Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu sai bảo hiểm xã hội của hộ kinh doanh nhỏ lẻ: Có tiêu cực hay không?

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trước câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc có tiêu cực hay không trong việc thu sai đối tượng đóng BHXH, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Việc phát hiện tiêu cực để trục lợi thì chưa nhưng thu sai thì có.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tranh luận tại phiên chất vấn.
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tranh luận tại phiên chất vấn.

Sáng 6/6, tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội về trách nhiệm khi thu sai bảo hiểm xã hội của hộ kinh doanh nhỏ lẻ; giải pháp giảm thiểu tình trạng lao động đi xuất khẩu bỏ trốn...

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Đoàn tỉnh Tuyên Quang) nêu thực trạng thu sai bảo hiểm xã hội (BHXH) với chủ hộ kinh doanh cá thể, quan điểm của Bộ trưởng và hướng giải quyết?.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết: Báo cáo của Ban Dân nguyện tại phiên khai mạc kỳ họp đã nêu rõ, thời gian qua cơ quan BHXH thu sai một tỉ lệ không nhỏ chủ đối tượng kinh doanh cá thể. Đây không phải đối tượng bắt buộc đóng BHXH. Việc thu sai diễn ra từ năm 2003 đến 2016. Bộ đã chấn chỉnh BHXH, vấn đề này cơ bản được giải quyết.

Bộ đã kết thúc 8 đoàn kiểm tra của Ban Kinh tế Trung ương và Bộ LĐ-TB&XH. Đây là nội dung chưa được quy định cụ thể nhưng chúng ta phải đặt lợi ích của chủ hộ lao động, cơ quan công quyền lên trên hết.Vì vậy, đơn vị nào làm sai phải xin lỗi và xử lý.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hướng xử lý là Bộ đề xuất chuyển toàn bộ các hộ kinh doanh này sang bảo hiểm bắt buộc, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Với trường hợp không có nhu cầu có thể chuyển sang bảo hiểm tự nguyện. Trường hợp cả người lao động lẫn cơ quan đều không đồng ý thì cần thoái thu, tính lãi bằng tăng trưởng của Quỹ bảo hiểm.

Tranh luận về nội dung này, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ, như Bộ trưởng đã xác định qua kết quả giám sát, nhiều địa phương đã có tình trạng thu BHXH bắt buộc đối với các chủ hộ kinh doanh cá thể trong khi các đối tượng không thuộc diện phải đóng BHXH bắt buộc. Điều này cho thấy cơ quan BHXH đã không thực hiện đúng với quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các đối tượng liên quan. Đại biểu đề nghị làm rõ có tiêu cực trong thu bảo hiểm xã hội hay không? Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào? Hướng xử lý trong thời gian tới?.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, việc thu BHXH với các chủ hộ kinh doanh nhỏ lẻ là sai về chủ trương, trách nhiệm của cơ quan tổ chức thực hiện là BHXH Việt Nam và đặc biệt là BHXH các địa phương. "Việc này đã được phát hiện, chúng tôi đã có cuộc làm việc với BHXH và có băn bản chấn chỉnh việc nàt. Thời gian vừa qua những trường hợp thu chưa đúng đã được giải quyết, đa số các địa phương đã xử lý linh hoạt. Nhiều trường hợp đồng ý tiếp tục chuyển sang đóng BHTN, có trường hợp đề nghị thoái thu, có trường hợp đề nghị tiếp tục được chuyển sang đóng BHXH bắt buộc".

Về câu hỏi "có tiêu cực hay không", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc phát hiện tiêu cực để trục lợi thì chưa nhưng thu sai thì có. Việc xử lý như thế nào Bộ đã trao đổi với Giám đốc BHXH Việt Nam "chắc chắn phải xử lý, nhưng xử lý như thế nào thì theo quy định của pháp luật".

Quang cảnh phiên chất vấn
Quang cảnh phiên chất vấn

Về giải pháp căn cơ, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất dự kiến trong chương trình xây dựng pháp luật sẽ đưa đối tượng này vào đóng BHXH bắt buộc. Đồng thời kiển nghị Quốc hội khi kết luận chất vấn cho phép đảm bảo ngay quyền lợi cho những người này bằng việc bổ sung Nghị quyết chất vấn cho phép Chính phủ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động cộng với thời gian đóng BHXH. Nếu người lao động có yêu cầu thì chuyển sang đóng BHXH hoặc chuyển sang bảo hiểm tự nguyện, Theo tinh thần này khi giải quyết căn cơ chắc chắn sẽ không có khiếu kiện xảy ra.

Làm rõ thêm nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Nghị định 01/2003 lúc đó chủ trương mở rộng bao phủ BHXH nên BHXH Việt Nam có hướng dẫn một số tỉnh đóng BHXH. Có  trong đó 54 tỉnh đã thu 4.240 đối tượng đến 2016 dừng lại. Nhưng có một 1.332 cá nhân vẫn đóng tiếp đến 2020 thì dừng.

"Về bản chất đạo lý không sai nhưng theo quy định thì vướng vì quy định phải có hợp đồng giao kết bảo hiểm nhưng chủ hộ kinh doanh không có hợp đồng giao kết mà chỉ có hợp đồng với nhân viên. Nhân viên được nộp BHXH bắt buộc nhưng chủ hộ không có hợp đồng với ai nên không được nộp. Về bản chất thì chủ hộ vừa là chủ hộ vừa là lao động, có thu nhập nên việc tham gia BHXH về bản chất vẫn chấp nhận được nhưng Luật không quy định nên thành sai đối tượng".

Bộ Tài chính đã trao đổi với Bộ LĐ-TB&XH sửa Luật Lao động cho phép chủ hộ kinh doanh khi được tham gia BHXH bắt buộc vì họ vừa là người lao động, vừa có thu nhập.

Đại biểu Quốc hội chất vấn sáng 6/6
Đại biểu Quốc hội chất vấn sáng 6/6

Sẽ sửa luật để xử lý chậm đóng, nợ BHXH

Trả lời câu hỏi của một số đại biểu Quốc hội về tình hình rút BHXH một lần có chiều hướng gia tăng, giải pháp xử lý trong thời gian tới. Đồng thời quan điểm của Bộ trưởng về thành lập Quỹ?.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần có gia tăng, đặc biệt tăng nhiều sau đại dịch Covid-19. Bộ trưởng cho rằng, cần tìm ra nguyên nhân và giải pháp cụ thể cho tình trạng này.

Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng cho rằng đó là một trong các giải pháp, bên cạnh nhiều giải pháp khác trong tháo gỡ vướng mắc cho thị trường lao động. Bộ trưởng cho biết, có nhiều phương pháp khác cần được thực hiện, triển khai đồng bộ, phương án lập Quỹ cần được rà soát, nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Bộ LĐ-TB&XH sẽ ghi nhận và nghiên cứu kỹ phương án này.

Liên quan đến phần chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến hết năm 2022, khối lượng chậm đóng, trốn đóng tăng 2,69% so với mức của năm 2021, có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng. Bộ đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng, cho đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng, quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt. Bộ đã triển khai các biện pháp cụ thể, thực hiện nguyên tắc người lao động thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó.

Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, cần sửa Luật BHXH, các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10, trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.