Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thử thách Momo gây hại trẻ em: Youtube chối bỏ trách nhiệm

Trần Oanh - An Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hàng loạt cáo buộc liên quan đến những đoạn video mang tên Thử thách Momo trên Youtube được cho là có nội dung độc hại, thậm chí kêu gọi trẻ em tự sát (báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin), Youtube đã chính thức lên tiếng.

Không tìm thấy bằng chứng?
Thử thách Momo được cho là bắt nguồn từ nền tảng nhắn tin WhatsApp, đã lan truyền vào năm ngoái và sau đó phần lớn biến mất. Thử thách Momo mô tả một hình ảnh nhân vật đáng sợ có đôi mắt lồi, mái tóc dài xõa trước mặt, chiếc cằm nhọn và hướng dẫn trẻ em hoàn thành một loạt thử thách, bao gồm cả việc làm hại bản thân và những người khác.
Trước sức ép của dư luận, Youtube đã chính thức lên tiếng về những cáo buộc liên quan đến những video mang tên Thử thách Momo gây hại cho trẻ em. Mạng xã hội video lớn nhất hành tinh cho rằng những cáo buộc trên là vô căn cứ và họ "không tìm thấy bằng chứng nào về các video nói trên ở Youtube".
 Thử thách Momo trên kênh Youtube.
Tại trang Twitter @YouTube của mình, Youtube cho biết: "Chúng tôi muốn làm rõ một điều liên quan đến Thử thách Momo: Chúng tôi không thấy bằng chứng nào gần đây về các video quảng cáo Thử thách Momo trên Youtube. Những video khuyến khích những thách thức có hại và nguy hiểm là chống lại chính sách của chúng tôi".

Ngoài ra, Youtube cũng khuyến khích người dùng khi xem các video có nội dung không lành mạnh, có thể sử dụng tính năng báo cáo, gắn cờ các video này để hỗ trợ Youtube xem xét và xử lý chúng.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia quốc tế, trên thực tế, từng xuất hiện những video có nội dung hướng dẫn trẻ em tự sát xuất hiện trên YouTube Kids nhưng được nguỵ trang bằng các nhân vật hoạt hình - dù không phải Momo. Vấn đề là đó chỉ là phần nổi của một tảng băng khổng lồ. Youtube đã nhận ra vấn đề này từ nhiều năm nay và cố gắng giải quyết trong thầm lặng, gỡ bỏ rất nhiều video có nội dung thô tục, nhưng chúng liên tục xuất hiện, với nhiều mánh khóe lọt qua thuật toán của họ.
Theo Keza MacDonald – phóng viên của tờ The Guardian (Anh), sai lầm của Youtube là phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống "gắn cờ" - flagging - để nhận biết các video có nội dung phản cảm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải có người dùng thực sự nhìn thấy video đó, gắn cờ cho nó và đợi hệ thống làm việc.
Trong lúc đó, khả năng cao là video có thể tiếp cận với nhiều người dùng, bao gồm cả trẻ em. “Phân loại trước sẽ là một giải pháp thực tế hơn, tức là các video sẽ không thể xuất hiện trên Youtube Kids cho đến khi nhận được đủ đánh giá tin cậy từ người dùng thực. Thế nhưng, Youtube dường như không mảy may để tâm, mà chỉ hướng đến chức năng "gắn cờ" và report mà từ trước đến nay họ vẫn làm” - Keza MacDonald lên tiếng.

"Hiện nay, trên môi trường mạng có nhiều hành vi quái gở, xấu độc. Chúng tìm cách cắt ghép, xen lẫn vào các video. Vì vậy, cha mẹ cần quản lý chặt về thời gian sử dụng và nội dung trẻ em tiếp đang tiếp cận. " - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) Đặng Hoa Nam

Tờ báo uy tín của nước Anh là Guardian thậm chí còn chỉ trích Youtube sau vụ Momo gây sóng trong vài ngày qua rằng “hệ thống này sinh ra để kiếm tiền và views, không phải để giáo dục trẻ em”.

Đừng phó mặc con cái cho máy tính bảng
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS Trần Thành Nam - Trưởng khoa Các khoa học giáo dục, trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, xu hướng các website, video hay các hình thức khác hướng dẫn cho thanh thiếu niên tự sát không còn mới.
Trước đây còn có trào lưu chơi trò nguy hiểm như “Thử thách cá voi xanh” ở Nga hay website hướng dẫn chết không đau đớn, chết thế nào cho đẹp ở Nhật. Để giới trẻ phòng ngừa, tránh xa những trò chơi nguy hiểm đến tính mạng, theo PGS Thành Nam, với những tên tội phạm đã từng bị xử lý thì cần phải công bố thông tin, truyền thông một cách minh bạch. Qua đó, để mọi người, trong đó có thanh thiếu niên đã tham gia vào diễn đàn thấy hành động thành lập web hướng dẫn tự sát là vi phạm pháp luật.
Đồng thời truyền thông cho phụ huynh biết là đến thời điểm này con cái của họ có nguy cơ bị tổn thương sức khỏe tinh thần rất nhiều. Trước tình trạng hiện nay, trẻ em gặp đầy rủi ro trên cộng đồng mạng, PGS Trần Thành Nam cho rằng nhà trường cần có hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn.
Xung quanh vấn đề này, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) Đặng Hoa Nam cho biết, về mặt pháp luật, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã có văn bản yêu cầu Google - đơn vị chủ quản mạng xã hội video Youtube có hành động cụ thể với các video hướng dẫn tự sát như “Thử thách Momo” nói trên.
Bên cạnh đó, trong các văn bản pháp luật của Việt Nam đều có quy định trách nhiệm của các công ty, những người cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng. Trong đó, họ phải có những công cụ sàng lọc để phát hiện, gỡ bỏ thông tin độc hại ảnh hưởng đến trẻ em. "Về lâu dài, chúng ta phải có biện pháp mạnh mẽ hơn với những DN không thực hiện hoặc thực hiện không triệt để đối với trách nhiệm bảo vệ trẻ em" – ông Nam cho biết.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sự việc vừa qua cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh lơ là trong việc chăm sóc con cái mình. Để ngăn ngừa những nguy cơ xấu với trẻ, phương án khả dĩ nhất hiện tại là cha mẹ buộc phải quản lý những nội dung mà con theo dõi trên Youtube, từ điện thoại, TV, máy tính, máy tính bảng…