Thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/6, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đó, Quốc hội quyết nghị, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Kinhtedothi - Sáng 25/6, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đó, Quốc hội quyết nghị, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

 
Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Luật An toàn, vệ sinh lao động.        Ảnh: TTXVN

Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Luật An toàn, vệ sinh lao động.        Ảnh: TTXVN
 
 Quy mô đầu tư xây dựng các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật. Lộ trình thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Báo cáo giải trình trước khi Quốc hội bấm nút, UBTV Quốc hội cho biết, trên cơ sở cân nhắc toàn diện các vấn đề, UBTV Quốc hội đề nghị Quốc hội quyết định cho thu hồi toàn bộ diện tích 5.000ha theo quy hoạch. Đồng thời, đây là dự án kéo dài trong nhiều năm, vốn đầu tư lớn, do vậy, việc xem xét thời điểm đầu tư giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của dự án phải dựa trên yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.

Nghị quyết cũng chỉ rõ, trong quá trình đầu tư xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tiếp tục khai thác có hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Diện tích và công năng của Sân bay Tân Sơn Nhất để phục vụ cho các hoạt động của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn được giữ và tiếp tục nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch.

Chỉ nên áp dụng tập quán là truyền thống tốt đẹp

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về Dự án Bộ Luật Dân sự (sửa đổi). Trong đó, về quy định áp dụng phong tục tập quán trong xét xử, nhiều ĐB cho rằng, cần quy định rõ áp dụng tập quán đặc biệt là truyền thống tốt đẹp, vì hiện có nhiều phong tục lạc hậu, định kiến về giới. Các vấn đề về quyền nhân thân, trong đó có việc đặt tên đã nhận được nhiều sự quan tâm. Theo quy định của Luật: “Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá 25 chữ cái”. Nhận định về quy định trên, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng: Nếu tên quá dài sẽ không thể đủ chỗ để ghi, nếu phải viết tắt dễ gây nhầm lẫn. Nhưng nếu đã có quy định này thì cần bổ sung quy định cá nhân có quyền thay đổi họ tên theo hướng rút ngắn hơn tên mình. ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cũng cho rằng: Thực tiễn xây dựng pháp luật cho thấy tất cả các văn bản của chúng ta hiện nay đều thống nhất quan điểm, ngôn ngữ văn bản phải là tiếng Việt. Nhìn xa ra thế giới chúng ta thấy mọi dân tộc đều có tiếng nói, chữ viết riêng của mình và họ đều ra sức bảo tồn, phát huy ngôn ngữ của mình, do đó cần phải có quy định này.

Liên quan đến quy định về chuyển đổi giới tính tại Khoản 2 Điều 26, các ĐB nhận định không chỉ là vấn đề nhạy cảm trong xã hội mà còn là một điều khó và mới. Tuy nhiên quy định trong Dự thảo Bộ luật không thống nhất với nhau. Một mặt Nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác. Có lẽ vì thế, ĐB Bùi Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, nên tách làm 2 điều luật là xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính.
Quốc hội thông qua  4 đạo luật quan trọng
Ngày 25/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 4 đạo luật, gồm: Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi); Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) đã xác định rõ các khoản thu, đồng thời quy định, NSNN được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên và góp phần tích lũy ngày càng cao để chi đầu tư phát triển; trường hợp còn bội chi thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển, tiến tới cân bằng thu, chi ngân sách; trường hợp đặc biệt Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trường hợp bội thu ngân sách thì được sử dụng để trả nợ gốc và lãi các khoản vay của ngân sách Nhà nước.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được thông qua Luật cấm lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri. Theo luật này, nguyên tắc vận động bầu cử là "dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội".

Theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vừa được thông qua, quy định cụ thể cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Điều kiện cho đối tượng này là phải hoạt động nghiên cứu khoa học vì mục đích hòa bình. Luật cũng quy định rõ các hành vi bị luật nghiêm cấm...

Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động....
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần