Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thông tin giữa đại dịch Covid-19: Vẫn còn sự “lạc điệu” không đáng có

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những thông tin không phản ánh đầy đủ sự thật, thiếu kiểm chứng nhiều chiều không chỉ thường thấy trên mạng xã hội mà nay chúng còn xuất hiện ngay cả trên một số tờ báo, đặc biệt là khi dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp. Điều này không chỉ tạo ra tâm lý tiêu cực cho người dân mà còn khiến công tác phòng, chống dịch thêm những khó khăn.

Bạn đọc cập nhật thông tin dịch Covid-19 ở địa bàn Hà Nội qua các trang báo điện tử. Ảnh: Công Hùng
Một nửa sự thật không phải là sự thật

Có thể thấy, với lần bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, Hà Nội là một trong những tỉnh, TP có tốc độ lây lan mạnh và nhanh. Tuy nhiên với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và cộng đồng DN cũng như áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch nhuần nhuyễn, sáng tạo khiến người dân tin tưởng và đồng thuận với TP trong công tác phòng chống, dịch. Điều này có được cũng đến từ sự trợ giúp, hỗ trợ từ các cơ quan báo chí trong việc tích cực phản ánh công tác phòng dịch, phổ biến chính sách hỗ trợ người dân của TP... Tuy nhiên vẫn còn những thông tin dạng “một nửa sự thật” xuất hiện trên chính một số trang thông tin điện tử lớn hoặc báo chí chính thống mà thiếu đi sự kiểm chứng đầy đủ khiến người dân hoang mang, gây ảnh hưởng lớn đến các lực lượng đang ngày đêm gồng mình chống dịch.

Điển hình là trong vài ngày vừa qua, một số tờ báo, trang tin điện tử đã có đăng bài phản ánh về tình trạng “lao động nghèo trong đại dịch giữa thủ đô hái rau dại để ăn, 8 người ngày chia nhau 4 suất cơm” ở phường Dương Nội, quận Hà Đông. Bài viết nêu lên tình cảnh của bà Trần Thị Táo và một nhóm công nhân ở phường Dương Nội bị mắc kẹt tại một dự án xây dựng trên đường Lê Trọng Tấn không thể về quê, không dám đi chợ La Dương do có F0, không được phát phiếu mua lương thực, thực phẩm và phải ăn rau dại. Với nhiều ngôn từ đánh mạnh vào cảm xúc người đọc như “Đảo nồi lá cây rau dại xào trong chiếc nồi cơm điện cũ đen ngòm vì hoen gỉ”, “Mùi rau dại xộc thẳng vào mũi, hăng như tưới thêm xăng”, “Đói quá thì đi ngủ thật sớm để mà quên cái đói” … ngay sau khi được đăng tải, bài viết đã được chia sẻ khá rộng rãi trên mạng. Đi kèm với đó là nhiều bình luận mang hướng tiêu cực đối với các cơ quan chức năng địa phương.
Tuy nhiên, theo xác minh ngay sau đó của UBND quận Hà Đông và phường Dương Nội thì bà Táo có hộ khẩu thường trú tại phường Dương Nội và điều kiện gia đình ở mức trung bình, không phải diện khó khăn. Việc bà Táo phản ánh bị mắc kẹt không về được quê là không đúng thực tế vì từ dự án tại đường Lê Trọng Tấn nơi bà làm bảo vệ tới nhà tại tổ dân phố Kiên Quyết chưa đến 1km, đi lại rất thuận tiện. Đồng thời, Tổ trưởng Tổ dân phố Kiên Quyết đã gửi gia đình bà Táo 5 phiếu đi mua lương thực, thực phẩm. Còn về nhóm công nhân bị mắc kẹt không thể về quê, UBND phường Dương Nội cho biết, phía chủ đầu tư và nhà thầu sử dụng nhóm lao động này đã chủ động hỗ trợ mỗi công nhân 50.000 đồng/người/ngày, với tổng số 427 công nhân, duy trì liên tục từ khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội cho tới khi kết thúc giãn cách xã hội.

Hay như mới đây, một tờ tạp chí điện tử đã đăng tải thông tin về trường hợp xe "luồng xanh" chở hoa quả bị phạt 3 triệu đồng vì hàng hóa không thiết yếu tại địa bàn xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất. Ngay sau đó thông tin này cũng được phía chính quyền địa phương xác nhận là không đầy đủ và thiếu chính xác. UBND xã Cần Kiệm cũng có văn bản gửi tới tờ tạp chí trên đề nghị cần phản ánh trung thực và không đặt những câu hỏi không rõ ràng, khó hiểu khi chưa tìm hiểu kỹ sự việc như “Xử phạt có đúng hay không?”, “Số tiền 3 triệu có được nộp vào kho bạc nhà nước không?”…

Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin

Cần phải nhìn nhận, công tác tiếp nhận cũng như xử lý phản ánh từ người dân, báo chí của TP Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã và đang được triển khai rất hiệu quả, kịp thời và minh bạch. Điều này có thể thấy qua việc thiết lập hàng loạt đường dây nóng được kết nối tới các sở, ngành, sở chỉ huy phòng chống dịch 30 quận, huyện, thị xã. Đồng thời, Hà Nội cũng xác định, mặc dù các lực lượng phòng chống dịch của TP đang dồn sức cho công tác ngăn chặn Covid-19 nhưng bất cứ phản ánh nào của người dân, báo chí về sai phạm, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng, nguy cơ tiếp xúc các ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng, thông tin không đúng sự thật... đều sẽ được kịp thời xử lý trong thời gian ngắn nhất. Trường hợp không xử lý được sẽ xét tới trách nhiệm của đơn vị tiếp nhận thông tin.

Minh chứng cho nỗ lực này là rất nhiều vụ việc do chính các cơ quan báo chí phản ánh về các bất cập trong khâu phòng chống dịch đã được xử lý kịp thời trong thời gian rất ngắn. Có thể kể đến như vụ việc “Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 phường Chương Dương cấp giấy ra vào cho người dân chưa đúng quy định”. Ngay khi nhận được phản ánh từ các cơ quan truyền thông, UBND quận Hoàn Kiếm đã có chỉ đạo phường ngừng ngay việc cấp giấy này. Hay như vụ việc báo chí phản ánh người dân tại khu phong toả ngõ Văn Chương, phường Văn Chương, quận Đống Đa gặp nhiều khó khăn trong việc mua nhu yếu phẩm và có những hộ dân cần được hỗ trợ về lương thực, thực phẩm cũng được chính quyền sở tại xử lý nhanh chóng. Chỉ đúng một ngày sau khi thông tin trên được đăng tải, hơn 6 tấn rau, củ, quả, 7 tấn gạo và nhiều mặt hàng thiết yếu khác đã được chuyển tới người dân phường Văn Chương.

Như vậy có thể thấy, các cấp chính quyền của Hà Nội đang cố gắng với tất cả sức lực của mình nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19, đồng thời quan tâm, chăm lo đời sống của người dân với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau. Nhưng để các nỗ lực này thực sự có hiệu quả thì đầu tiên là phải an được lòng dân và báo chí đóng vai trò rất lớn. Do đó, tại thời điểm khó khăn như hiện nay, những bài báo phản ánh về dịch bệnh không chỉ cần nhanh nhạy, kịp thời mà còn phải thể hiện được trách nhiệm của người làm báo trong việc kiểm chứng thông tin, tránh gây hoang mang dư luận vì những thông tin sai hoặc không phản ánh đúng sự thật.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương cho rằng đây là sự lạc điệu không đáng có. Cũng như nhiều lực lượng khác, báo chí đóng góp rất lớn và tích cực vào công tác phòng chống dịch, tuy một vài bài báo sai sự thật không thể đại diện cho tiếng nói của toàn bộ báo chí chính thống nhưng ít nhiều cũng ảnh hưởng tới sự cố gắng của cả cộng đồng nói chung cũng như giới báo chí nói riêng.
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ trước tới nay, chủ trương của TP là coi phản ánh từ người dân, đặc biệt từ báo chí là nguồn thông tin quan trọng để chính quyền các cấp kịp thời xử lý các điểm chưa phù hợp, chưa sát với thực tế hoặc sai phạm. Tất cả những thông tin dạng này đều sẽ được TP xử lý trong thời gian nhanh nhất. "Ở thời điểm cả TP đang căng mình để chống dịch, một bài báo tiêu cực, thiếu kiểm chứng sẽ gây tác hại rất nghiêm trọng khi tạo ra tâm lý tiêu cực cho người dân cũng như phân tán nguồn lực của cơ quan chức năng đi xác minh sự việc. Do đó, khi đưa tin về công tác phòng, chống dịch các báo cần kiểm tra kỹ, cẩn thận trong việc xác mình từ phía chính quyền địa phương nhằm tránh tình trạng đưa tin sai sự thật hoặc phản ánh không đầy đủ bản chất của sự việc, từ đó tạo tiêu cực không đáng có trong cộng đồng"- Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương chia sẻ.

Hà Nội rất cởi mở với báo chí về mặt thông tin, với mỗi sự việc, các cơ quan truyền thông hoàn toàn có thể xác minh hai chiều thông qua Sở TT&TT Hà Nội, đường dây nóng tại các địa phương… Mỗi khi nhận được phản ánh từ báo chí, các ban, ngành, quận, huyện đều sẽ có phản hồi trong thời gian ngắn nhất nhằm bảo đảm tiến độ đưa tin.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương