Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hút vốn đầu tư cho Hà Nội: Cơ chế đặc thù tạo đòn bẩy

Nguyên Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu vốn đầu tư phát triển 5 năm 2016 – 2020 của Hà Nội là khoảng 2,5 - 2,6 triệu tỷ đồng (gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 – 2015). TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) khẳng định, Hà Nội luôn là điểm hấp dẫn, nhưng muốn thu hút được tư nhân tham gia các dự án thì cần tháo gỡ nhiều vướng mắc.

 TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM)
Thưa ông, khả năng cân đối của TP chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu phát triển cho giai đoạn trung hạn 2016 - 2020. Vậy, Hà Nội có thể huy động nguồn lực từ đâu?
- Hiện vốn đầu tư cho các dự án của Hà Nội có 3 nguồn: Ngân sách dành cho đầu tư công; vốn vay ODA và nguồn xã hội hóa theo hình thức hợp tác công - tư. Ngân sách hiện nay hạn hẹp không chỉ ở Hà Nội mà trên cả nước, nguồn ODA do Chính phủ phân bổ vẫn được coi là quan trọng, song riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải vay lại 80%, chỉ cấp phát 20% vốn đầu tư, trong khi hiện tại vốn ODA giảm dần, không còn “rẻ” như trước lại bị chi phối bởi trần nợ công. Để thực hiện hiệu quả các dự án, công trình, Hà Nội cần tập trung các giải pháp huy động nguồn lực để đầu tư, đáp ứng nhu cầu đầu tư cho các công trình trọng điểm.

Nguồn vốn chính khó khăn, nguồn thứ 3 là kêu gọi xã hội hóa nhưng lại không dễ?

- Hà Nội không chỉ là trái tim, là hình ảnh của quốc gia, việc phát triển bộ mặt kết cấu hạ tầng không chỉ cho Hà Nội mà mang tính lan tỏa cao. Hai điều này vừa là lợi thế, cơ hội vừa là thách thức. Hà Nội có tiềm lực kinh tế lớn, sức mua, chi trả, nguồn lực chất xám lớn, rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) muốn tham gia. Nhưng ở đây tôi muốn nói đến tính quyết liệt và dám chơi, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu và sử dụng tốt nguồn lực. Tất nhiên có nhiều vấn đề chưa được như mong muốn từ cấp vĩ mô, vi mô…, nhưng muốn có tác động lan tỏa phải chơi với NĐT thực sự tiềm lực, có năng lực và công nghệ kỹ năng tốt nhất, cách sống và làm việc chuyên nghiệp.

Nhiều NĐT muốn được hợp tác, nhưng những khó khăn mà Hà Nội đang đối diện xuất phát từ việc thiếu chính sách ưu tiên phù hợp, là thể chế? Vậy, Hà Nội có thể áp dụng Luật Thủ đô để xin cơ chế thu hút vốn không?

- Việc xin cơ chế đặc thù của Hà Nội, nên được xem xét, để triển khai các dự án, đẩy nhanh tiến độ. Cơ chế đặc thù song vẫn phải trong khuôn khổ quy định của pháp luật, vẫn phải đảm bảo được tính công khai, minh bạch. Trên cơ sở đó, Hà Nội đề xuất Chính phủ xem xét, nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ, chấp thuận cho TP được thực hiện một số cơ chế tài chính đặc thù. Thực tế là TP cũng đề xuất một số chính sách, cơ chế đặc thù để tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Luật Thủ đô và cho phép Hà Nội nghiên cứu xây dựng đề án quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Hà Nội đề xuất được ứng vốn ngân sách để thực hiện một số hạng mục của các dự án cấp bách; đề nghị T.Ư cho phép được chủ động lựa chọn NĐT ngay từ khâu lập quy hoạch chi tiết. Ông nghĩ sao về điều này?

- Theo tôi cái gì đấu thầu có cạnh tranh mới có kết quả tốt. Cân nhắc tỉ mỉ từng vấn đề, làm sao để việc lựa chọn nhà thầu đảm bảo công khai, minh bạch; công trình làm được nhanh, nhưng vẫn chất lượng, an toàn và bền vững. Đặc biệt việc lựa chọn nhà thầu, đơn vị thi công phải kỹ càng, chính xác. Nhưng nếu cho Hà Nội cơ chế thì Hà Nội phải chứng minh được không chỉ tạo ra bộ mặt khang trang cho TP, mà còn phải có sự lan tỏa và kết nối. Có 2 cách tháo gỡ: Thứ nhất là Thực thi với từng dự án cụ thể; và thứ 2 là thí điểm, lựa chọn để làm, qua đó gắn với hiệu quả, nhiều địa phương được hưởng lợi. Chúng ta đều ủng hộ cải cách, miễn là cái chung tốt gắn với minh bạch, giải trình, chịu trách nhiệm.

Vừa qua, TP Hà Nội đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cơ chế đặc thù để xây dựng dự án Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Ảnh: Công Hùng

Đối với việc huy động vốn xã hội hóa, Hà Nội đang xem xét phương án kết hợp cả 2 hình thức BT và BOT nhằm thu hút DN. Vừa qua đã xảy ra những bất cập về BOT, BT, theo ông Hà Nội cần lưu ý những gì?

- Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, tôi tán thành chủ trương của Hà Nội, tuy nhiên vẫn phải lưu ý một số điểm: Hợp tác đó có lành mạnh, hợp lý không; đối tác có đủ năng lực tài chính, công nghệ, trách nhiệm không; Hợp tác công – tư, nhưng không được động đến tiền của Nhà nước; Phải có một hội đồng nghiên cứu kỹ yêu cầu DN thực hiện dự án phải có năng lực về công nghệ. Nhà nước phải bổ sung các chuyên gia, các nhà chuyên môn giỏi làm cùng với tư nhân. TP sẽ phải tăng cường quản lý, xử lý nghiêm việc đầu tư không hiệu quả.

Ông đánh giá thế nào về những cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư của Hà Nội nhằm thu hút vốn trong giai đoạn vừa qua?

- Hội nghị xúc tiến đầu tư vừa qua cho thấy Hà Nội có thể làm quyết liệt và có rất nhiều điểm cộng. Môi trường kinh doanh tinh giản, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, giảm thiểu chi phí cho DN theo tinh thần chung của cả nước, Hà Nội đang cố gắng hoàn thiện. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh cần kết nối và “biết chơi” với tiềm lực cả trong và ngoài nước, biết quảng bá lợi thế hình ảnh cả góc độ cải cách lẫn góc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Khi thực hiện các dự án, Hà Nội cần chú ý điều gì, chẳng hạn như ưu tiên thứ tự công trình, hay là cân nhắc các công trình theo tổng nguồn vốn…?

- Nhìn vào số lượng dự án cũng như tổng mức đầu tư mà Nghị quyết về dự án, công trình trọng điểm; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017 - 2020 HĐND TP Hà Nội đã thông qua, đây là con số quá lớn, phải rà soát xem cái nào cần làm, cái nào chưa cần làm, hay sẽ làm sau trên cơ sở phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Lựa chọn các công trình giao thông quan trọng để sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng phù hợp khả năng huy động nguồn lực đầu tư giai đoạn 2017 - 2020, tạo sự liên kết và phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm...

Xin cảm ơn ông!

Nói không với nhà đầu tư năng lực kém

Trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế đặc thù đầu tư các dự án xây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng nêu rõ tiêu chí lựa chọn NĐT, đó là: Bất kỳ NĐT nào muốn đầu tư trên địa bàn Hà Nội phải đạt một số tiêu chí căn bản: Có năng lực kinh, nghiệm trong lĩnh vực quan tâm thực hiện; Đủ năng lực về tài chính; Cam kết thực hiện vốn; Có ký quỹ để trong trường hợp NĐT thực hiện chậm, không đáp ứng yêu cầu thì phải mất toàn bộ phần tiền ký quỹ này; Đảm bảo chất lượng toàn bộ công trình đáp ứng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Khai thác nguồn lực từ quỹ đất

Sử dụng những khu đất vàng vào khai thác thương mại không những ngân sách có được khoản tiền vô cùng lớn để đầu tư, mà hàng năm còn tăng thu ngân sách vì đất ở vị trí vàng là con gà đẻ trứng vàng. Một số cơ quan, đơn vị sau di dời khỏi nội đô được đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, trung tâm thương mại, nguồn thu tiền sử dụng đất các dự án tiền sử dụng đất thu được tại vị trí cũ Hà Nội nên kiến nghị để đầu tư các dự án mới. 

TS Đặng Đình Đào 

nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển