Thu hẹp khoảng cách chính sách và thực tiễn để hỗ trợ doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cần thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để vượt qua đại dịch, là vấn đề được các chuyên gia đặt ra tại diễn đàn với chủ đề: “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi”.

Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức ngày 8/12.
Ban Tổ chức lắng nghe ý kiến nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp. Ảnh: Khắc Kiên
Tại Diễn đàn, các chuyên gia, diễn giả đều nhận định, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ lên các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phản ứng chính sách của Chính phủ là khá hợp lý, chủ trương chính sách là đúng đắn nhưng thiết kế chính sách có vấn đề, thực thi chính sách chưa thực sự suôn sẻ.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, dịch Covid-19 khiến cộng đồng doanh nghiệp chịu tác động rất nặng nề, hoạt động kinh doanh đình đốn. Tính đến tháng 11/2020, đã có khoảng 15.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng con số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và rời khỏi thị trường đã lên tới 44.000 doanh nghiệp, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, trung bình mỗi tháng ở Việt Nam đã có trên 5.000 DN phải rời khỏi thị trường. Đây là con số cao kỷ lục từ trước tới nay và kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục triệu người.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm kiến nghị cơ chế gỡ khó cho doanh nghiệp ngành. Ảnh: Khắc Kiên
Trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ đã khẩn trương ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN và tập trung vào nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách cũng còn nhiều vấn đề băn khoăn. “Phản ứng chính sách của Chính phủ là khá hợp lý, chủ trương chính sách là đúng đắn nhưng thiết kế chính sách có vấn đề. Các chính sách của chúng ta phải thực hiện trong trạng thái thời chiến, hoặc bình thường mới chứ không phải trạng thái bình thường của ngày hôm qua, nhưng trên thực tế các thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà” - ông Vũ Tiến Lộc nói.
Do đó, ông Vũ Tiến Lộc khuyến nghị, cần rà soát, đánh giá lại một cách độc lập về hiệu quả thực thi của các chính sách hỗ trợ, cũng như tham vấn ý kiến của đối tượng bị tác động để đảm bảo tính khả thi của chính sách được ban hành: Cần phải tăng cường nỗ lực hợp tác giữa cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong cả việc định hình các chính sách và tổ chức thực thi chính sách.
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV TP Hà Nội (Sở KH&ĐT) chia sẻ kinh nghiệm tư vấn hỗ trợ DN, cũng như nêu kiến nghị tháo gỡ để DN tiệm cận các nguồn ưu đãi. Ảnh: Khắc Kiên
Đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu từ cuối tháng 1/2020 đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo ước tính, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết năm 2020, khoảng 39,3% doanh nghiệp sẽ phá sản. Tính đến tháng 10/2020, hơn 70.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và đóng cửa, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và hộ kinh doanh cá thể, ảnh hưởng tới hơn 31 triệu người lao động.
Trong khuôn khổ diễn đàn, VCCI đã chính thức ra mắt trang thông tin điện tử về các chính sách, giải pháp của Nhà nước giúp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19 http://hotro.vibonline.com.vn/ . Theo đó, trên trang web sẽ cập nhật các gói hỗ trợ hiện hành của nhà nước dành cho các doanh nghiệp vượt qua Covid-19. Cập nhật các chính sách, thông tin hỗ trợ theo lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp. Tìm kiếm các văn bản chính sách hỗ trợ theo Bộ, ngành, địa phương ban hành văn bản. Tham gia các diễn đàn ttrao đổi về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua Covid-19. Chia sẻ các kinh nghiệm tốt đã được áp dụng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước trong hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua Covid-19…