Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hồi, bỏ sổ hộ khẩu giấy: Không nên lo lắng!

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực với nhiều nội dung mới quan trọng; trong đó đáng chú ý là khi người dân thay đổi thông tin về cư trú, cơ quan công an sẽ thu hồi sổ hộ khẩu; không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Từ ngày 1/7/2021, khi người dân thay đổi thông tin về cư trú, cơ quan công an sẽ thu hồi sổ hộ khẩu; không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú

Theo Bộ Công an, khi công dân thực hiện các thủ tục về cư trú mà dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp trước đó thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú; không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Bộ Công an hướng dẫn 7 trường hợp như sau: Thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú; điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú; tách hộ; xóa đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú; gia hạn tạm trú; xóa đăng ký tạm trú. Như vậy khi người dân đi làm các thủ tục nêu trên sẽ bị thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Những sổ khác, không thuộc trường hợp bị thu hồi, vẫn sử dụng bình thường. Đến ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ chính thức bị xóa bỏ hoàn toàn.

Cũng từ ngày 1/7, khi người dân đi làm thủ tục đăng ký thường trú sẽ không còn được cấp sổ hộ khẩu, làm thủ tục đăng ký tạm trú sẽ không còn được cấp sổ tạm trú. Đồng thời, khi các sổ này bị mất, hư hỏng, rách nát… cũng không được cấp lại. Mọi thông tin về cư trú của người dân sẽ được cập nhật và lưu tại Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Theo đại diện Bộ Công an, bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy là mục tiêu quan trọng nhất của dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ ngày 1/7, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng chính thức vận hành sẽ kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở chuyên ngành. Thông qua dự án này, người dân không cần phải cầm sổ hộ khẩu giấy đi giao dịch, vì tất cả thông tin cư trú được cập nhật trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thông tin về cư trú của dân cư đã có trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, do vậy những giao dịch của công dân có liên quan đến thông tin về cư trú sẽ được sử dụng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi đi làm các thủ tục hành chính, công dân sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, người dân không nên lo lắng khi thu hồi, bỏ sổ hộ khẩu.

Liên quan vấn đề thu hồi, bỏ sổ hộ khẩu giấy, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, Bộ Công an hiện đang triển khai cấp thẻ CCCD gắn chíp, trong đó lưu trữ đầy đủ thông tin, dữ liệu, khi quét thông tin trên hệ thống, sẽ có đầy đủ thông tin về nhân thân, gia đình. Người dân có thể truy cập vào cổng thông tin dữ liệu quốc gia về dân cư, lấy thông tin của cá nhân mình nộp cho các cơ quan nếu có yêu cầu.

“Nhiều nước đã áp dụng chính phủ điện tử, dữ liệu quốc gia về dân cư từ rất lâu, tích hợp gần như toàn bộ dữ liệu của công dân trong thẻ CCCD. Trong đó có nhóm máu, thẻ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, các bằng cấp... tạo điều kiện cho người dân, cơ quan quản lý công dân thực hiện các TTHC. Chúng ta đang hướng đến chính phủ điện tử, quản lý công dân dễ dàng hơn, không phải thực hiện các TTHC như trước đây bằng giấy tờ, phải đi sao kê công chứng, chứng thực các giấy tờ. Thu hồi, bỏ sổ hộ khẩu là bước tiến mà người dân cần phải ủng hộ” - Nguyễn Hữu Toại nêu quan điểm.

Khoản 3, Điều 8 Luật Cư trú quy định: Công dân có quyền được khai thác thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú khi có yêu cầu.