Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hút nhân tài, cơ chế quan trọng trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài. Chính sách này nhận được nhiều ý kiến góp ý, thảo luận của các đại biểu Quốc hội.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô năm 2022
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô năm 2022

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông):

Trao quyền cho HĐND TP Hà Nội quy định cụ thể về thu hút nhân tài

Chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được kế thừa và phát triển từ quy định của Luật Thủ đô 2012. Tuy nhiên, qua một quá trình thực hiện, các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế.

Để đáp ứng được yêu cầu phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TW định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần “có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế”.

Cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết 15, Điều 17 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thiết kế 2 khoản, khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông)
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông)

Để quy định có tính khả thi hơn, cần trao quyền cho HĐND TP Hà Nội ban hành văn bản quy định cụ thể hơn các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.

Để thu hút và giữ chân được người tài, cần lưu ý đến một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau.

Một môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến chính là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của nhân tài. Bởi lẽ, môi trường mà ở đó, họ được khẳng định chính mình, bộc lộ năng lực sở trường, được tôn trọng và trọng dụng là điều quan trọng hơn cả đối với nhân tài, thậm chí còn có vai trò, ý nghĩa quan trọng hơn cả chế độ đãi ngộ, lương bổng.

Đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn tỉnh Quảng Nam):

Có cơ chế đặc thù tương xứng trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài

Để phát huy hết “nguyên khí” của “hiền tài” đưa Thủ đô trở thành thành phố “văn hiến - văn minh - hiện đại”, “trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng”, phải xây dựng cơ chế đặc thù tương xứng, cụ thể và khả thi trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài của Thủ đô.

Đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn tỉnh Quảng Nam)
Đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn tỉnh Quảng Nam)

Theo đó, bên cạnh các chính sách ưu đãi về xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức; ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập, được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ đãi ngộ phù hợp, cần bổ sung và cụ thể hóa các chính sách ưu đãi cụ thể về thu nhập, bao gồm tiền lương và các thu nhập ưu đãi ngoài tiền lương, các ưu đãi hoặc hỗ trợ về chỗ ở, phương tiện đi lại, chăm sóc y tế cho người tài và một số lượng nhất định người thân của người tài đó.

Nếu chỉ dừng lại ở những ưu đãi nhất định trong tương quan của khu vực công lập như quy định tại dự thảo Luật hiện nay sẽ rất khó cạnh tranh và giữ chân người hiền tài gắn bó với khu vực công. Ngoài ra, cần nghiên cứu chính sách với nhân tài hoạt động cơ hữu và một số nhân tài hoạt động theo các chương trình, sự việc cụ thể.

Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn tỉnh Bạc Liêu):

Trao thẩm quyền mạnh hơn trong tuyển dụng, sử dụng nhân tài

Dự thảo Luật cần quy định rõ về các cách thức sử dụng nhân tài sau khi được tuyển dụng. Tình trạng ứng viên có tài năng được tuyển dụng nhưng không có môi trường phù hợp để vận dụng năng lực đã dẫn đến tâm lý chán nản ở không ít cán bộ, công chức trong thời gian vừa qua khiến họ sẵn sàng rời khu vực công.

Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn tỉnh Bạc Liêu)
Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn tỉnh Bạc Liêu)

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, có khoảng 40.000 công chức, viên chức rời khỏi khu vực công trong chưa đầy 3 năm gần đây.  Như vậy cho thấy chính sách thu hút nhân tài chưa có tính bền vững, đến các công chức, viên chức thông thường cũng chưa “giữ chân” được một cách hiệu quả.

Dự thảo Luật có thể cân nhắc bổ sung các tiêu chí được sử dụng để đánh giá Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI); trong đó bao gồm bốn tiêu chí quan trọng: Thu hút nhân tài, Phát triển nhân tài, Giữ chân nhân tài, Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân tài, và hai tiêu chí cân nhắc là: Kỹ năng/kỹ thuật đào tạo nghề, Kỹ năng tri thức toàn cầu.

Thủ đô Hà Nội cũng giống như các địa phương khác, luôn trải qua các thời kỳ phát triển khác nhau gắn với những yêu cầu đặc thù về điều kiện phát triển, trong đó có yêu cầu đối với thu hút, trọng dụng nhân tài. Vì vậy, cần ghi nhận thẩm quyền tự chủ của HĐND TP Hà Nội trong việc đưa ra chính sách, quy định về thu hút nhân tài theo từng thời kỳ.

Hà Nội đã có kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô, nhưng các quy định của Nghị quyết cũng không có khác biệt lớn so với khung cơ chế chung toàn quốc về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức. Điểm khác căn bản là đãi ngộ về vật chất thu hút ban đầu, được hỗ trợ kinh phí học tập nâng cao năng lực. Nhưng xét theo chênh lệch về mức chi tại Thủ đô so với các địa phương khác cũng chưa hẳn là ưu đãi vượt trội. Do đó, chính quyền Thủ đô cần được trao thẩm quyền tự chủ mạnh hơn, sâu hơn trong cơ chế tuyển dụng và sử dụng nhân tài.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn tỉnh Thái Bình)
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn tỉnh Thái Bình)

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn tỉnh Thái Bình):

Cần có Quỹ phát triển nhân tài

Bên cạnh việc chú trọng làm rõ các chính sách, cơ chế đặc thù của việc thu hút và phát triển nhân tài cũng cần quan tâm làm rõ quy định về thu hút nhân tài phục vụ sự phát triển chung của Thủ đô.

Theo tôi, cần có Quỹ phát triển nhân tài nhằm tận dụng nguồn lực chất lượng cao của cả thế hệ trẻ và đối tượng đã về hưu. Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu làm quy định rõ hơn về nội dung thu hút nhân tài.

Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cần làm rõ mục tiêu phát triển nguồn nhân lực để phục vụ bộ máy của hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội hay là phát triển nguồn nhân lực nói chung.Ngoài ra, cần làm rõ căn cứ để cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng như quy định của Dự thảo Luật.

 

Chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô là chính sách được kế thừa và phát triển từ quy định của Luật Thủ đô 2012.Điều 13 Luật Thủ đô 2012 quy định “HĐND Thành phố Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài”. Trên cơ sở quy định đó cũng như việc áp dụng một số quy định khác của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 quy định về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô.

Tuy nhiên, qua một quá trình thực hiện  cho thấy chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài chưa đủ sức hấp dẫn, về cơ bản chưa đáp ứng được mục tiêu như mong muốn. Chính vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TWcủa Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần  “có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế”.

Để cụ thể hóa, Điều 17 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thiết kế 2 khoản, khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Đối tượng thu hút bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô. Các đối tượng là công dân Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ đãi ngộ như được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và hưởng các chế độ, chính sách do HĐND Thành phố Hà Nội quy định; được ký hợp đồng vào làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; các đối tượng là người nước ngoài được ký hợp đồng để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp.

Nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, Dự thảo Luật cũng đã quy định các chính sách hỗ trợ từ ngân sách Thành phố để đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô. Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao... phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài.

Đây có thể xem là các nội dung rất quan trọng, nhằm tạo ra “cú hích” trong cơ chế thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô.

Tuy nhiên, như nhiều ý kiến nhận định, để quy định có tính khả thi hơn, cũng cần trao quyền cho HĐND Thành phố ban hành văn bản quy định cụ thể hơn các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ. Đồng thời, để thu hút và giữ chân được người tài, cũng cần lưu ý đến một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới...