Tinh thần quật cường của người chiến sĩ cách mạng
Ông Nguyễn Tiến Hà có tên khai sinh là Nguyễn Hữu Tự, sinh năm 1928 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại xã Văn Lâm (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), sớm giác ngộ cách mạng. Trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, ông đã đạt tới trình độ học vấn Tú tài.
Căm phẫn trước trước ách đô hộ tàn bạo của thực dân Pháp và phát xít Nhật, hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc “đem sức ta giải phóng cho ta”, ông tham gia vào Đoàn Thanh niên cứu quốc. Sau, tổ chức đổi tên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu - một tổ chức của thanh niên Hà Nội trực thuộc Mặt trận Việt Minh ra đời vào cuối năm 1941.
Chia sẻ về những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi, ông cho biết, cuộc đời cách mạng “trước thì xếp bút nghiên theo việc đao cung, sau thì xếp đao cung theo việc dạy học”.
Trước năm 1945, 90% người dân Việt Nam mù chữ. Năm 1944, Mặt trận Việt Minh đã thành lập ra hội “Truyền bá chữ quốc ngữ”. Ông được phân công đi dạy học và tuyên truyền đường lối chính sách cứu nước của Mặt trận Việt Minh để giác ngộ cách mạng cho người dân lao động ở thành thị.
Cuối năm 1949, ông Nguyễn Tiến Hà được cử vào hoạt động địch hậu - hoạt động bí mật trong vùng địch tạm chiếm Hà Nội. Tháng 5/1950, sau cuộc giải cứu 1 tù binh, địch đã dò la tin tức và lần theo dấu vết. Ông bị bắt về căn cứ của địch và sau đó bị đưa về Sở Mật thám (nay là trụ sở Công an Thành phố Hà Nội ở 87 Trần Hưng Đạo). Những ngày tháng tại Sở Mật thám, địch tra tấn, dụ dỗ, dùng nhiều hình thức khác nhau để ép cung người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tiến Hà.
Ông kể: “Chúng trói chân ngược lên trần nhà, tra tấn bằng quay điện. Chúng ấn đầu xuống thùng nước để cho chết sặc nhưng vì không chịu khuất phục nên chúng vẫn tiếp tục tra khảo, tôi đã gần như chết ngất. Nhưng nếu tin tức một người tù trong này bị chết, những anh em khác trong tù sẽ phản đối, kích động nên chúng mới đưa tôi sang y xá ở nhà tù Hỏa Lò”. Sau đó, tại nơi đây, ông may mắn được đồng đội chăm sóc, thuốc thang nên sức khỏe dần hồi phục.
Trước sự tra tấn tàn bạo, điều giúp ông giữ vững lý tưởng cách mạng chính là lời thề năm xưa và quyết tâm giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, bỏ đi cái tôi riêng lẻ mà hy sinh vào cái ta chung, hy sinh vì nền hòa bình của dân tộc.
Từ sự khó khăn, khắc nghiệt nơi ngục tối trần gian, ông Hà cùng các chiến sĩ khác đã cùng nhau vượt qua, biến nhà tù trở thành trường học - một mặt trận mới của cách mạng.
Ông được anh em tại tù Hỏa Lò tín nhiệm bầu vào Ban Chi ủy, được cử làm Bí thư chi bộ của nhà tù. Ông đã cùng ban lãnh đạo các trại giam tổ chức cho anh em đấu tranh chống địch khủng bố, đàn áp, đòi cải thiện đời sống cho tù nhân. Đặc biệt, ông tích cực tham gia tổ chức các lớp học văn hóa, chính trị, ngoại ngữ và cũng là thầy giáo trong các lớp đó.
Đến cuối năm 1952, sau khi mãn hạn 18 tháng tù, ông tiếp tục bắt liên lạc với đơn vị, hoạt động bán công khai, ẩn nấp trong địch hậu.
Ký ức ngày giải phóng Thủ đô
Ông chia sẻ, tiếp quản các thành thị lớn ở miền Bắc mới giải phóng là một nhiệm vụ quan trọng. Công tác tiếp quản Hà Nội, giải phóng hoàn toàn Thủ đô có ý nghĩa hết sức trọng đại.
Theo Hiệp định Genève, Hà Nội nằm trong vùng tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Do đó, thực dân Pháp được Mỹ giúp đỡ âm mưu phá hoại thành phố về mọi mặt trước khi chuyển giao cho chính phủ kháng chiến.
Vì vậy, quân ta phải hết sức thận trọng và lên kế hoạch cắt cử người về tiếp quản nguồn điện, nước để nắm thế chủ động cho các hành động tiếp theo.
Quân đội phải giữ được trật tự an ninh, không được đụng đến bất cứ “cây kim sợi chỉ” nào của nhân dân hay nhân lúc hỗn loạn vơ vét của cải của nhân dân. Đồng thời tôn trọng tự do tôn giáo, bảo vệ ngoại kiều, tuyên truyền đường lối cách mạng để họ hiểu, nhằm ngăn chặn những nguy cơ chống phá tiềm ẩn.
Những ký ức về ngày tiếp quản Thủ đô vẫn như in trong đầu, ông kể, sáng 10/10/1954, đoàn quân của Trung đoàn Thủ đô cũ do anh hùng Nguyễn Quốc Trị chỉ huy tiến vào nội thành Hà Nội đi qua Ô Cầu Giấy, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Ngang và vào đóng trong thành theo hướng Cửa Đông.
45 phút sau, đoàn quân thứ hai xuất phát từ Đông Dương hợp xá, phố Bạch Mai qua Ô Cầu Dền, đi lên phố Huế, vòng qua Bờ hồ và trở lại để tiếp quản Sở Mật thám cùng một vài địa phận khác.
Dưới sự lãnh đạo của Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội, đoàn quân thứ 3 xuất phát từ sân bay Bạch Mai đã được tập kết từ ngày 8/10 (đường Trường Chinh hiện nay), qua Ngã tư Vọng, tới Ngã tư Trung Hiền đi qua Cửa Ô Cầu Dền, phố Huế, lên Bờ hồ (bây giờ là đường Phan Đình Phùng), qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, chợ Đồng Xuân và đi qua cửa Bắc đóng quân ở trong thành cổ. Các đoàn quân đều đã có sự phân công và bố trí từ trước.
Ông vinh dự được đứng trong đoàn quân tiếp quản Thủ đô, giữ trọn lời thề “Nguyện tiến về Hà Nội”. Trong những ngày đầu tiếp quản, do biết ngoại ngữ Anh, Pháp nên ông được giao phụ trách Trại hàng binh Âu, Phi thuộc ban Địch vận, Mặt trận Quân sự Hà Nội.
Không thể giấu nổi cảm xúc của mình, ông bộc bạch: “Là đội quân ngầm ẩn nấp trong vùng địch chiếm, là người trực tiếp chịu sự áp bức của quân địch khi được giải phóng tự do, tự do tuyên truyền, sung sướng lắm. Người dân Hà Nội cũng vậy, họ cũng phải chịu những tháng ngày bị địch kiềm chế với sưu cao thuế nặng, không được tự do buôn bán.”
Hướng về Thủ đô Hà Nội ngày nay, dù mắt đã mờ nhưng lòng ông vẫn sáng rõ: “Cho tới bây giờ, Thủ đô thay đổi nhiều lắm, thay da đổi thịt, không ai có thể phủ nhận”.
Từ những năm kháng chiến cho tới khi hòa bình lập lại, dù nhiều lần bị địch giam giữ, tra tấn, tù đày nhưng ông Nguyễn Tiến Hà, với tinh thần quật cường và lý tưởng cách mạng cao đẹp vẫn một lòng son sắc nguyện đem hết tình cảm, tài năng, trí tuệ của mình phục vụ cho kháng chiến và tiếp tục phục vụ cho nền giáo dục nước nhà.