Thông tin từ một số công ty du lịch, khi có khách đặt phòng qua Agoda.com và Booking.com… mức phí mà khách sạn phải chi trả cho những trang web này khoảng từ 10 - 25% giá phòng. Các trang mạng này có số lượng đặt phòng ngày càng lớn với doanh thu khủng có thể lên đến cả nghìn tỷ đồng tại Việt Nam.
Với hoạt động kinh doanh này, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các trang kinh doanh đặt phòng trực tuyến của nước ngoài phải nộp thuế GTGT và thuế TNDN là 5% theo tỷ lệ trực tiếp trên doanh thu được hưởng. Ngoài ra, đối tác Việt Nam ký hợp đồng với nhà thầu nước ngoài phải khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài. Nếu khách trả tiền trực tiếp cho cơ sở lưu trú ở Việt Nam, cơ sở lưu trú sẽ phải khai, nộp thuế.
Tuy nhiên, thực tế thu thuế từ những đơn vị kinh doanh tại nước ngoài này không hề đơn giản. Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế cũng phải thừa nhận, loại hình kinh doanh đặt hàng trực tuyến tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ với nhiều “lỗ hổng” về quản lý thuế do luật thuế hiện hành chưa theo kịp với sự phát triển của thị trường. Do vậy, để quản lý thu thuế đối với loại hình kinh doanh này tại Việt Nam đạt được hiệu quả cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế để các bộ, ngành cùng vào cuộc tìm ra các giải pháp tốt nhất để quản lý.
Yêu cầu phải lập văn phòng đại diện tại Việt NamThông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 6/8/2014 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam. Theo đó, khi phát sinh hoạt động đặt phòng trực tuyến, phía khách sạn sẽ phải xuất hóa đơn gồm cả tiền phòng khách sạn và phí hoa hồng môi giới cho các đơn vị kinh doanh đặt phòng trực tuyến. Phía khách sạn phải có trách nhiệm kê khai khấu trừ và nộp thuế nhà thầu cho các đơn vị này. Nếu cả phía khách sạn và đơn vị kinh doanh đặt phòng trực tuyến của nước ngoài tại Việt Nam không thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế thì đây là hành động vi phạm pháp luật về thuế. Tiền thuế đó sẽ bị truy thu và bị phạt đồng thời không được hạch toán vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN của các cơ sở đó.
“Bất cứ một hoạt động kinh doanh nào khi phát sinh lãi đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thuế. Đối với những trang web kinh doanh dịch vụ đặt phòng trực tuyến của nước ngoài như Agoda hay Booking, về nguyên tắc, dù họ không có văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng nếu có phát sinh doanh thu tại Việt Nam thì đương nhiên phải có nghĩa vụ kê khai thuế”- Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh.
Để siết quản lý thuế với các dịch vụ xuyên biên giới này, Tổng cục Thuế đề xuất cơ quan Thuế và Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp nghiên cứu để thực hiện giải pháp về thanh toán: Yêu cầu các dịch vụ này khi thanh toán phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa. Từ đó cơ quan Thuế mới kiểm soát được doanh thu của các dịch vụ này để có cơ sở đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế.
Tổng cục Thuế cũng đề nghị các đơn vị kinh doanh trực tuyến của nước ngoài như Agoda và Booking phải thiết lập đầu mối như mở văn phòng đại diện chính thức của các công ty vận hành mạng nước ngoài tại Việt Nam để phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam trong công tác quản lý.