Nhiều bài học nhãn tiền
Ý tưởng triển khai thu phí không dừng qua vệ tinh được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhắc tới trong buổi làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam mới đây.
Cụ thể, sau khi đánh giá Cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống thu phí tự động không dừng; mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong thu phí giao thông, nhiều lợi ích cho xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng vẫn cho rằng, việc ứng dụng công nghệ cần tiến thêm bước nữa. Cái công nghệ cải tiến thêm đó mà Bộ trưởng Bộ GTVT nhắc đến chính là thu phí không dừng qua vệ tinh.
“Chúng ta đang đầu tư khối lượng lớn đường cao tốc. Việc đầu tư hệ thống trạm thu phí không dừng gây tốn kém. Trong khi nhiều nước trên thế giới đã có công nghệ mới, họ không cần xây dựng trạm, không có barie mà sử dụng công nghệ thu phí qua vệ tinh” – ông Nguyễn Văn Thắng nói.
Lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh, thu phí không dừng qua vệ tinh là giải pháp được nhiều quốc gia như Singapore và một số nước châu Âu áp dụng để hạn chế phương tiện vào nội đô. Do đó, công nghệ này sẽ giúp thu phí vào nội đô tại các đô thị lớn dễ dàng hơn.
Ngoài ra, khi triển khai thu phí qua vệ tinh sẽ không phải xây trạm thu phí, không có barie, khi đó giải pháp phục vụ thu phí cao tốc, thu phí nội đô mới khả thi, tránh được ùn tắc giao thông.
Việc triển khai thu phí qua vệ tinh theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận trong những ngày qua. Cũng giống như nhiều mô hình tiên tiến với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại được triển khai thành công ở châu Âu và các nước phát triển trên thế giới, thu phí qua vệ tinh hứa hẹn sẽ mang đến nhiều tiện ích vượt trội so với công nghệ thu phí RFID mà nước ta đang áp dụng. Trong đó, tiện ích dễ nhận thấy nhất chính là tiết kiệm.
Đầu tiên là tiết kiệm được một khoản lớn tiền xây trạm thu phí vì thu phí qua vệ tinh sẽ không cần trạm thu phí, không cần barie. Thứ hai là tiết kiệm thời gian vì việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của các phương tiện sẽ được thực hiện qua thiết bị vệ tinh GPS gắn trên từng phương tiện, phương tiện sẽ không phải dừng lại khi đi vào đường có thu phí.
Lý thuyết là thế, còn thực tế ra sao thì chẳng ai dám chắc sẽ được giống như kỳ vọng. Bằng chứng là trong thời gian qua, không ít mô hình tiên tiến ở nước ngoài khi đem về áp dụng ở nước ta đã rất chật vật, thậm chí còn thất bại thảm hại. BOT giao thông là một ví dụ điển hình.
Khi mới bắt đầu triển khai, mô hình này cũng được ca ngợi rất nhiều về tính ưu việt của nó. Song đến bây giờ có thể khẳng định BOT giao thông ở nước ta đã thất bại và những hệ lụy mà nó gây ra đến tận bây giờ vẫn chưa được giải quyết xong. Gần gũi hơn cả là thu phí không dừng. Đây cũng là công nghệ được ca ngợi về tính ưu việt so với thu phí thủ công.
Trên thực tế, sự vượt trội của thu phí không dừng là điều không phải bàn cãi nhưng khi bắt đầu triển khai ở nước ta lại gặp vô vàn khó khăn vào cản vì cả lý do khách quan và chủ quan. Và kết quả, sau rất nhiều lần vỡ tiến độ và phải rất “chật vật”, mãi đến tháng 8/2022, dự án thu phí không dừng mới thật sự được coi là “chạm chân vạch đích” khi công nghệ này chính thức được triển khai đồng loạt tại các trạm thu phí trên cả nước. Trong quá trình vận hành thu phí không dừng, những sự cố, trục trặc vẫn thường xuyên xảy ra.
Vậy với thu phí qua vệ tinh, ai dám đảm bảo sẽ không “chật vật” như thu phí không dừng đã từng vấp phải? Hoặc tệ hơn là sẽ thất bại như BOT giao thông? Đây cũng là điều không ít chuyên gia, nhà phân tích quan ngại.
Khó khả thi
PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính nhấn mạnh, với bất kỳ chủ trương, chính sách mới nào, nhất là những chính sách có ảnh hưởng lớn tới nhiều người như thu phí không dừng, thu phí qua vệ tinh thì đều phải đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên, nhất là lợi ích của người dân.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, thu phí qua vệ tinh sẽ tiết kiệm chi phí xây dựng trạm thu phí và tiết kiệm thời gian cho chủ phương tiện. PGS.TS Ngô Trí Long đặt câu hỏi, mục tiêu mà Bộ GTVT đưa ra là như vậy nhưng liệu khi triển khai, mục tiêu đó có đạt được hay không?
“Bài học thời gian qua đã có rồi. Có những vấn đề đã mắc phải rồi. Bây giờ đừng lặp lại nữa” – PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh thêm.
Trong khi đó, TS Phan Lê Bình – chuyên gia giao thông có rất nhiều kinh nghiệm quốc tế cũng tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi và hiệu quả của thu phí qua vệ tinh nếu áp dụng ở nước ta.
“Mô hình này được áp dụng nhiều ở các nước châu Âu, cái này đòi hỏi sự tự giác rất nhiều từ người lái xe” – TS Phan Lê Bình cho biết.
Chuyên gia giao thông này đặt ra tình huống, trong trường hợp lái xe đi vào cao tốc đang áp dụng thu phí qua vệ tinh nhưng lại cố tình tắt thiết bị GPS đi thì cơ quan thu phí tuyến đường đó sẽ làm cách nào để lấy được tiền từ họ hay phải chấp nhận để họ đi miễn phí.
“Thiết bị định vị GPS này gần giống như cái điện thoại, có thể bật, tắt dễ dàng, với tình huống đó thì phải làm cách nào?” – chuyên gia Phan Lê Bình nói.
Theo TS Phan Lê Bình, trên thực tế cũng không phải không có cách để đối phó với những trường hợp cố tình trốn trả phí qua vệ tinh. Nhiều nước châu Âu đã sử dụng biện pháp này đối với các phương tiện công cộng là tàu điện và xe buýt.
Cụ thể, họ sẽ thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên và bất ngờ đối với việc trả phí trên xe buýt, tàu điện. Trường hợp nào bị phát hiện sẽ phạt nặng. Tuy nhiên, cách làm này sẽ khó thực hiện được với xe ô tô cá nhân trên đường cao tốc. Do đó, TS Phan Lê Bình khẳng định, điều quan trọng nhất vẫn là tính tự giác của người dân.
Trên thực tế, tình huống mà TS Phan Lê Bình đặt ra đã từng xảy ra với thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô kinh doanh vận tải trong thời gian qua. Trước đó, với mục tiêu tăng cường khả năng giám sát, quản lý các phương tiện kinh doanh vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) đã yêu cầu hàng triệu xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Tuy nhiên, sau khi lắp, rất nhiều trường hợp lái xe, chủ phương tiện đã cố tình tắt thiết bị này khiến cho các cơ quan quản lý cũng phải bó tay. Việc yêu cầu xe kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát đã và đang thực hiện trong thời gian qua được coi là một giải pháp để “chữa cháy” cho vấn đề nan giải với thiết bị giám sát hành trình trước đó.
Ngoài ra, khác với dán thẻ thu phí tự động không dừng, phương tiện sẽ phải lắp bộ thiết bị nhận tín hiệu định vị. Giá bộ thiết bị định vị dao động khoảng 1 - 1,5 triệu đồng. Đây là một khoản kinh phí không nhỏ với các chủ phương tiện, nên chắc chắn sẽ gây ra nhiều băn khoăn, lo ngại.
Không phải người dân nào có ô tô cũng đi trên cao tốc hay đi vào những tuyến đường thu phí. Nếu bắt tất cả họ phải lắp thiết bị vệ tinh GPS để phục vụ thu phí qua vệ tinh là vô lý. Cho nên, chính sách này nên có tính chất lựa chọn tự nguyện cho khách hàng chứ không nên bắt buộc.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư, TS Lê Đăng Doanh
Hiện tại, hầu hết các phương tiện kinh doanh vận tải đều đã được lắp thiết bị định vị. Tuy nhiên, với các phương tiện xe cá nhân thì chưa nhiều. Thách thức lớn nhất với nhóm xe cá nhân chính là xâm nhập thông tin đời tư khi lắp định vị vào xe họ. Điều này vi phạm các qui định của pháp luật. Hơn thế nữa, công tác bảo mật dữ liệu sẽ được thực hiện ra sao nếu áp dụng việc theo dõi giám sát định vị phương tiện cá nhân.
Chuyên gia công nghệ Phan Bá Mạnh