩnh ba quân, có rất nhiều cơ hội để thực hiện lời hứa phục hận, giành ngôi vua theo trăng trối của cha. Nhưng ông đã không làm điều đó. Thậm chí ông đã đòi giết con trai thứ là Trần Quốc Tảng vì người này bộc lộ ý trả thù khi ông giả vờ hỏi.
Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải vốn từ trẻ không ưa nhau. Trần Quốc Tuấn lại có mối thù của cha. Tuy nhiên, nhận thấy mối bất hòa của quý tộc hoàng triều cũng như của hai người sẽ trở thành một hiểm họa sâu sắc, Trần Quốc Tuấn đã chủ động tìm cách giải hòa. Một hôm, Trần Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Trần Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về.
Trần Quang Khải vốn sợ tắm gội, Trần Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, đùa bảo Trần Quang Khải: "Mình mẩy cáu bẩn, xin tắm giùm", rồi cởi áo Trần Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói: "Hôm nay được tắm cho Thượng tướng". Trần Quang Khải cũng nói: "Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho". Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai ông ngày càng tốt.
Trước đó, đầu năm 1277, Trần Thánh Tông thân chinh dẹp loạn ở động Nẫm Bà La (nay thuộc Quảng Bình). Trần Quang Khải đi theo hộ giá. Ghế Tể tướng bỏ không, vừa lúc có sứ phương Bắc đến, Thượng hoàng Trần Thái Tông gọi Trần Quốc Tuấn tới, tỏ ý định lấy ông làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc. Trần Quốc Tuấn trả lời: "Việc tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi Quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Quang Khải. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn".
Đây là một sự tôn trọng và nhường nhịn nhau hết mực của Trần Quốc Tuấn dành cho Trần Quang Khải - hai rường cột của triều đình lúc bấy giờ.
Thêm một chuyện nữa, rằng: Khi quân Nguyên sang xâm lược lần thứ 3, Trần Quốc Tuấn đã gạt bỏ hiềm riêng, tin cậy "giao hết công việc biên thùy cho phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư" mặc dù ông này từng mắc tội thông dâm với Thiên Thụy vốn được gả cho con trai ông là Trần Quốc Nghiễn. Ngoài ra, khi soạn xong Vạn Kiếp tông bí truyền thư, thì Trần Khánh Dư cũng là người được ông chọn để viết bài Tựa cho sách.
Đó chỉ là hai trong rất nhiều chuyện về tấm lòng khoan dung và cách dụng người của các vua Trần cũng như tình thân ái, nhường nhịn của giới quý tộc hoàng triều. “Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức” là bài học thành công của thời đại Đông A là vậy.

Quý tộc nhà Trần đã vượt qua được những hiềm khích, thù hận để đoàn kết hoàng tộc làm hạt nhân đoàn kết dân tộc trong những thời đoạn gian nan nhất của hoàng tộc và đất nước. “Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức” là bài học thành công của thời đại Đông A là vậy.