Thông xe tuyến liên vận quốc tế giữa Campuchia - Lào - Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/9, tại cặp cửa khẩu Hoa Lư, Bình Phước (Việt Nam) - Trapeang Sre (Campuchia),...

Kinhtedothi - Ngày 9/9, tại cặp cửa khẩu Hoa Lư, Bình Phước (Việt Nam) - Trapeang Sre (Campuchia), Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam phối hợp với Bộ Giao thông Công chính Campuchia và Bộ Công chính và Vận tải Lào tổ chức lễ thông xe theo Bản ghi nhớ giữa Chính phủ ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam về vận tải đường bộ.

Tại Champasak (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), ngày 17/1/2013, thay mặt Chính phủ ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ba nước đã ký Bản ghi nhớ với mục tiêu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, giao lưu thương mại, du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho người và tất cả phương tiện cơ giới phi thương mại, thương mại vận chuyển hàng hóa, qua lại biên giới giữa ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam.
Quang cảnh lễ thông xe.
Quang cảnh lễ thông xe.
Bản ghi nhớ giữa Chính phủ ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam là cơ sở pháp lý để phát triển hoạt động vận tải đường bộ giữa ba nước, thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại và du lịch trong khu vực.

Bản ghi nhớ gồm 11 Điều và 3 phụ lục quy định những nội dung về tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đường bộ qua lại giữa Campuchia - Lào - Việt Nam.

Theo quy định của Bản ghi nhớ, hạn ngạch phương tiện thương mại của mỗi nước đối với vận tải qua biên giới (không bao gồm phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định) là 150 xe, việc tăng hạn ngạch phương tiện vận tải thương mại sẽ được ba nước thỏa thuận dựa trên nhu cầu kinh tế và lợi ích chung.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Ngọc Trai cho biết, tuyến đường liên vận quốc tế Campuchia - Lào - Việt Nam qua các cặp cửa khẩu quốc tế Hoa Lư - Trapeang Sre và Trapeang Kriel - Nông Nốk Khiển được đưa vào khai thác sẽ mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa giữa 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Phước với các tỉnh nước bạn nói riêng.

Đây là điều kiện để Bình Phước đẩy nhanh quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Qua đó, Bình Phước sẽ là cầu nối giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh của nước bạn Campuchia, Lào và các nước trong khu vực.

Đặc biệt, tuyến Quốc lộ 13 từ miền Nam (Việt Nam) qua Bình Phước nối liền với các nước Campuchia, Lào và Thái Lan, tạo ra tuyến du lịch xuyên quốc qia các nước ở bán đảo Đông Dương.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh, bản ghi nhớ khi đưa vào thực hiện cho phép phương tiện vận tải thương mại và phi thương mại của mỗi nước được đi qua hai nước kia, góp phần làm giảm chi phí vận tải, rút ngắn thời gian chờ đợi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ba nước, khách du lịch quốc tế, phương tiện và hàng hoá qua lại biên giới giữa ba nước; gắn kết bền chặt mối quan hệ hữu nghị láng giềng thân thiện giữa ba nước.

Mặt khác, thông qua Bản ghi nhớ này, sẽ thúc đẩy mối quan hệ, giao lưu về kinh tế, thương mại, du lịch, vận tải giữa các tỉnh của Campuchia, Lào với các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ của Việt Nam và quan trọng hơn là rút ngắn quãng đường đi lại giữa Thủ đô Vientiane (Lào) đến TP Hồ Chí Minh (Việt Nam).

Hy vọng, qua lễ thông xe triển khai Bản ghi nhớ giữa ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam, các cơ quan liên quan của ba nước sẽ phối hợp chặt chẽ, một mặt tạo mọi điều kiện thuận lợi cho vận tải qua lại biên giới, mặt khác quản lý tốt đảm bảo an ninh trật tự về vận tải và an toàn đối với người, hàng hóa, góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa ba nước.

Trong những năm qua, mối quan hệ láng giềng, hữu nghị giữa ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam không ngừng được củng cố và phát triển.

Quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ba nước đã có những bước phát triển tích cực, đặc biệt là về thương mại. Do có chung đường biên giới cùng với hợp tác song phương giữa Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào được ký kết qua các Hiệp định, Nghị định thư về vận tải đường bộ đã góp phần thúc đẩy phát triển giao lưu về kinh tế thương mại, du lịch và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa của nhân dân ba nước.

Bên cạnh hợp tác song phương, hợp tác về kinh tế - chính trị - xã hội giữa ba nước được thể hiện qua những quan hệ trong khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế như hợp tác trong ASEAN, hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.