Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu tiền tỷ từ trang trại tổng hợp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ vùng đất đầy những vũng, hố do các lò gạch thủ công để lại, với ý chí quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Hoàng Văn Liên, thôn 1B, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì đã gây dựng được trang trại tổng hợp cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Năm 1995, anh Liên, một trong những người đầu tiên của xã Đông Mỹ mạnh dạn đứng ra làm kinh tế trang trại. Khi đó, khu Đồng Bình, thôn lB là vùng đất khá hoang tàn bị băm thủng lỗ chỗ bởi "di chứng" của nghề làm gạch thủ công. Nhưng, nhận thấy tiềm năng nuôi trồng thủy sản của địa phương, anh Liên đã đứng ra nhận thầu 4,1ha để làm kinh tế trang trại. Với số tiền 300 triệu đồng tích cóp được và vay vốn ngân hàng, anh thuê máy múc đất, kè ao xây dựng trang trại thủy sản.

Đến năm 2001, xã Đông Mỹ có chủ trương phát triển các mô hình kinh tế trang trại, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi về vốn cho các hộ dân. Nhờ đó, anh Liên có cơ hội vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, bình quân mỗi năm anh đầu tư khoảng 100 triệu đồng để nâng cấp, hoàn thiện và mở rộng trang trại. Hiện tổng diện tích trang trại của anh đạt 4,7ha, trong đó chủ yếu nuôi trồng thủy sản với các giống cá trắm đen, chép lai, mè... Năng suất cá đạt 7 tấn/ha.

Mở rộng mô hình kinh doanh, anh Liên tiến hành quy hoạch diện tích trên bờ xây dựng chuồng trại, nuôi khoảng 80 con lợn, 100 con gà, 300 - 400 con vịt vừa tăng thêm thu nhập, vừa có thức ăn cho cá. Đặc biệt, đã tận dụng khu đất xung quanh trang trại để trồng cây cảnh. Hiện, anh có 500 gốc cây cảnh cả dưới đất và trên chậu, trong đó chủ yếu là sanh, lộc vừng, đa... Nhờ kết hợp nhiều sản phẩm nên hiệu quả kinh tế của trang trại đạt khá cao. Năm 2011, doanh thu của trang trại đạt 1,3 tỷ đồng và ước tính trong năm 2012 đạt 1,5 tỷ đồng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, trang trại này đã tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Còn trong thời vụ thu hoạch, trang trại tạo việc làm cho 10 - 15 lao động với giá công 150.000 - 300.000 đồng/ngày.

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, anh Hoàng Văn Liên vẫn tích cực tìm cho mình hướng đi hiệu quả. Anh cho biết, đang chờ UBND huyện cấp phép để xây dựng một xưởng ép cám cho cá với quy mô 200m2, số tiền đầu tư khoảng 500 triệu đồng, nhằm giúp cho trang trại chủ động nguồn thức ăn, đồng thời giảm được chi phí sản xuất. Những bước đi ấy, hứa hẹn sẽ tạo đột phá trong sản xuất, tăng thu nhập cho mô hình trang trại của anh Liên trong thời gian tới.