70 năm giải phóng Thủ đô

[Thông điệp từ lịch sử]Chữ quốc ngữ và cuộc canh tân văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chữ quốc ngữ là thành tựu chung của các giáo sĩ Công giáo phương Tây với sự đóng góp rất lớn của các thế hệ người Việt. Nó là cây cầu nối Việt Nam với thế giới hiện đại, là bản lề cho sự chuyển đổi/canh tân văn hóa đầu thế kỷ XX.

Sự xác lập địa vị của chữ quốc ngữ
Phải trải qua gần 300 năm, đến cuối thế kỷ XIX (1867?) thì chữ quốc ngữ cơ bản được hoàn thiện. Từ chỗ chỉ sử dụng trong giáo hội Công giáo tiến tới từng bước được xác lập và phổ biến trong đời sống xã hội, trước hết là ở Nam Kỳ thuộc địa.

Ngày 22/2/1869, Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định "bắt buộc dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ Hán" trong các công văn ở Nam Kỳ.

Ngày 6/4/1878, Thống đốc Nam Kỳ Lafont ký Nghị định 82 đề ra mốc trong 4 năm (tức năm 1882) thì phải chuyển hẳn sang chữ quốc ngữ. Ngày 1/1/1879 lại có lệnh khẳng định các văn kiện chính thức phải dùng chữ quốc ngữ. Cũng năm đó, chính quyền Pháp đưa chữ quốc ngữ vào dạy trong các trường ở Nam Kỳ. Để khuyến khích việc truyền bá chữ quốc ngữ, nhà chức trách thuộc địa Nam Kỳ, ngày 14/6/1880, ra nghị định giảm hoặc miễn thuế thân và miễn sưu dịch cho thân hào hương lý nếu họ biết viết chữ quốc ngữ.

Tiếp tục mở rộng chính sách dùng chữ quốc ngữ, chính quyền Pháp giao cho Nha Học chính giảng dạy ở Bắc Kỳ từ năm 1910. Năm 1915 thì kỳ thi Hương cuối cùng diễn ra ở Bắc Kỳ. Ở Trung Kỳ đạo dụ của vua Khải Định ngày 28/12/1918 chính thức bãi bỏ khoa cử và năm 1919 là năm cuối mở khoa thi ở Huế. Năm 1917, vua Khải Định ra lệnh bãi bỏ tất cả các trường học chữ Hán. Năm 1932, vua Bảo Đại ra quyết định dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán.
 Trang bìa số đầu phát hành ngày 15 tháng 1 năm 1866 của Gia Định báo. Ảnh tư liệu
Ngoài chủ trương có tính thực dụng của người Pháp, chữ quốc ngữ được phổ biến và nhanh chóng giành được địa vị độc tôn là nhờ nỗ lực không mệt mỏi của giới trí thức/sĩ phu tiến bộ lúc bấy giờ. Họ nắm bắt ưu điểm dễ viết, dễ đọc của chữ quốc ngữ để cổ động việc học nhằm nâng cao kiến thức đại chúng, canh tân xã hội, thức tỉnh tinh thần yêu nước và tập hợp lực lượng để đấu tranh chống lại ách đô hộ của người Pháp.

Vai trò của chữ quốc ngữ trong canh tân văn hóa

Theo GS.TS Nguyễn Thiện Giáp, chữ quốc ngữ: Cơ sở để mở rộng chức năng của tiếng Việt, nó vươn lên thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia; là công cụ bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc; là cơ sở để tiếng Việt phát triển. Về mặt từ vựng, chữ quốc ngữ đã giúp tạo ra những từ mới nhằm hỗ trợ việc diễn đạt tư duy trong chiều sâu và đỉnh cao của nó. Về ngữ pháp, dấu chấm câu mà chữ quốc ngữ du nhập vào Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc sáng tạo các câu văn viết một cách sáng sủa, mạch lạc…, điều mà chữ Nôm trước đây không có; giúp diễn đạt tư duy logic, thể hiện những tư tưởng khoa học cách trọn vẹn hoàn hảo. Về mặt âm, chữ quốc ngữ giúp xác định chính âm cho tiếng Việt, tạo sự thống nhất chữ viết trong toàn lãnh thổ Việt Nam, cho dẫu Việt Nam có nhiều phương ngữ và nhiều dân tộc thiểu số. Chữ quốc ngữ còn là cơ sở để phát triển nền quốc học lên một tầm cao mới.

Chữ quốc ngữ, ngay từ đầu, đặc biệt từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là nền tảng cho cuộc canh tân văn hóa, là cầu nối Đông - Tây, là phương tiện giao lưu văn hóa - tư tưởng, tiếp nhận khoa học - kỹ thuật thế giới… của người Việt Nam.

Trước hết, chữ quốc ngữ là cơ sở cho cuộc cải cách giáo dục từ Hán/cựu học sang tân học. Bắt đầu là chủ trương của người Pháp nhưng nhận biết tính ưu việt của chữ quốc ngữ nên các trí thức người Việt đã nắm bắt cơ hội để thúc đẩy công cuộc cải cách giáo dục. Từ tư tưởng “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của Phan Chu Trinh, tham khảo kinh nghiệm của Khánh Ứng nghĩa thục (Nhật Bản), các sĩ phu tiến bộ đã thành lập trường Đông Kinh nghĩa thục dạy học bằng chữ quốc ngữ. Các môn học chính là sử, địa, cách trí, vệ sinh, toán pháp, luân lý. Về các môn học tự nhiên, trường dùng sách giáo khoa của các trường tiểu học Pháp; các môn học về xã hội như sử, địa, luân lý... thì nhà trường tự soạn lấy. Nhà trường tuyên truyền lịch sử dân tộc, cổ động tinh thần yêu nước, xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục dưới hình thức diễn thuyết, bình văn; in sách giáo khoa, tài liệu; xuất bản báo Đại Việt tân báo, thành lập thư viện, hòm thư trưng cầu ý kiến Nhân dân… Đối tượng học là số đông dân chúng, mục tiêu là khai dân trí, giáo dục bắt buộc, trang bị kiến thức để trở thành công dân chứ không phải đào tạo quan lại. Trường kiên quyết chống hủ nho, dạy chữ quốc ngữ và các kiến thức mới về chính trị, kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật thiết thực, học không vì bằng cấp mà để có kiến thức “làm người”.

Đông Kinh nghĩa thục thành lập chưa được bao lâu thì sự ảnh hưởng tư tưởng và mô hình nghĩa thục đã lan rộng ra nhiều địa phương. Theo thống kê có khoảng 40 trường theo mô hình Đông Kinh nghĩa thục.

Đông Kinh nghĩa thục không chỉ là một cuộc đổi mới giáo dục, văn hóa mà còn hướng đến mục tiêu giành độc lập dân tộc bằng một tư tưởng và một nền chính trị mới. Vì vậy, thực dân Pháp đã nhanh chóng tìm cách dập tắt sau hơn 9 tháng nó tồn tại.

Thứ hai, chữ quốc ngữ là nền tảng để hình thành và phát triển báo chí, xuất bản. Việc xuất bản lúc này do các nhà in kiêm nhiệm. Nhiều ấn phẩm bằng quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký được xuất bản ở Sài Gòn... Về báo chí, khởi đầu là Gia Định báo, Phan Yên báo, Thông loại khóa trình, Nam Kỳ nhật trình, Nông cổ mín đàm… ở Nam Kỳ từ những năm cuối thế kỷ XIX. Bước sang thế kỷ XX, báo chí quốc ngữ nhiều hơn và đã xuất hiện ở Hà Nội nhiều tờ báo/tạp chí như Ðăng cổ Tùng báo (1907), Nam Phong tạp chí (1917)... Ở miền Trung, tạp chí Lời thăm các thầy giảng (1922) và báo Tiếng Dân (1927) ra đời.

Báo chí quốc ngữ không chỉ phổ biến tri thức, nâng cao dân trí, mở rộng tầm nhìn, khai phóng tư tưởng, cổ động tinh thần yêu nước mà còn góp phần tiếp tục hoàn thiện chữ quốc ngữ để tự nó đóng góp nhiều hơn cho hành trình văn hóa - giáo dục của đất nước. Mặt khác báo chí quốc ngữ đã hình thành các thế hệ nhà báo mới có kiến thức mới, có tầm nhìn mới mẻ, có tinh thần cải cách tiến bộ và là hạt nhân quan trọng cho công cuộc canh tân văn hóa.

Văn học chữ quốc ngữ hình thành đầu tiên ở Nam Kỳ với các tác giả Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản... Bước sang thế kỷ XX, cùng với hệ thống giáo dục mới và sự phát triển/phổ biến của chữ quốc ngữ, đã hình thành một nền văn học mới với đội ngũ tác giả viết bằng chữ quốc ngữ. Văn học quốc ngữ thời kỳ này bước vào vào quá trình hiện đại hóa nền văn học Việt Nam, thoát khỏi hệ thống thi pháp văn học trung đại và đổi mới theo hình thức văn học phương Tây để có thể giao lưu, hội nhập với văn học thế giới. Cũng vào thời kỳ này, nhiều tác phẩm văn học nước ngoài được dịch sang quốc ngữ. Các loại hình nghệ thuật phương Tây như kịch nói, nhiếp ảnh, điên ảnh… lần lượt du nhập vào Việt Nam. Theo đó, các thế hệ văn nghệ sĩ mới xuất hiện làm thay đổi ngày càng sâu sắc nền văn hóa, văn học, nghệ thuật dân tộc.

Thêm nữa, chữ quốc ngữ đã trở thành điều kiện thuận lợi để tiếp nhận, tiếp biến các tư tưởng, học thuyết chính trị xã hội hiện đại và sự tiến bộ về khoa học - kỹ thuật của thế giới vào Việt Nam. Từ đây hình thành một thế hệ trí thức mới tân/Tây học để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp văn hóa và cách mạng nước nhà.

Cũng vào thời kỳ đầu thế kỷ XX, với hai đợt khai thác thuộc địa, các đô thị mới, và cũ, mang tính chất công nghiệp, thương mại nhiều hơn và hình thành tầng lớp thị dân tiểu tư sản. Đây là tiền đề để tạo ra nhiều thay đổi trong sinh hoạt văn hóa của người dân Việt Nam.
Nhìn lại cuộc vận động canh tân văn hóa đầu thế kỷ XX, có thể nói chữ quốc ngữ có ý nghĩa như chiếc chìa khóa để văn hóa Việt Nam mở ra con đường mới tiến vào văn minh, hiện đại. Và những tấm gương khai sáng như Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Văn Vĩnh… vẫn còn tiếp tục cổ vũ hành trình phát triển văn hóa Việt Nam.