Trước hết, cần niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật để khống chế và kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn sinh lửa, sinh nhiệt. Sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu nhất là các chất đặc biệt nguy hiểm về cháy, nổ như xăng dầu, khí cháy đủ cho từng ca sản xuất và thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC. Hàng hoá trong kho, xưởng sản xuất phải được sắp xếp theo đúng quy định an toàn PCCC.
Bên cạnh đó, nên lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptomat) cho hệ thống điện toàn cơ sở, từng khu vực, phân xưởng và các thiết bị điện có công suất lớn, tách riêng biệt các nguồn điện chiếu sáng, bảo vệ phục vụ thoát nạn, chữa cháy, điện sản xuất, sinh hoạt. Lắp đặt hệ thống chống sét, chống rò điện phù hợp với từng loại công trình; có giải pháp chống tĩnh điện đối với những dây chuyền sản xuất, thiết bị phát sinh tĩnh điện.
Không lập bàn thờ để thờ cúng, đun nấu trong các kho, xưởng sản xuất. Không sử dụng vật liệu là chất cháy để làm mái, trần nhà, vách ngăn. Xây tường ngăn cháy giữa các bộ phận sản xuất có diện tích lớn theo quy định. Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn chung cho cả công trình, từng khu vực; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn. Có hệ thống thông gió, chống tụ khói.
Ngoài ra, cần thành lập đội PCCC cơ sở; mỗi bộ phận, phân xưởng có tổ hoặc người tham gia đội PCCC; mỗi ca làm việc bố trí lực lượng thường trực chữa cháy. Lực lượng PCCC cơ sở phải được huấn luyện nghiệp vụ PCCC, cứu nạn, cứu hộ. Trang bị phương tiện chữa cháy, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở.
Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người trong tình huống phức tạp nhất. Trang bị các phương tiện PCCC cần thiết như hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy họng nước vách tường, bình chữa cháy để có thể xử lý kịp thời khi có sự cố cháy nổ xảy ra...