Thu phí qua cầu phao An Mỹ - Sơn Công vượt quy định

Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cầu phao An Mỹ - Sơn Công góp phần kết nối giao thương hàng hóa giữa xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức) và Sơn Công (huyện Ứng Hòa).

Trải qua năm tháng nắng, mưa nên vừa qua, chủ cầu đã phải đầu tư cải tạo, nâng cấp cầu. Tuy nhiên, sau đó, do nóng vội muốn thu hồi vốn, chủ cầu đã vội vàng thu vượt quy định.

Tự tăng phí sau khi nâng cấp cầu

Năm 1996, ông Vũ Nam Cao, ở xã Sơn Công và ông Nguyễn Văn Đạo ở xã An Mỹ đã đầu tư làm cầu phao bắc qua sông Đáy rộng 2m, dài 70m bằng thuyền bê tông, dầm cầu bằng sắt, mặt cầu bằng ván gỗ. Trong quá trình sử dụng, cầu phao An Mỹ - Sơn Công thường xuyên được duy tu sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại. Tuy nhiên, theo thời gian và do tác động của mưa nắng nên khung sắt của cầu đã hoen gỉ, thuyền bê tông bị thấm nước, ván gỗ trên mặt cầu bị mục nát xuống cấp nghiêm trọng. Do vậy, tháng 5 vừa qua, chủ cầu đã đầu tư cải tạo, nâng cấp, thay thế mặt cầu, dầm cầu, lan can cầu bằng sắt và làm mới 5/12 thuyền phao bê tông với tổng mức đầu tư gần 200 triệu đồng.
Chủ cầu phao An Mỹ - Sơn Công đã dừng việc thu phí trái quy định.
Chủ cầu phao An Mỹ - Sơn Công đã dừng việc thu phí trái quy định.
Tìm hiểu được biết, theo quy định tại Hợp đồng số 06/HĐ-KT của UBND xã Sơn Công ký giao khoán cho chủ cầu được thu 1.000 đồng/lượt người đi xe đạp, 2.000 đồng/lượt người đi xe máy. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến tháng 7 vừa qua, chủ cầu đã tự ý thu tăng 2.000 - 4.000 đồng/lượt người đi xe đạp và 5.000 - 10.000 đồng/lượt người hoặc 2 người đi xe máy. Việc thu phí tăng vượt quy định khiến những người dân thường ngày đi qua cầu bức xúc.

Kiểm tra an toàn và thu đúng

Ông Vũ Nam Cao - đại diện chủ cầu thừa nhận: “Do vừa bỏ ra một khoản tiền để đầu tư cải tạo, nâng cấp cầu phao với mong muốn tạo điều kiện thuận tiện, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện đi qua nên đã nóng vội muốn sớm thu hồi lại số vốn vừa đầu tư làm cầu. Vì vậy, trong khoảng tháng 6 và tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã tự ý nâng giá vé thu phí qua cầu vượt quy định. Việc làm như vậy của chúng tôi là sai…”.

Chủ tịch UBND xã Sơn Công Nguyễn Sỹ Tuấn cho biết: “UBND xã chỉ thu phí giao khoán cho chủ cầu 1.300.000 đồng/tháng theo đúng quy định của Nhà nước và được chia đều cho 2 xã. Gần đây, sau khi nhận được thông tin phản ánh chủ cầu tự ý thu phí vượt quy định, ngày 25/7, UBND xã đã có văn bản yêu cầu chủ cầu  phải niêm yết bảng thu phí ở hai đầu cầu. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra đường dẫn lên xuống cầu, phao nổi, lan can, mặt cầu đảm bảo an toàn cho người qua lại. Việc thu phí phải đúng quy định tại Quyết định số 38/2009/QĐ-UBND ngày 9/1/2009 của UBND TP về việc thu phí qua cầu trên địa bàn TP. Đến nay, chủ cầu đã chấp hành thực hiện đúng quy định”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Hoàng Thị Vân Anh, người dân của 9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đang thường ngày phải đi qua cầu phao. Đa phần, các cây cầu này đều được người dân tự bỏ tiền ra làm để phục vụ đi lại, giao thương hàng hóa. Mặc dù các chủ cầu hàng ngày vẫn thường xuyên, kiểm tra, sửa chữa, nhưng đến nay đa số cầu đều đã và đang xuống cấp. “Để đảm bảo an toàn, hàng năm, UBND huyện thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thu phí, đồng thời yêu cầu tu sửa những điểm cầu bị xuống cấp. Gần đây, ngày 21/6/2016, UBND huyện đã có Văn bản số 417/UBND-QLĐT yêu cầu 9 xã, thị trấn có cầu phao kiểm tra chất lượng, độ an toàn và chấn chỉnh việc thu phí qua cầu. Nếu chủ cầu nào không thực hiện đúng quy định, cố tình vi phạm sẽ yêu cầu các địa phương thanh lý hợp đồng kinh tế” - bà Vân Anh khẳng định.