Thống nhất trình Quốc hội 2 luật tách từ Luật Giao thông đường bộ

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật là phù hợp 

Tại phiên làm việc sáng 2/6, Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đã ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, các ý kiến phát biểu cơ bản đều tán thành với các quan điểm, nguyên tắc, định hướng lập Chương trình và tiến độ trình Quốc hội các dự án cụ thể trong dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời, có ý kiến cụ thể về một số dự án cũng như đề xuất một số dự án mới.

Có ý kiến đề nghị xem xét thấu đáo, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự cần thiết ban hành, những điểm mới của 3 dự án: Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cũng có ý kiến đề nghị Quốc hội cho thực hiện thí điểm việc tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, sau đó tổng kết, đánh giá để làm cơ sở xây dựng luật điều chỉnh về vấn đề này.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, qua xem xét hồ sơ đề nghị xây dựng và hồ sơ đầy đủ của 3 dự án Luật, báo cáo thẩm tra và ý kiến của các cơ quan cho thấy, Chính phủ đã nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV, làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, sự cần thiết ban hành của từng dự án.

Theo đó, việc xây dựng, ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật cũng phù hợp với xu hướng xây dựng các đạo luật cụ thể, có phạm vi điều chỉnh hẹp, tập trung vào một lĩnh vực, quy định chi tiết để áp dụng ngay được, hạn chế việc phải đợi ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, tiếp thu theo ý kiến đại biểu Quốc hội khóa XIV, dự án Luật Đường bộ đã được rà soát phạm vi điều chỉnh và các quy định của dự thảo Luật bảo đảm phân định rành mạch với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thể chế hóa đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng được rà soát, chỉnh lý nội dung về phạm vi điều chỉnh, về hành vi bị nghiêm cấm, các quy tắc giao thông đường bộ, điều kiện phương tiện tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tổ chức chỉ huy điều khiển giao thông, giải quyết tai nạn giao thông, tuần tra, kiểm soát, ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ...

Hai dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự án Luật Chuyển đổi giới tính

Theo Nghị quyết, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) sẽ trình Quốc hội thông qua 9 luật, 1 nghị quyết: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp)...

Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến 9 dự án luật: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân;Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) sẽ trình Quốc hội thông qua 9 luật: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên;Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Cũng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Chuyển đổi giới tính và dự án Luật Việc làm (sửa đổi).