Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, Đại lộ Đông - Tây là một trong những công trình trọng điểm mang tính đột phá của TP Hồ Chí Minh, việc thực hiện hoàn thành công trình có ý nghĩa to lớn, tạo tiền đề phát triển đô thị phía Đông TP. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị liên quan chuẩn bị tốt mọi mặt để khai thác, quản lý, vận hành dự án một cách an toàn, hiệu quả nhất đối với dự án hầm Thủ Thiêm và đại lộ Đông Tây trong thời gian tới.
Đường hầm Thủ Thiêm được xây dựng ngay dưới lòng sông Sài Gòn với quy mô lớn nhất Đông Nam Á, dài 1,5km, rộng 33m, cao 9m, gồm 2 chiều xe chạy, mỗi chiều 3 làn xe. Đây là hạng mục quan trọng nhất trong dự án Đại lộ Đông - Tây.
Dự án Đại lộ Đông-Tây là công trình trọng điểm trong hệ thống hạ tầng giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh, với chiều dài 22km, mặt cắt ngang phía quận 1 rộng bình quân từ 42m đến 60m, quy mô từ 8 đến 10 làn xe; mặt cắt ngang phía quận 2 có rộng bình quân 100m, quy mô từ 10 đến 14 làn xe. Đại lộ có điểm đầu là Nút giao Tân Kiên - Bình Chánh, điểm cuối là Nút giao Cát Lái quận 2, trải qua địa bàn 8 quận, huyện của TP. Tổng số vốn thực hiện công trình tăng từ 9.863 tỷ đồng ban đầu lên 16.000 tỷ đồng, tương đương 762 triệu USD.
Việc thông xe hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến Đại lộ Đông - Tây sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, rút ngắn khoảng cách đi lại giữa phía Đông và phía Tây thành phố, mở ra cánh cửa tiến về phía đông TP. Trục Đại lộ Đông - Tây còn kết nối đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương ở phía Tây và tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây ở phía Đông tạo ra trục giao thông chiến lược, nối kết TP Hồ Chí Minh với một số địa phương trong vùng trọng điểm kinh tế khu vực phía Nam.
Hôm nay (21/11), hầm Thủ Thiêm chính thức cho xe lưu thông.