Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thử thách mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều lần lên kế hoạch rồi lại ngưng trệ, các cuộc đàm phán ngoại giao nhằm cải thiện quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Pakistan dự kiến diễn ra trong tuần này tại Islamabad đã bị hủy bỏ.

Sự việc này một lần nữa cho thấy, mối quan hệ ẩn chứa nhiều nghi kỵ giữa hai quốc gia láng giềng chắc chắn không thể hàn gắn trong một sớm một chiều. 

Thực ra, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đã có những dấu hiệu cải thiện trong thời gian gần đây với sự chủ động và thiện chí của giới lãnh đạo hai nước. Hồi tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử song phương, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã tới New Delhi để tham dự lễ nhậm chức của tân Thủ tướng Ấn Độ Modi. Bầu không khí yên bình tại khu vực Nam Á trong gần 3 tháng qua đã khiến nhiều người tin rằng, Ấn Độ và Pakistan đã tìm được phương thức hàn gắn mối bất hòa do lịch sử để lại, làm tăng đáng kể hy vọng cho sự tái khởi động đối thoại cấp cao hai nước mà Ấn Độ đã tạm đình chỉ sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Mumbai năm 2008. 
Thủ tướng Ấn Độ và Pakistan trong cuộc gặp lịch sử tại New Dehli hồi tháng 5/2014.     Ảnh: NBC
Thủ tướng Ấn Độ và Pakistan trong cuộc gặp lịch sử tại New Dehli hồi tháng 5/2014. Ảnh: NBC
 
Tuy nhiên những hy vọng mong manh cho hòa bình tại khu vực Nam Á đã bị dập tắt khi Ấn Độ bất ngờ hủy bỏ chuyến thăm và hội đàm của Ngoại trưởng Sujata Singh đến Thủ đô của Pakistan. Nguyên nhân dẫn đến quyết định này được New Dehli lý giải là do Đặc phái viên Pakistan, Abdul Basit đã tiến hành hội đàm với phe ly khai tại Kashmir - vùng đất Ấn Độ cho là thuộc quyền quản lý của mình. Thế nhưng đây không phải là lần đầu tiên Pakistan tiến hành các cuộc tiếp xúc với chiến binh ly khai vùng Kashmir. Vì thế, sự phản ứng dữ dội lần này của Ấn Độ chắc chắn xuất phát từ các cuộc giao tranh trên biên giới hai nước khu vực Kashmir trong vài ngày qua. Tình thế này đã khiến tân Thủ tướng Modi rơi vào tình thế khó xử khi đã có hơn chục người Ấn Độ bị thương vong trong các cuộc giao tranh và nhà lãnh đạo này không thể mất vị thế của mình sau những gì cam kết với cử tri trong quá trình vận động tranh cử. Trong chuyến thị sát tình hình Kashmir hồi tuần trước, ông Modi còn cáo buộc Pakistan đang tiến hành một cuộc "chiến tranh ủy nhiệm".Đây không phải lần đầu tiên New Dehli và Islamabad nảy sinh mâu thuẫn vì Kashmir. Vùng đất thuộc dãy Himalaya đang nằm dưới sự kiểm soát của Ấn Độ này đã từng trở thành tâm điểm của các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước kể từ khi Ấn Độ giành được độc lập năm 1947. Cả hai nước vốn sở hữu vũ khí hạt nhân đã tiến hành 3 cuộc chiến tranh trong vòng 60 - 70 năm và suýt nữa xảy ra cuộc chiến tranh thứ tư ngay sau vụ khủng bố Mumbai năm 2008.

Nếu như với Thủ tướng Ấn Độ, việc hủy bỏ cuộc đàm phán được coi là bước đi nhằm khẳng định sự quyết đoán của nhà lãnh đạo này thì với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, động thái này thực sự là một thảm họa. Trên thực tế, Thủ tướng Sharif luôn mong muốn cải thiện quan hệ thương mại và làm dịu căng thẳng chính trị với người láng giếng Ấn Độ, nhất là trong bối cảnh ông Sharif đang phải đối mặt với hàng loạt các cuộc biểu tình chống Chính phủ của phe đối lập do chính trị gia Imran Khan và giáo sĩ Hồi giáo Tahirul Qadri tổ chức. 

Rõ ràng, những diễn biến trên khiến quan hệ song phương Ấn Độ - Pakistan đứng trước những thách thức mới. Tuy nhiên, trong một thế giới đa cực, Ấn Độ và Pakistan đều cần có nhau để giải quyết những vấn đề kinh tế của mình nên giới chức hai nước cần nhanh chóng tìm được đường lối hòa bình mới, vượt qua được những mâu thuẫn ngay trong nội bộ.