Thủ đoạn buôn lậu hơn 1.800 tỉ đồng của anh em doanh nhân qua Cảng biển Hải Phòng
Ngô Quang Tuyên và em vợ thành lập 13 công ty và mượn pháp nhân 3 doanh nghiệp làm dịch vụ xuất khẩu gỗ ván bóc, buôn lậu hơn 13.000 container hàng.
Như Lao Động đưa tin, Viện KSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 22 bị can về các tội "Buôn lậu; Đưa - Nhận hối lộ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong vụ buôn lậu hơn 13.000 container hàng.

Anh em Tuyên vừa bị Viện KSND Tối cao truy tố về các tội buôn lậu, đưa hối lộ
Trong đó, Ngô Quang Tuyên (36 tuổi) - Kế toán trưởng của Công ty Tài Lộc bị truy tố về tội "Buôn lậu; Đưa hối lộ". Nguyễn Tài Lộc (34 tuổi) - Giám đốc Công ty Tài Lộc, em vợ của Tuyên bị cáo buộc tội "Buôn lậu".
Theo cáo trạng, tháng 12/2020, Tuyên cùng em vợ thành lập Công ty Tài Lộc để mua gỗ ván bóc trong nước bán cho khách nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc).
Đến tháng 11/2021, sau một thời gian hoạt động, bị can Tuyên và Lộc thấy công ty không đủ nhân sự để hoạt động, dẫn đến hàng khi xuất khẩu có lô không đúng chất lượng, không đủ về số lượng nên phải đền bù thiệt hại cho khách hàng; đồng thời, giá bán không cạnh tranh được trên thị trường nên lượng khách hàng phía Trung Quốc sụt giảm.
Do đó, bị can Tuyên và em vợ thống nhất không trực tiếp thu mua gỗ trong nước để xuất sang Trung Quốc nữa mà thành lập 13 công ty và mượn pháp nhân của 3 công ty để làm dịch vụ xuất khẩu trái phép hàng gỗ ván bóc từ Việt Nam sang Trung Quốc và một số nước để hưởng tiền công, phí dịch vụ.
Trong số các công ty trên, ban đầu Lộc thuê pháp nhân của 2 công ty để thực hiện xuất khẩu. Sau khi đã quen việc, Lộc mua thông tin căn cước công dân trôi nổi trên mạng Internet để thành lập công ty. Lộc trực tiếp ký chữ ký của người đứng tên đại diện pháp luật 11 công ty.
Sau khi thành lập nhóm Công ty Tài Lộc kể trên, bị can Tuyên và Lộc tuyển dụng thêm nhân viên, thành lập các bộ phận để thực hiện hoạt động xuất khẩu trái phép.
Theo đó, bộ phận kế toán thực hiện theo dõi các loại chi phí hoạt động kinh doanh xuất khẩu, doanh thu, lợi nhuận, thuế xuất khẩu; bộ phận chứng từ và khai báo hải quan thực hiện lập hồ sơ khai báo hải quan và hồ sơ xuất khẩu gửi cho khách hàng Trung Quốc; bộ phận booking có nhiệm vụ liên hệ hãng tàu để đặt chỗ trước cho container xuất khẩu, làm vận đơn đường biển…
Để thực hiện xuất khẩu, bị can Tuyên trực tiếp liên hệ với khách hàng Trung Quốc qua phần mềm Wechat, thỏa thuận giá xuất khẩu và giá dịch vụ xuất khẩu.
Cáo trạng thể hiện, từ tháng 1/2021 - 1/2024, Tuyên và Lộc đã sử dụng pháp nhân nhóm Công ty Tài Lộc để khai báo, xuất khẩu trái phép mặt hàng gỗ ván bóc với tổng số 13.376 container/1.698 tờ khai hải quan (TKHQ), tổng khối lượng 483.707,89 m3. Theo cáo buộc, anh em Tuyên buôn lậu hơn 1.814 tỉ đồng.
Căn cứ các tài liệu cơ quan điều tra thu giữ, lời khai của các bị can và đối tượng có liên quan, đủ cơ sở xác định, quá trình xuất khẩu hàng hóa, nhóm Công ty Tài Lộc có sai phạm về: Lập khống hồ sơ lâm sản; khai báo không đúng khối lượng, giá trị hàng hóa xuất khẩu.
Tổng số tiền thu lợi bất chính qua Công ty Tài Lộc và nhóm Công ty Tài Lộc được xác định là hơn 210 tỉ đồng.
Theo cáo buộc, Tuyên đã chuyển hơn 8 tỉ đồng hối lộ cựu lãnh đạo, cán bộ Chi cục Hải quan Cảng 2 (Hải Phòng) để nhóm Công ty Tài Lộc được hỗ trợ thông quan nhanh và bỏ qua sai phạm.

TP Hồ Chí Minh thông tin vụ triệt phá đường dây buôn lậu xăng dầu, tạm giữ 53 bị can
Kinhtedothi - Chiều 15/5, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin tới báo chí vụ triệt phá đường dây buôn lậu xăng dầu hoạt động tinh vi, lợi dụng chính sách tạm nhập – tái xuất để trục lợi bất chính.

Buôn lậu, hàng giả: mặt trái của lợi nhuận và tội ác cần ngăn chặn
Kinhtedothi - Mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố một cán bộ hải quan thuộc Cảng Sài Gòn khu vực 1 vì hành vi tiếp tay cho nhập lậu hơn 4.000 thùng sữa và thực phẩm chức năng từ Mỹ, trị giá hơn 3,4 tỷ đồng. Lô hàng không có giấy phép kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhưng đã được đưa vào thị trường tiêu dùng thông qua nhiều hệ thống phân phối trực tuyến và cửa hàng thực phẩm nhập khẩu.

Cựu Chi cục trưởng Hải quan ở Hải Phòng nhiều lần nhận tiền của trùm buôn lậu
Bà Hiền khi còn là Chi cục trưởng Hải quan cảng 2 (Hải Phòng) và cấp phó nhiều lần qua nhân viên nhận tiền của trùm buôn lậu 13.376 container hàng.