Công ty tài chính không được đe dọa, đòi nợ khách hang
Trước câu câu hỏi của Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn Hà Nội, hiện nay người dân dễ dàng tiếp cận một loại hình vay khá phổ biến gọi là vay qua trang Web hoặc vay App mà ngân hàng gọi là cho vay ngang hàng (P2P Lending).
Đòi hỏi hành lang pháp lý của hoạt động và quản lý việc cho vay, đặc biệt vừa qua Công an Thành phố Hà Nội đã khám phá án một vụ án vay qua App lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho nhân dân.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sự phát triển của công nghệ đã xuất hiện nhiều hoạt động cho vay. Việc cho vay qua app và web đã có ở một số nước trên thế giới, gần đây lan sang các nước châu Á và Việt Nam.
Việc cho vay này dựa trên kết nối công nghệ giữa người vay và cho vay nhưng thực tế xảy ra hiện tượng không tách bạch giữa tiền của người cho vay và của người đi vay. Có thể người lập ra sàn kết nối lại là người đi vay hoặc cho vay, gây mất an toàn trật tự xã hội.
Thống đốc cho hay, Trung Quốc đã có biện pháp siết các hoạt động này. Với Việt Nam, Chính phủ giao NHNN chủ trì phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu, hiện NHNN đang dự thảo để có hành lang pháp lý hoạt động an toàn, lành mạnh hiệu quả, trên cơ sở kinh nghiệm các nước để hạn chế rủi ro phát sinh.
Nói về về thực trạng và giải pháp phòng, chống tín dụng đen, Thống đốc cho hay, NHNN được giao nhiệm vụ tăng cường tiếp cận với người dân, DN, đa dạng hoá sản phẩm cho vay với người dân vùng sâu vùng xa. Việc phát triển tổ chức tài chính vi mô là một trong những nội dung rất quan trọng của chiến lược tài chính toàn diện. Qua đó, hỗ trợ rất nhiều việc tiếp cận vốn của các đối tượng, nhất là những người yếu thế và là một giải pháp phòng chống tín dụng đen rất hiệu quả.
NHNN đang áp dụng công nghệ cho vay, ban hành thông tư riêng các quy định về đòi nợ, lãi suất. Thông tư của NHNN yêu cầu các công ty tài chính không đòi nợ bằng biện pháp đe dọa và nêu rõ thời gian đòi nợ từ 9h đến 21h. Về tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, Thống đốc cũng khẳng định, NHNN cũng ban hành hành lang pháp lý, yêu cầu các tổ chức tín dụng có quy trình cho việc nhận diện rủi ro, phát hiện vấn đề. Phối hợp với Bộ Công an đưa ra các tình huống ứng cứu, xử lý ngăn chặn các hành vi lừa đảo đánh cắp tài khoản. Đặc biệt, có cảnh báo người dân về tội phạm công nghệ đánh cấp tiền trong tài khoản.
Đã có phương án xử lý ngân hàng 0 đồng
Liên quan đến vấn đề về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các TCTD, xử lý các ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém gắn với xử lý nợ xấu;
Trong quá trình triển khai cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, các TCTD đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro. Từ năm 2021 đến nay, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 216,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong 4 tháng đầu 2022, tổng số dư nợ xấu được xử lý đạt 54,8 nghìn tỷ đồng, phần lớn là khách hàng trả nợ (23,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 43,0% tổng nợ xấu được xử lý); sử dụng dự phòng rủi ro (14,2 nghìn tỷ đồng, 25,9%) và bán nợ cho VAMC (11,4 nghìn tỷ đồng, 20,9%).
Liên quan đến công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42; xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 148 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,9% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã xử lý (trung bình từ 2012-2017 chỉ khoảng 22,8%). Trong đó, riêng năm 2021, đã xử lý được 48,3 nghìn tỷ đồng.
Định hướng trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tạo cơ sở để đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu hiệu quả.
NHNN cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh, TP tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện quy định tại Nghị quyết 42 trên thực tế sau khi được Quốc hội thông qua gia hạn thời gian áp dụng Nghị quyết.
Về việc đẩy nhanh xử lý ngân hàng 0 đồng, vừa qua, NHNN đã trình phương án xử lý và sẽ tích cực triển khai sau quyết định của cấp có thẩm quyền. Các biện pháp được đưa ra gồm tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng, đồng thời sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn...
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đã trình phương án xử lý các ngân hàng yếu kém như CBBank, OceanBank, GPBank và DongA Bank. Trong đó, hai trên ba ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng Xây Dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank) đã có phương án xử lý.
Tránh “giật cục” trong điều hành tài chính, tiền tệ
Khẳng định BĐS là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và có khả năng lan tỏa đến nhiều ngành nghề quan trọng khác song Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, 94% BĐS là đầu tư dài hạn, việc ngân hàng dùng vốn ngắn hạn (80% vốn ngân hàng là ngắn hạn) để cho vay trung, dài hạn, rõ ràng, được cho doanh nghiệp thì ngân hàng đứng trước nguy cơ rủi ro thanh khoản rất lớn.
Theo Thống đốc, tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2.288.278 tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 20,44% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực này là 1,62%, khoảng 37.000 tỷ đồng.
“Nhiều năm trở lại đây, NHNN có chủ trương là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn hiệu quả; tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh và hạn chế vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.Để ngăn rủi ro tín dụng, các ngân hàng chỉ cho vay khi khách hàng đủ điều kiện, đảm bảo khả năng trả nợ. Nếu tổ chức tín dụng cho vay không kiểm soát được thì có thời điểm khách hàng đến rút tiền mà không đòi lại được khoản nợ dài hạn”- Thống đốc chia sẻ.
"Còn cho vay với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản là do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và quyết định, trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của chính họ, vì mục tiêu phát triển thị trường BĐS lành mạnh và ổn định”- Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Chủ tọa phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, các nhà điều hành khẳng định không siết thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản. Nhưng 5 tháng đầu năm nay, thị trường này chững lại, nhà đầu tư muốn huy động vốn rất khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các thị trường là thông suốt, do đó một mặt cơ quan quản lý phải giám sát, quản lý chặt nhưng mặt khác cũng phải tạo thị trường cho phát triển. "Chúng ta chấn chỉnh méo mó của thị trường chứ không phải hạn chế nó phát triển. Vì thế, chính sách tài chính, kinh tế phải nhất quán, thông suốt, tránh giật cục", ông nói thêm
Trả lời về chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, giá vàng trên thị trường thế giới biến động khó lường, phụ thuộc vào nhiều yếu tố thương mại, chính trị. Có thời điểm giá vàng lên 2.000 USD/ounce có thời điểm xuống 1.700 -1.800 USD/ounce, Giá vàng trong nước biến động theo thế giới nhưng tốc độ tăng và giảm.
Chênh lệch giá vàng trang sức 1,5 triệu- 2 triệu đồng/lượng. Còn chênh lệch vàng SJC lên 17-18 triệu. Chủ trương chống vàng hoá, NHNN không nhập vàng để sản xuất vàng miếng, nguồn cung không tăng. Giá vàng thế giới biến động như vậy, các DN vàng lo rủi ro nên họ niêm yết giá cao, nhất là vàng SJC được người dân ưu chuộng. “NHNN với vai trò quản lý nhà nước, chúng tôi cũng chuẩn bị các phương án sẵn sàng can thiêpj khi cần thiết. Nhưng qua đánh giá, số liệu bán ròng, khi giá vàng cao nhiều người dân mang bán, còn mua vào cũng ít. Chúng tôi thấy rằng, nhu cầu thị trường hiện nay, NHNN chưa cần nhập thêm vàng. Vì nhập thêm chúng tôi phải xử dụng dự trữ ngoại hối để nhập”- Thống đốc nói.