70 năm giải phóng Thủ đô

Thụ tinh nhân tạo cho gà Đông Tảo để bảo tồn nguồn giống quý

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Tỉnh Hưng Yên vừa triển khai thành công đề tài "Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà Đông Tảo và Đông Tảo lai".

Nguồn gen quý gà Đông Tảo được bảo tồn nhờ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đây là công nghệ mới mang lại kết quả khả quan, góp phần bảo tồn và phát triển đàn gà Đông Tảo ra đại trà, nâng cao hiệu quả giá trị cho người chăn nuôi.
Đề tài do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên phối hợp với Viện Công nghệ sinh học (Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) triển khai tại 2 xã: Đông Tảo (Khoái Châu) và Yên Hòa (Yên Mỹ).
Do đàn gà Đông Tảo giống gốc sinh sản và nhân giống đạt tỉ lệ thấp nên việc áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo sẽ làm tăng khả năng sinh sản, bảo tồn nguồn gen quý và nâng cao chất lượng giống gà bản địa.
Trong đó, số lượng gà Đông Tảo thuần gần 500 con, gà Đông Tảo lai 450 con được tuyển chọn theo các tiêu chí về tuổi, khối lượng, đặc điểm hình thái, phản xạ của bộ phận sinh dục.
Tiến sĩ Đỗ Văn Thu, viện Công nghệ sinh học cho biết, qua quá trình thực hiện đã xây dựng quy trình kỹ thuật khai thác tinh dịch gà Đông Tảo theo 2 phương pháp: Sử dụng tinh pha loãng và tinh đông lạnh kỹ thuật đơn giản; trong đó, phương pháp sử dụng tinh pha loãng đảm bảo tốt khả năng thụ tinh, tỷ lệ trứng có phôi đạt hơn 90%. Với kỹ thuật sử dụng tinh đông lạnh sẽ bảo tồn nguồn giống thuần chủng trong thời gian dài, tận dụng được những con giống đẹp và phục hồi đàn gà nếu gặp những bất lợi về thiên tai, dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Văn Hiệu và các hộ chăn nuôi gà ở xã Đông Tảo, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bằng các phương pháp hiện đại đang mang lại hiệu quả cao hơn so với việc đàn gà phối giống tự nhiên, giúp hộ chăn nuôi chọn được con giống tốt, tăng nhanh đàn và tăng giá trị trên 30%. Đàn gà con sau khi ấp trứng sinh ra có tỷ lệ đậu đạt 98%, sau 16 tuần gà có tỷ lệ sống đạt 95%; trong khi gà được phối giống tự nhiên chỉ đạt 88%. Hơn nữa, khả năng sinh trưởng của gà con được thụ tinh nhân tạo cũng cao hơn so với gà sinh ra theo cách thụ tinh nhân tạo là hơn 10%.
Ông Nguyễn Đình Tưởng, Trưởng phòng chăn nuôi - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên khẳng định, với phương pháp thụ tinh nhân tạo không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, đã giúp cho người chăn nuôi tự làm chủ được công nghệ, tăng nhanh đàn gà và bảo vệ được nguồn giống thuần chủng.
Từ hiệu quả này, các địa phương ở Hưng Yên sẽ tiếp tục ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trên diện rộng, quy mô lớn hơn để đàn gà Đông Tảo phát triển đạt hiệu quả cao, chất lượng và bền vững.