Thu phí tự động: Lựa chọn phù hợp cho các dự án BOT

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thu phí tự động không dừng đã được thí điểm tại Km 604+600 trên Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Trang Thảo

Với hàng chục dự án BOT trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã và sẽ đi vào hoạt động, việc áp dụng một hệ thống thu phí tự động dùng chung cho tất cả các trạm đang được xem là một giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho người dân và DN.    

BOT hút vốn đầu tư xã hội hóa       

Theo Bộ GTVT, mô hình đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) đã kêu gọi được các công ty bỏ vốn xây dựng, sau đó khai thác vận hành một thời gian và chuyển giao lại cho Nhà nước đang phát huy hiệu quả. Bởi trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công ngày càng hạn hẹp; nhiều dự án phải tạm dừng, hoãn, giãn tiến độ thì hình thức đầu tư BOT đã thực sự góp phần kích hoạt dòng vốn ngoài xã hội vào các dự án hạ tầng giao thông. Đồng thời tạo ra bước ngoặt quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này.           
Thu phí tự động không dừng đã được thí điểm tại Km 604+600 trên Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Quảng Bình.             Ảnh: Trang Thảo
Kinhtedothi - Thu phí tự động không dừng đã được thí điểm tại Km 604+600 trên Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Trang Thảo
Tính đến tháng 6/2015, ngành giao thông vận tải đã và đang triển khai thực hiện 68 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; trong đó, 20 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác, đảm bảo chất lượng, tiến độ đầu tư các dự án được rút ngắn. Hàng loạt dự án khác cũng sẽ được hoàn thành đưa vào khai thác trong thời gian từ nay đến cuối năm, trong đó phần lớn là các dự án thành phần thuộc dự án cải tạo, nâng cấp QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Nhờ huy động thêm được các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nên đến nay, năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thực hiện hai năm một lần, năm 2014, năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đứng ở vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010.

Vẫn theo Bộ GTVT, hình thức đầu tư BOT hiện là hình thức đầu tư phổ biến trên thế giới, vì ngoài việc khắc phục sự thiếu hụt nguồn lực đầu tư công thì đây là hình thức đầu tư có sự giám sát chặt chẽ của nhiều bên, không làm tăng nợ công trong điều kiện nợ công đang ở mức cao như hiện nay, huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân thông qua các tổ chức tín dụng, hạn chế tình trạng lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng… Đây cũng là giải pháp góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu các lĩnh vực vận tải, nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành vận tải, qua đó nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Tăng hiệu quả hoạt động thu phí

Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện nay, trên các tuyến quốc lộ có gần 100 trạm đang thu phí và sẽ thu phí khi các dự án BOT hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cụ thể, có 45 trạm đang thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT và 51 trạm thu phí chưa thu, nhưng đã thống nhất ký hợp đồng BOT và sẽ thu phí cho các dự án BOT sau khi hoàn thành trong khoảng từ nay đến năm 2018. Trong số 96 trạm, có 83 trạm do Bộ GTVT ký hợp đồng với các nhà đầu tư và 13 trạm do UBND các tỉnh ký hợp đồng với các nhà đầu tư.

Vấn đề là, nếu các trạm thu phí hoạt động độc lập và tiếp tục thu theo hình thức thủ công như lâu nay, sẽ lãng phí thời gian và tiền bạc của các chủ đầu tư và chủ phương tiện, đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý. Chính vì vậy, sau khi nghiên cứu mô hình thu phí tự động của một số quốc gia trên thế giới, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ ký ban hành Quyết định về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng, qua đó hình thành khuôn khổ pháp lý để có thể áp dụng rộng rãi hình thức thu phí tự động trên toàn quốc.

Theo đó, về nguyên tắc chuyển đổi sang việc thu phí từ bằng tay sang hình thức tự động không dừng phải bảo đảm không làm tăng mức phí sử dụng đường bộ mà chủ phương tiện phải trả, bảo đảm quyền thụ hưởng phí của các chủ đầu tư và hỗ trợ việc quản lý Nhà nước về giao thông. Sau khi nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và các điều kiện thực tiễn của Việt Nam, Bộ GTVT dự kiến sẽ lựa chọn mô hình thu phí tự động không dừng chung, thống nhất cho tất cả các phương tiện giao thông thuộc diện chịu phí và các trạm thu phí trên toàn quốc.

Vào tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương giao Bộ GTVT thực hiện đầu tư dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe tự động trên toàn quốc, giai đoạn I áp dụng đối với QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO).

Để phù hợp với tiến độ các dự án đầu tư thuộc hai dự án này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng những nội dung phù hợp của cơ chế quản lý và thực hiện các dự án đầu tư trên hai dự án này, trên cơ sở lưu ý các ý kiến của các Bộ Công an, KH&ĐT, Tài chính về việc đàm phán giữa nhà đầu tư dự án thu phí tự động không dừng với các nhà đầu tư BOT, bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm về tài chính giữa các bên có liên quan cũng như lưu ý về khả năng áp dụng rộng rãi công nghệ cho toàn hệ thống.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã công bố danh mục Dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc, giai đoạn I áp dụng đối với QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Theo quyết định này, Dự án sẽ được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOO với mục tiêu là nhằm hiện đại hóa hệ thống thu phí và kiểm soát tải trọng xe. Đồng thời, dự án sẽ giúp hạn chế UTGT tại các trạm thu phí, tiết kiệm chi phí tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xây dựng các trạm thu phí, tạo thuận lợi và minh bạch việc thu phí, cung như kiểm soát tải trọng xe, từng bước xóa bỏ tình trạng xe quá tải và quản lý được các loại xe lưu thông, thông tin đăng kiểm phương tiện, thống kê lưu lượng xe giám sát tốc độ.