Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hồi tài sản tham nhũng: Cơ chế pháp lý chưa đủ mạnh

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), tuy nhiên, hiện nay kết quả thu hồi vẫn chưa cao do nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý để thu hồi tối đa tài sản thất thoát do tham nhũng là yêu cầu đang được đặt ra.

Ảnh minh họa.
Kết quả còn khiêm tốn
Luật PCTN năm 2018 quy định rõ tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu cho Nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra phải được khắc phục; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng hàng năm vẫn là một “điểm yếu” liên tục được chỉ ra. Gần đây nhất, tại báo cáo về công tác PCTN năm 2020, với các vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng nói chung, số vụ thi hành xong là 3.605 việc, đạt 84,13% số vụ việc có điều kiện thi hành (tăng 9,42% so với cùng kỳ năm 2019), tuy nhiên, số tiền thu được là 15.017,9 tỷ đồng, đạt 43,42% số có khả năng thi hành. Đối với 58 vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN theo dõi, chỉ đạo, phải thi hành án với tổng số tiền thi hành án là hơn 74.539 tỷ đồng nhưng cơ quan thi hành án mới chỉ thu hồi được 19.261 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 25,84%.

Như nhiều đại biểu Quốc hội đã nhận định, so với những con số mong muốn, kỳ vọng thì công tác thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn khiêm tốn. Trong một số vụ việc phải thi hành án, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành án ít nhưng số tiền phải thi hành rất lớn. Đơn cử như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, theo bản án của Tòa phúc thẩm, TANDTC tại TP Hồ Chí Minh, tổng số tiền bị cáo phải thi hành là gần 14.000 tỷ đồng, song tổng tài sản đã kê biên, phong tỏa để bảo đảm thi hành án chỉ có giá trị khoảng hơn 500 tỷ đồng, số còn lại khoảng 13.500 tỷ đồng chưa có điều kiện thi hành án.

Việc thu hồi tài sản tham nhũng gặp khó đã được chỉ ra bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, chưa có cơ chế pháp lý về việc ngăn chặn sớm việc tẩu tán tài sản khi cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện đối tượng có dấu hiệu phạm tội. Đồng thời, hiện mới chủ yếu thu hồi tài sản thông qua bản án hình sự, nhưng khi khi đó tài sản, tiền bạc sẽ bị hư hao, mất mát, chuyển dịch rất nhiều, kết quả là rất khó thu hồi. Cùng với đó là là vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản, ảnh hưởng đến quá trình thi hành án.

Triệt tiêu động cơ kinh tế của tham nhũng

Nhiều chuyên gia cho rằng, để thu hồi tài sản tham nhũng cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để thực hiện được yêu cầu này. Vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TƯ “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”. Nhiều ý kiến nhận định, đây là cơ sở rất quan trọng để tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế sẽ góp phần quan trọng làm triệt tiêu động cơ kinh tế của tham nhũng và khắc phục hậu quả do tham nhũng gây ra. Theo đó, để không còn chỗ cho tài sản tham nhũng ẩn nấp, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng các quy định mới như Luật Đăng ký tài sản. Đây là cơ sở pháp lý để khi đăng ký tài sản mới, chủ sở hữu không chứng minh được nguồn gốc tài sản sẽ có cơ sở pháp lý để xử lý kịp thời, tránh việc tẩu tán. Cùng với đó, cần sớm xây dựng cơ chế pháp lý để cơ quan thanh tra, kiểm tra trong xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng có biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản kịp thời, không chỉ dừng lại ở “kiến nghị, đề xuất” với các cơ quan như hiện nay.
Theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa, liên quan đến kiểm soát tài sản, thu nhập, có những tài sản bất minh, nguồn gốc không rõ ràng, chúng ta mới chỉ xử lý sự không trung thực ở góc độ kỷ luật cán bộ nhưng số tài sản đó xử lý thế nào, thì về mặt luật pháp vẫn còn nhiều vướng mắc. Chỉ thị 04-CT/TƯ của Ban Bí thư giao cho các cơ quan phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, chính là để khắc phục những hạn chế, vướng mắc này.