Thống đốc Nguyễn Thị Hồng làm rõ khái niệm tiền ảo, tài sản ảo

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tại phiên chất vấn chiều 8/6, đại biểu Nguyễn Thành Công (đoàn tỉnh Ninh Bình) đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đưa ra quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về triển khai nghiên cứu đồng tiền kỹ thuật số quốc gia? 

Đồng thời, đại biểu cũng yêu cầu Thống đốc nêu rõ tình hình triển khai thí điểm thời gian qua có những khó khăn gì? Và những giải pháp cần thiết để phát triển dịch vụ này, giúp người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa có thể sử dụng thuận lợi?

Đại biểu Nguyễn Thành Công (đoàn tỉnh Ninh Bình). Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thành Công (đoàn tỉnh Ninh Bình). Ảnh: quochoi.vn

Trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Thành Công, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như dư luận rất quan tâm. Các khái niệm tiền ảo, tài sản ảo cần phải làm rõ. Cụ thể, về tiền điện tử là đồng tiền pháp định, tức là đồng tiền của Ngân hàng trung ương phát hành dưới dạng tiền giấy, tiền xu. Thế nhưng khi một người có tiền giấy, tiền xu nhưng không cầm tiền giấy, tiền xu mà lưu giữ dưới dạng điện tử, các thiết bị điện tử như điện thoại di động hay mạng máy tính…

Tiền điện tử có tỷ lệ 1-1 giữa tiền pháp định với tiền điện tử và được thanh toán tiền này. Trên thực tế Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư quy định là có ví điện tử, thực ra chính là tiền điện tử.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 101 thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó sẽ làm rõ khái niệm này.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn chiều 8/6. Ảnh: Quochoi.vn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn chiều 8/6. Ảnh: Quochoi.vn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định: "Trên thực tế còn có khái niệm tiền ảo mà chúng ta vẫn hay nghe nhắc đến như đồng Bitcoin. Đây không phải là đồng tiền pháp định do ngân hàng trung ương của các nước phát hành mà là do các tổ chức trong khu vực tư nhân tạo ra bằng các thuật toán trên hệ thống mạng máy tính. Đối với đồng tiền này chỉ được thừa nhận trong một cộng đồng nhất định thôi. Ví dụ như cộng đồng game hay sàn công nghệ. Ở mỗi một quốc gia có cách thức quản lý khác nhau đối với loại tiền này."

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã giao cho các bộ, ngành chức năng chủ trì nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao vai trò phối hợp với các cơ quan chức năng.

Về đồng tiền kỹ thuật số là đồng tiền pháp định do Ngân hàng trung ương phát hành nhưng dưới dang tiền điện tử chứ không phải là tiền giấy, tiền xu. Đồng tiền kỹ thuật số hiện nay các nước trên thế giới đang trong quá trình nghiên cứu và nhiều nước thì thử nghiệm. Đối với Việt Nam, Chính phủ cũng giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập bộ phận nghiên cứu về đồng tiền kỹ thuật số này.

Đối với mobile money, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua thì các bộ, ngành cùng với Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu trình Chính phủ để tổ chức triển khai mobile money.

"Hiện, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho 3 doanh nghiệp viễn thông triển khai, tính đến cuối tháng 3 năm nay có khoảng 1 triệu tài khoản được mở tại các doanh nghiệp thí điểm, số lượng giao dịch đã đạt 8,5 triệu giao dịch." - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cũng thông tin về tình hình phát triển điểm kinh doanh tiền mobile money và phát triển đơn vị chấp nhận thanh toán. Ngân hàng Nhà nước cùng với các bộ, ngành cũng theo dõi, đánh giá trị của đồng tiền này và sẽ tổng kết thí điểm để có thể tham mưu, đề xuất trong thời gian tới.