Thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất nếu Chính phủ yêu cầu

Trúc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khẳng định của Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại buổi làm việc với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn vào sáng 12/7.

Thu hồi phải đúng trình tự
Theo Ðại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ Quốc phòng đã nhận được văn bản của UBND TP Hồ Chí Minh về việc mở thêm một số tuyến đường như Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám, Tân Sơn, Trần Quốc Hoàn (diện tích khoảng 6,6ha). Quân ủy T.Ư đã thống nhất bàn giao tiếp 14ha để Bộ GTVT mở rộng đường băng, sân ga ở phía Nam Sân bay Tân Sơn Nhất. Việc mở thêm đường do Bộ GTVT và UBND TP Hồ Chí Minh làm chậm chứ Bộ Quốc phòng luôn sẵn sàng.
 Sân golf Tân Sơn Nhất. Ảnh: Trúc Mai
“Nếu phần đất quốc phòng nào không liên quan đến vị trí phòng thủ thì sẽ ưu tiên mở thêm đường, không để ùn tắc. Còn việc mở rộng sân bay cần làm ngay, vướng đâu gỡ đó. Bộ Quốc phòng sẽ đáp ứng tất cả yêu cầu của Bộ GTVT và TP Hồ Chí Minh. Ðối với sân golf Tân Sơn Nhất và sân golf Long Biên, từ đầu năm 2017, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo dừng toàn bộ việc xây dựng trong hai sân golf này như khu biệt thự, căn hộ cho thuê, nhà hàng, khách sạn. Bộ Quốc phòng sẵn sàng thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất nếu Chính phủ yêu cầu” - Ðại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định và cho biết, việc thu hồi phải làm đúng trình tự pháp luật, theo quy hoạch của Chính phủ và phục vụ công nghiệp quốc phòng. Thu hồi xong thì không cho bất cứ DN nào đầu tư vào đây. 
Liên quan đến Sân bay Tân Sơn Nhất, Ðại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết, từ năm 2007 - 2017, Bộ Quốc phòng đã điều chỉnh quy hoạch 4 lần, bàn giao 98,7ha cho Bộ GTVT xây dựng đường băng, sân đỗ máy bay… Riêng năm 2017, đã bàn giao 21 ha. Còn từ năm 2004 - 2017, Bộ Quốc phòng đã bàn giao khoảng 10,5ha đất quốc phòng cho TP Hồ Chí Minh để mở rộng đường giao thông. Ngoài Sân bay Tân Sơn Nhất, từ năm 2013 - 2017, Bộ Quốc phòng cũng đã bàn giao hơn 1.500ha ở 13 sân bay để phục vụ hàng không dân dụng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương liên quan.

Quân đội làm kinh tế là củng cố quốc phòng

Tại buổi làm việc với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định việc kết hợp nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ kinh tế của các DN quân đội là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng và được quán triệt xuyên suốt trong thời gian qua. Ví như Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã tiếp nhận hàng ngàn lượt tàu quân sự, bốc xếp hàng triệu tấn hàng chi viện cho các điểm đảo. Việc này chỉ có DN quân đội mới làm. Dù đêm hay ngày, bão tố ra sao cũng đưa hàng tới các điểm đảo, tham gia cứu nạn, cứu hộ, cung ứng hậu cần cho các đõn vị hải quân, thi công các công trình quân sự.Quân đội tham gia xây dựng kinh tế là nhằm củng cố, gia tăng tiềm lực quốc gia, trang bị vũ khí, khí tài cho quân đội. Thực tế cho thấy hoạt động này thu được những kết quả rất quan trọng. Các quân khu 5, 7, 9 đều có những hoạt động kinh tế quốc phòng tại các địa bàn hết sức trọng yếu. Điều kiện kinh tế những nơi này rất khó khăn, thậm chí chỉ có lực lượng quân đội, từ đó đưa dân lên hình thành thế bố trí chiến lược của đất nước. “Trong phát triển kinh tế có những DN quân đội không ngừng đổi mới để hội nhập, từ đó chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, trở thành những đối tác kinh tế có uy tín. Có thể thấy rằng nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã, đang và sẽ là một chức năng nhiệm vụ của quân đội. Tôi mong rằng quan điểm nhất quán này sẽ được quán triệt xuyên suốt trong mọi hoạt động chiến đấu, xây dựng quân đội” - Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

"Sẽ xử lý nghiêm những sai phạm trong chấp hành các quy định sử dụng đất quốc phòng. Các DN quân đội làm kinh tế phải thượng tôn pháp luật của nhà nước, quy định và kỷ luật của quân đội. Quân đội tham gia làm kinh tế phải là tấm gương để cho các lực lượng làm kinh tế bên ngoài học tập, noi theo." - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần