Thử thách mới của bà Hillary Clinton

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã ghi dấu ấn mới vào lịch sử Mỹ với việc trở thành nữ ứng viên Tổng thống đầu tiên của nước này.

Bỏ qua những áp lực cạnh tranh với đối thủ bên phía đảng Cộng hòa - Donald Trump, "danh hiệu" mới tưởng hỗ trợ đắc lực trong cuộc đua vào Nhà Trắng lại mang tới những áp lực ngầm cho nữ chính trị gia.

Với 15/25 phiếu ủng hộ tại bang Nam Dakota, bà Clinton đã vượt ngưỡng 2.383 phiếu đại biểu cần thiết để trở thành gương mặt đại diện cho đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.
Bà Hillary Clinton đã chính thức trở thành nữ ứng viên Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Bà Hillary Clinton đã chính thức trở thành nữ ứng viên Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Đảng Dân chủ đặt nhiều hy vọng vào kỳ đại hội toàn quốc lần này. Sự kiện không đơn thuần là dịp tuyên bố bà Clinton là người đại diện đảng tranh cử - điều vốn được tiên liệu từ lâu. Đây còn là cơ hội minh chứng một khối đảng đoàn kết, đối nghịch với chia rẽ hiện rõ trong đảng Cộng hòa kể từ khi tỷ phú Donald Trump nổi lên là ứng viên tổng thống sáng giá, qua đó nâng vị thế uy tín của bà Clinton, tạo bước đà hoàn hảo cho nữ chính trị gia bước vào đường đua mới. Viễn cảnh này sụp đổ với vụ bê bối email thiên vị bà Clinton so với cựu đối thủ Bernie Sanders của lãnh đạo đảng.

Với cảnh tượng hỗn loạn do làn sóng tức giận từ những người ủng hộ ông Sanders, kết hợp việc người đứng đầu đảng Dân chủ từ chức vì bê bối email, vị thế của bà Clinton đã tạm lùi một bậc. Theo những khảo sát được hãng tin Reuters công bố hôm 26/7 (ngày thứ 2 của đại hội đảng Dân chủ), tỷ lệ ủng hộ ông Donald Trump lần đầu tiên kể từ tháng 5 vượt qua bà Clinton.

Gác lại những thách thức từ đối thủ Donald Trump, vị trí mới đã đem đủ áp lực ngầm cho cựu đệ nhất phu nhân Mỹ. Mục tiêu của phe Dân chủ là thuyết phục các cử tri rằng nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama để lại nhiều thành tựu lớn và bà Hillary Clinton sẽ tiếp bước ông bảo toàn và tăng cường những thành công này.

Do đó, trong thời gian tới, bà Clinton một mặt sẽ phải khéo léo biện hộ những thất bại, đề cao các “di sản” của Tổng thống Obama trong thời gian tại vị, mặt khác vẫn phải đưa ra những chính sách ngoại giao và an ninh cấp tiến hơn mà không làm lu mờ chính quyền trước. Theo khảo sát của trang Economist, chỉ 42% người Mỹ ủng hộ chính sách chống khủng bố của ông Obama. Đây là áp lực lớn, bởi chính bà Clinton là “nhà thiết kế” cho những đường lối này. Đồng thời, một trong những thành công lớn trong nhiệm kỳ của ông Obama – vực dậy nền kinh tế lớn nhất thế giới khỏi cuộc đại khủng hoảng năm 2008 sẽ là “cái bóng” đặt nặng lên cựu Ngoại trưởng Mỹ khi tuyên bố các chính sách kinh tế.

Với tất cả những thách thức này, tài sản lớn nhất của bà Clinton là tận dụng nghi ngại còn tồn tại với những đường hướng còn “mơ hồ” mà tỷ phú Trump đưa ra, để từ đó chứng tỏ uy tín, xây dựng chiến thắng. Trong cuộc tổng tuyển cử năm nay, những thách thức cho bà Clinton có vẻ nặng ký hơn ông trùm bất động sản, bởi có quá nhiều “bổn phận” mà bà phải kiêm nhiệm.