Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ khoa xinh đẹp “bật mí” cách ôn khối A đạt điểm 9, 10

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ khoa khối A Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Khánh Huyền “bật mí” phương pháp ôn luyện hiệu quả khối A để đạt điểm 9, 10.

Đặt mục tiêu cho từng ngày

Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017, Nguyễn Thị Khánh Huyền (1999, cựu học sinh THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) đạt điểm khối A lần lượt từng môn như sau: Toán 9,4 điểm; Vật lí 9,25 điểm và Hóa học 10 điểm. Với điểm số này, Huyền đã trở thành thủ khoa khối A Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2017.
 
Để đạt được số điểm cao đồng đều như vậy, Huyền cho rằng, điều quan trong nhất là phải xác định đúng tổ hợp môn thi mà bạn thích. Sau đó, đặt mục tiêu để học đều cả ba môn nhằm đạt được kết quả cao. Thời gian dành cho ba môn thi sẽ phân bổ đều.

Cô bạn thường sẽ lên kế hoạch theo tuần, cụ thể, chia ra các ngày cụ thể và đặt mục tiêu cho từng ngày. Sau đó, cô đưa ra mức thưởng - phạt cụ thể để ép bản thân đi theo lịch được đặt ra từ trước. Làm như vậy, kết quả sẽ tốt hơn so với việc các bạn học tập không có kế hoạch và theo cảm xúc.

“Sỹ tử nên tham gia các kỳ thi thử do trường tổ chức và cũng không quên ôn luyện nhiều đề. Điều này giúp các bạn nắm vững kiến thức và rèn luyện tâm lý khi vào phòng thi” - Khánh Huyền nói.

Sau mỗi lần thi, nữ sinh xinh đẹp này xác định được khả năng của bản thân đang ở đâu, còn yếu và cần cải thiện những nội dung gì. Đồng thời, cô cũng biết cách phân bổ thời gian cho từng câu trong đề hợp lý hơn và tập rèn sự bình tĩnh cũng như tránh những lỗi sai do bất cẩn, tránh nhầm lẫn cho kì thi chính thức.

Đối với những bạn chọn tổ hợp môn thi khối A, gần như phải ôn luyện kiỹ càng tất cả chủ điểm do giữa các chủ điểm đều có nhiều mối liên hệ với nhau.

Nữ sinh cho rằng, sự chuẩn bị kỹ càng về kiến thức và tâm lý đóng vai trong quan trọng. Bởi vì khi kiến thức mơ hồ và không chắc chắn, sẽ ảnh hưởng tới tâm lý phòng thi và dễ bị hoang mang. Còn khi tâm liý không tốt, thí sinh sẽ không thể đủ tỉnh táo để vận dụng hiệu quả những kiến thức đã chuẩn bị được và nhận ra những bẫy trong đề thi.

Nắm vững kiến thức sách giáo khoa

Khi được hỏi về phương pháp ôn luyện để đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia, cô gái này cho biết, trước tiên, sỹ tử cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa.

Sau mỗi buổi học, bạn nên bắt đầu đọc lại sách và hệ thống kiến thức, làm các câu hỏi và phần bài tập sau mỗi bài để củng cố kiến kiến thức. Các bạn lưu ý, không cần chạy trước chương trình, nên đi chậm mà chắc từng nội dung đã học. Đặc biệt, bạn nên chia nhỏ các chủ điểm ra rồi làm bài tập theo nội dung đó để có thể hiểu sâu và rèn luyện thành thạo các phương pháp giải cho từng dạng bài.

Bên cạnh đó, các bạn tìm những đề thi thử của các môn để bắt đầu giải và bấm thời gian ngắn hơn lúc thi thực khoảng 3-5 phút. Sau mỗi lần làm đề, thí sinh ghi chú lại những lỗi sai và tìm hiểu tại sao mình lại sai, tìm cách khắc phục để tránh lặp lại.

Khắc phục lỗi sai từ bản thân

Thủ khoa khối A này chia sẻ: “Trước đây, mình giải rất nhiều đề thi và chỉ mong có thể giải được càng nhiều đề càng tốt. Hầu hết thời gian học ở lớp, ở nhà, mình đều chú tâm giải đề vì giải được càng nhiều đề mình sẽ làm bài thi tốt hơn.

Tuy nhiên, sau một thời gian nhận thấy bản thân vẫn không tiến bộ nhiều, những lỗi sai cũ vẫn lặp lại. Lúc này, mình nhận ra do mình quá chú tâm giải đề mà không chú trọng tới việc kiểm tra lại và chữa lỗi trong bài giải của mình. Mình vẫn thường mắc đi mắc lại những lỗi sai giống nhau và không cải thiện được những dạng bài còn yếu”.

Từ những lỗi sai, Huyền nhận ra rằng, không nên quá chú trọng vào số lượng đề mình giải, mà quan trọng là sau mỗi đề mình cần phải dò đáp án kỹ, giải chi tiết và tìm xem mình sai ở đâu, tại sao lại sai và cần cải thiện như thế nào".

Theo Huyền, khi giải đề, thí sinh nền làm những câu dễ trước. Có những câu đơn giản nhưng nếu không cẩn thận và mang tâm liý chủ quan, các bạn sẽ dễ làm sai dẫn đến mất điểm đáng tiếc.

Khi vào phòng thi, ngay lúc tâm lý bình tĩnh và tỉnh táo nhất, các sỹ tử nên làm phần thuộc thế mạnh trước và làm phần yếu sau cùng, Điều này tránh tâm lý hoang mang khi gặp câu khó lúc thi.