Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh hơn GDP

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc khảo sát mức sống dân cư năm 2012 của Tổng cục Thống kê cho thấy thu nhập bình quân của người dân tăng cao hơn tốc độ tăng GDP.

Thời kỳ 2003-2012 thu nhập bình quân đầu người tăng 7,91%/năm, cao hơn tốc độ tăng tương ứng của GDP bình quân đầu người theo giá so sánh trong cùng thời gian (5,41%/năm). Điều này phù hợp với định hướng của nền kinh tế thị trường mà Việt Nam lựa chọn: Đó là định hướng vì con người; tăng trưởng kinh tế là điều kiện để tăng thu nhập của dân cư và tăng thu nhập của dân cư sẽ tác động trở lại đối với tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác, thu nhập của dân cư tăng, cộng với tỷ lệ vốn đầu tư/GDP khá cao trong nhiều năm là một trong những yếu tố góp phần làm cho giá tiêu dùng tăng khá cao (bình quân năm trong thời kỳ từ 2002-2012 lên đến 10,18%).

Tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người,sau khi loại trừ yếu tố giá (%)

 
Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Tuy nhiên, xét riêng thời kỳ 2011-2012, thu nhập bình quân cao hơn không bao nhiêu so với tốc độ tăng GDP bình quân đầu người trong cùng thời gian tương ứng (4,7%/năm). Cùng với tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm xuống (từ 39,2% trong thời kỳ 2006-2010 xuống còn 32,1% trong thời kỳ 2011-2012), việc tăng thấp của thu nhập bình quân đầu người đã làm cho tổng cầu tăng chậm lại nhanh, nên đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, cả hai chỉ tiêu trên đều tăng chậm lại nhanh, đã góp phần làm cho giá tiêu dùng bình quân năm giảm từ 18,58% năm 2011 xuống còn 9,21% năm 2012, 6,6% năm 2013 và hai tháng đầu năm 2014 tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 12 năm trước đó.

Cơ cấu thu nhập năm 2012 của hộ gia đình cho thấy tỷ trọng khoản thu về tiền lương, tiền công tăng; thu từ nông, lâm nghiệp-thuỷ sản giảm. Cụ thể: 46,2% từ tiền công, tiền lương; 19,8% từ nông, lâm nghiệp-thuỷ sản chiếm 19,8%; từ dịch vụ chiếm 17,3%; từ công nghiệp-xây dựng chiếm 4,8%; từ các nguồn khác chiếm 11,9%.

Mức chênh lệch giữa thu nhập và chi tiêu bình quân đạt khoảng 397.000 đồng/tháng. Tính ra, tổng chênh lệch giữa thu nhập và chi tiêu của toàn bộ dân cư tích luỹ vào khoảng 422,7 nghìn tỷ đồng. Trong tổng số tích luỹ này, thì số được đưa vào đầu tư trong năm 2012 vào khoảng 385 nghìn tỷ đồng, vẫn còn khoảng 38 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng tích luỹ, chưa được đầu tư trực tiếp mà vẫn tiếp tục được dùng để mua vàng, mua ngoại tệ…, đưa lượng vàng, ngoại tệ còn tồn đọng trong dân cư hiện đã ở mức khá lớn (một số chuyên gia ước tính đã lên đến hàng chục tỷ USD).

Kết quả khảo sát về chênh lệch thu nhập cho thấy thu nhập bình quân ở khu vực thành thị đạt 3 triệu đồng/tháng, cao gấp gần 2 lần con số tương ứng ở nông thôn (1,6 triệu đồng/tháng).

Thu nhập bình quân ở vùng Đông Nam Bộ (vùng cao nhất đạt 3,2 triệu đồng/tháng), cao gấp gần 2,5 lần con số tương ứng của vùng trung du và miền núi phía Bắc (thấp nhất).

Nếu chia hộ dân cư thành 5 nhóm, thu nhập bình quân tháng 1 người của nhóm hộ giàu nhất (nhóm thu nhập 5) ở mức thu thấp 4,8 triệu đồng, của nhóm hộ nghèo nhất (nhóm thu nhập 1) với mức 512.000 đồng, thì hệ số chênh lệch giàu/nghèo lên đến 9,4 lần, cao hơn các năm trước (năm 2010 là 9,2 lần, năm 2008 là 8,9 lần, năm 2006 là 8,4 lần, năm 2004 là 8,3 lần, năm 2002 là 8,1 lần…). Còn kết quả đo lường chênh lệch giàu nghèo bằng hệ số giữa tỷ trọng thu nhập của 40% dân số có thu nhập thấp nhất trong tổng thu nhập của toàn bộ dân cư cho thấy xu hướng giảm xuống (năm 2002 là 18%, năm 2004 là 17,4%, năm 2006 là 17,4%, năm 2008 là 16,4%, năm 2008 là 16,4%, năm 2010 là 15% và năm 2012 là 14,9%).

Kết quả khảo sát năm 2012 của Tổng cục Thống kê cho thấy thu nhập bình quân đầu người sau khi loại trừ yếu tố giá tiêu dùng bình quân đã tăng liên tục qua các năm, tỷ lệ nghèo giảm tiếp tục giảm, nhưng chúng ta cần có cuộc khảo sát mức sống dân cư cũng có các thông tin để cảnh báo về chênh lệch mức thu nhập giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng.