Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hút đầu tư từ việc nâng cao “năng lực cạnh tranh mềm”

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đầu tư vào quản trị công ty mang lại những lợi ích toàn diện, bởi đây được xem như “năng lực cạnh tranh mềm” của doanh nghiệp, nơi mà các nhà đầu tư có thể đánh giá khả năng vận hành và phát triển của doanh nghiệp.

Quản trị công ty và ESG: Gắn kết để phát triển bền vững

Nhận định trên được Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) - Hà Thu Thanh đưa ra tại buổi gặp gỡ báo chí Diễn dàn thường niên lần thứ 7 "Đầu tư vào quản trị công ty: Chiến lược thu hút nhà đầu tư có trách nhiệm trong xu thế quốc tế hóa thị trườn" diễn ra ngày 29/11.

Thu hút đầu tư từ việc nâng cao “năng lực cạnh tranh mềm”
Thu hút đầu tư từ việc nâng cao “năng lực cạnh tranh mềm”

Theo bà Hà Thu Thanh, quản trị công ty (QTCT) không chỉ là kênh dẫn vốn quan trọng, mà còn giúp doanh nghiệp thể hiện sự minh bạch và trách nhiệm trong chiến lược phát triển bền vững. Tại Việt Nam, QTCT đang trở thành ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển bền vững và quốc tế hóa thị trường chứng khoán, đặc biệt khi Việt Nam đứng trước cơ hội nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025. Các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các quỹ đầu tư bền vững đã chuyển sự chú ý đến các doanh nghiệp có cam kết mạnh mẽ trong thực hành QTCT gắn với các tiêu chuẩn môi trường (E), xã hội (S) và quản trị (G) – ba yếu tố cốt lõi của ESG.

Theo bà Hà Thu Thanh, QTCT không chỉ đơn thuần là yếu tố đảm bảo sự tuân thủ, mà còn là cốt lõi để thúc đẩy thực hiện ESG hiệu quả. Bà nhận định, tại Việt Nam, yếu tố E (Môi trường) đang được doanh nghiệp chú trọng qua các hoạt động giảm phát thải và tuân thủ quy định, trong khi yếu tố S (Xã hội) chủ yếu dừng ở việc chi ngân sách cho các hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên, yếu tố G (Quản trị) mới là yếu tố tạo nên sự khác biệt, đóng vai trò cầu nối giúp doanh nghiệp tích hợp ESG vào chiến lược phát triển bền vững.

“Chúng ta không thể tách rời ESG với văn hóa quản trị. Chỉ khi quản trị công ty được thực hiện tốt, các yếu tố môi trường và xã hội mới thực sự tạo được giá trị lâu dài”, bà Thanh nhấn mạnh.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD chia sẻ tại sự kiện  
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD chia sẻ tại sự kiện  

Yếu tố bắt buộc để hút vốn đầu tư

Nhằm thúc đẩy nhận thức và chất lượng QTCT, diễn đàn Thường niên về Quản trị Công ty lần thứ 7 (AF7) sẽ được tổ chức ngày 5/12/2024 tại TP. Hồ Chí Minh. Với chủ đề “Đầu tư vào quản trị công ty: Chiến lược thu hút nhà đầu tư có trách nhiệm trong xu thế quốc tế hóa thị trường”, sự kiện được kỳ vọng trở thành bước đệm quan trọng để cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam hướng tới nâng hạng.

Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các quỹ đầu tư bền vững ngày càng tìm kiếm những doanh nghiệp có minh bạch và quản trị tốt. “QTCT giờ đây không chỉ là một yêu cầu cơ bản, mà đã trở thành xu hướng bắt buộc để hút vốn đầu tư. Việc cải thiện QTCT không chỉ giúp Việt Nam thu hút vốn mà còn củng cố nền tảng phát triển bền vững cho thị trường chứng khoán trong dài hạn”, ông Minh nhấn mạnh.

Điểm nhấn của diễn đàn năm nay là sáng kiến VNCG50, bộ thẻ điểm đánh giá thực hành QTCT do VIOD khởi xướng, được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn của ACGS, kết hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên sáng kiến này được công bố, với mục tiêu đề cử 50 doanh nghiệp tiên phong trong thực hành QTCT tốt. Theo ông Phan Lê Thành Long, sáng kiến này không chỉ hỗ trợ nâng điểm số ACGS của Việt Nam lên mức trung bình khu vực, mà còn tạo động lực để các doanh nghiệp niêm yết cải thiện chất lượng quản trị.

Theo ông Phan Lê Thành Long, VNCG50 sẽ giúp đề cử 50 doanh nghiệp niêm yết tiên phong, tạo động lực cải thiện quản trị công ty trong dài hạn. Bộ thẻ điểm này dự kiến sẽ được nâng cấp thành Bộ chỉ số vào năm 2025, qua đó không chỉ cải thiện điểm số ACGS của Việt Nam mà còn thu hút dòng vốn đầu tư xanh chất lượng cao.

Tổng giám đốc Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) - Phan Lê Thành Long
Tổng giám đốc Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) - Phan Lê Thành Long

Quá trình lựa chọn các doanh nghiệp vào VNCG50 dựa trên nhiều tiêu chí khắt khe, bao gồm việc công bố thông tin và báo cáo thường niên bằng tiếng Anh, cùng chất lượng thực thi QTCT trong ba năm gần nhất. Những doanh nghiệp nằm trong danh sách sẽ được đánh giá là “điểm tham chiếu” cho các nhà đầu tư quốc tế, mở ra cơ hội lớn trong việc tiếp cận dòng vốn mới.

“Chúng ta không chỉ cần nâng hạng thị trường, mà phải đảm bảo rằng việc nâng hạng đó thực sự thu hút được vốn đầu tư bền vững”, ông Long nhấn mạnh.

Mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể, QTCT tại Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống cần cải thiện. Hiện chỉ có 69 doanh nghiệp niêm yết đáp ứng đủ điều kiện để tham gia đánh giá ACGS, chủ yếu do hạn chế trong việc công bố thông tin và chất lượng báo cáo. Diễn đàn AF7 sẽ là một cột mốc quan trọng, giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ hơn về vai trò của QTCT trong xu thế phát triển bền vững. QTCT không chỉ là công cụ thu hút vốn đầu tư, mà còn là nền tảng để xây dựng một thị trường chứng khoán minh bạch, ổn định và hấp dẫn hơn.