Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thông tuyến trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: Sớm ngày nào dân lợi ngày đó

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh viện xin xuống hạng để được áp dụng quy định thông tuyến, một người đi khám chữa bệnh (KCB) nhiều lần trong ngày…

Đó là những vấn đề làm “nóng” phiên giải trình về thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 1/3.
Bệnh viện xin xuống hạng

Tại phiên giải trình, cả lãnh đạo ngành y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) đều khẳng định thông tuyến có ý nghĩa quan trọng thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau trong tổ chức cung ứng dịch vụ y tế như người bệnh được hưởng các dịch vụ KCB tốt hơn nhờ sự cạnh tranh về chất lượng giữa các cơ sở. Với các bệnh viện tư nhân, khi thực hiện thông tuyến, số lượng người đến KCB tăng. Các cơ sở KCB cũng bắt buộc phải đổi mới phong cách phục vụ, đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút người bệnh
 Người dân làm thủ tục tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: Việc thông tuyến không làm gia tăng số lượt KCB chung và trong nhiều năm, quỹ BHYT luôn có kết dư. Nhưng năm 2016, số thu BHYT cho KCB ước là 64.242 tỷ đồng và số chi ước là 69.410 tỷ đồng (ước bội chi là 5.130 tỷ đồng), nguyên nhân bội chi chủ yếu là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong KCB, tăng cường chuyển giao kỹ thuật đối với tuyến dưới, mô hình bệnh tật thay đổi và một phần do thông tuyến.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ ra những hạn chế trong thực hiện quy định này, như: Chưa kiểm soát được tình trạng người tham gia BHYT lợi dụng chính sách thông tuyến để đi KCB nhiều lần, nhiều nơi mà không phải vì nhu cầu KCB. “Một số bệnh viện tư nhân có xu hướng xin xuống hạng (từ hạng I, II xuống hạng III, hạng IV) xếp tương đương với BV huyện để được áp dụng cơ chế thông tuyến. Bên cạnh đó, với tính chất là một “doanh nghiệp” nên các cơ sở này có thể áp dụng các hình thức khác nhau, như tặng quà, hỗ trợ phần chi phí cùng chi trả của người bệnh, hỗ trợ tiền đi lại, đưa đón người bệnh để “thu hút” người có thẻ BHYT đến KCB” - Bộ trưởng Bộ Y tế cảnh báo.

Những con số gây ngạc nhiên

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, sau 2 năm thực hiện thông tuyến, năm 2015, số thẻ BHYT đã tăng hơn 5 triệu so với năm 2014, đạt gần 70 triệu thẻ, bao phủ 76,2% dân số cả nước. Đến năm 2016, số người tham gia đạt xấp xỉ 76 triệu người (tăng 8,3% so với 2015), bao phủ 81,7% dân số. Năm 2016, số người tham gia BHYT theo hộ gia đình là 11,5 triệu người, tăng 37,4% so với năm 2015. Con số đó cho thấy người dân đã tin tưởng và nhận thấy lợi ích của chính sách BHYT.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cũng chỉ ra những “biểu hiện lạ”, những “số liệu gây ngạc nhiên” sau khi áp dụng quy định thông tuyến. Như tình trạng y tế tuyến xã đã gần như bị… bỏ rơi, dẫn đến lãng phí nguồn lực của Nhà nước đầu tư vào y tế cơ sở. Chất lượng KCB BHYT tại nhiều BV tuyến huyện không đáp ứng được yêu cầu khi số lượng lớn bệnh nhân đến khám. “BHXH đã kiểm tra một số cơ sở có hiện tượng thuê xe đón bà con đến KCB. Đó là những quan tâm… rất không bình thường, cần xem xét lại động cơ” - bà Minh nêu.

Đồng thời, bà Minh cũng cho biết, nhờ hệ thống giám định bảo hiểm điện tử được đưa vào khai thác, đã thống kê được những số liệu gây ngạc nhiên. Từ tháng 7/2016 - 2/2017, có trên 1,2 triệu người tham gia BHYT đi KCB từ 2 lần trở lên mỗi tháng; 3 triệu lượt khám nhiều lần trong cùng ngày, nhiều lần trong tháng. Thậm chí, có trường hợp đi khám, lấy thuốc đến... 308 lần ở 23 nơi trong 8 tháng, hay có người trong quý IV/2016 đi khám 160 lần tại 20 cơ sở khác nhau. Đó cũng là những con số rất bất bình thường. Ngoài ra, thông tuyến cũng dẫn đến tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT gia tăng từ phía cơ sở KCB như tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X quang, thuốc...; người bệnh BHYT đi KCB nhiều lần trong ngày, tuần, tháng để “lấy” thuốc.

TS Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng chỉ rõ, có những BV đưa ô tô đến tận các huyện vùng sâu, xa để đón người dân lên KCB, rồi phát đường, phát sữa…, chuyện đó có bình thường không? Còn hiện tượng trục lợi bảo hiểm, may mà có hệ thống giám định điện tử mới lộ ra tình trạng thất thoát BHYT lớn đến như vậy. Điều này đặt ra đòi hỏi với việc hoàn thiện chính sách, vì với BHYT, chỉ tính toán sau một bước cũng sẽ dẫn đến phát sinh những vấn đề rất phức tạp.

Hai ngành phải ngồi lại với nhau

Đồng tình với những mặt được, nhưng cần khắc phục ngay những mặt hạn chế, đó là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng, ngành y tế cần làm rõ hơn những giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại hiện nay, nhất là việc đa số tuyến khám cấp xã “ngồi chơi xơi nước”, “đắp chiếu” trong khi tuyến huyện ngày càng quá tải. Cùng với đó, liên quan đến trường hợp BV tuyến tỉnh lại xin xuống hạng thấp hơn để hưởng thông tuyến, đây là nghịch lý “vô tiền khoáng hậu” và không biết hậu quả sắp tới sẽ thế nào.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Giám đốc Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư), BHYT là vấn đề sống còn của người dân. Việc thông tuyến đã tạo điều kiện để người dân chăm lo sức khỏe của mình, vấn đề quản lý tốt, tránh bị trục lợi là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Trước vấn đề không kiểm soát được người dùng thẻ khám nhiều nơi, nhiều lần; BV giữ bệnh nhân lại không cho chuyển tuyến gây bức xúc..., các đại biểu cho rằng, cả hai ngành cần ngồi lại để tính toán về ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý.

Trả lời các vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, giải pháp đột phá chính là tăng cường cho y tế cơ sở, tăng danh mục thuốc, danh mục kỹ thuật tại các tuyến dưới để phục vụ người dân. Vấn đề này dù được đặt ra trước đây nhưng vẫn chung chung, hiện nay, Bộ Y tế đang quyết tâm đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Đẩy mạnh thông tuyến để người dân được tiếp cận với những nơi có dịch vụ tốt nhất, đây là yêu cầu chính đáng và là điều chúng ta phải trăn trở để hướng đến một ngày người dân được hưởng như thế. Tuy nhiên, để thực hiện được cần có lộ trình.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Kiên quyết thực hiện mục tiêu

Thông tuyến là chủ trương đúng đắn vì quyền lợi của người dân. Lần đầu chúng ta thực hiện nên có không ít khó khăn, thậm chí tiêu cực. Nhưng không vì thế mà làm lùi quyết tâm thông tuyến, cần phải thông tuyến sớm ngày nào tốt hơn ngày đó cho người dân. Không vì thông tin có hiện tượng khám vượt tuyến nhiều, và các vấn đề khác mà đặt ngược lại vấn đề thông tuyến. Bởi vậy, việc thực hiện thông tuyến, người dân được hưởng lợi và tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Do đó, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh vấn đề này.