Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói về 3 yếu tố cốt lõi phát triển sản phẩm OCOP

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ NN&PTNT xác định để phát triển sản phẩm OCOP Việt Nam cần 3 yếu tố. Cụ thể là phát huy thế mạnh địa phương, vấn đề liên kết và thương hiệu sản phẩm.

Chia sẻ tại Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với nông đặc sản và sản phẩm OCOP” tổ chức ngày 22/9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã kể lại câu chuyện năm 2017. Khi đi tham quan Chương trình OCOP tại Nhật Bản về, Bộ NN&PTNT đã tham mưu Chính phủ phát triển chương trình này ở Việt Nam. Tính đến hiện tại, đây là sự tham mưu đúng, mang lại hiệu quả cho nhiều địa phương.

Duy trì chất lượng sản phẩm là then chốt

Khi tới Nhật Bản, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã đi tham quan tổ hợp tác có 60 chị em phụ nữ làm về sản phẩm cơm nắm thịt gà từ 3 sản phẩm tại địa phương: gạo, gà, cây củ cải, để cung cấp cho công nhân nhà máy vùng đó.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP.

“Người chỉ huy là một phụ nữ hơn 60 tuổi bị ung thư, khiến tôi rất ấn tượng và có suy nghĩ sâu sắc về chương trình OCOP này. Hỏi về kinh nghiệm, chị chia sẻ, làng chia ra bao nhiêu hộ trồng lúa, bao nhiêu hộ chỉ nuôi gà và số còn lại chỉ trồng củ cải. Đó chính là câu chuyện năng lực nội sinh của địa phương tạo nên sự phát triển cho sản phẩm OCOP địa phương” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu kinh nghiệm.

Một lần khác, khi đoàn công tác Bộ NN&PTNT thăm một homestay, lại nhìn thấy sự nỗ lực của từng hộ gia đình quảng bá nếp sống nơi mình ở để thu hút khách du lịch. Đồng thời, mỗi gia đình có một bàn trưng bày sản phẩm OCOP trước cửa. Đây là sự liên kết của những người dân địa phương trong phát triển sản phẩm nơi vùng miền mình. 

 

Trong 5 năm vừa qua, Bộ NN&PTNT tập trung phát triển OCOP trong nước, phát triển số lượng, củng cố chất lượng. Mỗi đặc sản địa phương mang đặc trưng khác nhau của từng vùng miền. Để bảo đảm chất lượng của các sản phẩm OCOP, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị, nên có các tổ kiểm tra định kỳ các sản phẩm OCOP, không để trường hợp 1 lần công nhận có hiệu lực 10 năm.

Trở về sau những chuyến đi, Bộ NN&PTNT xác định để phát triển sản phẩm OCOP Việt Nam cần 3 yếu tố. Thứ nhất, phát huy thế mạnh địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Ví dụ về sản phẩm cốc uống bia hơi với đặc trưng riêng là có những bọt li ti ở thành cốc. “Tôi trò chuyện với chủ cơ sở, họ bảo chỉ cần dừng một ngày là Hà Nội xôn xao vì đây là cốc uống bia hơi đặc trưng của Hà Nội. Từ câu chuyện nay, chúng ta có thể hiểu tầm quan trọng của một sản phẩm thế mạnh và phát huy sáng tạo của người dân địa phương” - Thứ trưởng nói.

Thứ hai, vấn đề liên kết sẽ khắc phục được tính nhỏ lẻ, để hình thành vùng sản xuất có sự liên kết giữa các hộ, các cơ sở thành sức mạnh, ứng phó với áp lực cơ chế thị trường. Thứ ba, thương hiệu sản phẩm OCOP ở nông thôn có giá trị lớn mà chưa được nhìn nhận đúng mực. Vấn đề phải đảm bảo được chất lượng của sản phẩm, “đánh mất thương hiệu là đánh mất tất cả”.

“Đặc điểm sản phẩm OCOP khác với sản phẩm khác là ngoài các tiêu chuẩn phải đạt được thì OCOP cần có sự tham gia của đông đủ ban ngành. Khi chấm một sản phẩm OCOP 5 sao, Hội đồng có các Sở NN&PTNT, Công Thương,  KH&CN, TN&MT, Y tế... Hơn nữa, 3 năm sẽ đánh giá lại sản phẩm OCOP một lần để đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Mong sẽ có sản phẩm du lịch OCOP 5 sao

Liên quan đến phát triển du lịch nông thôn, Bộ NN&PTNT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về phát triển du lịch nông thôn. Bộ NN&PTNT cũng đã ký văn bản liên tịch với Bộ VHTT&DL để phát triển chương trình này.

Vấn đề đặt ra là đây đang là xu hướng của thế giới, lợi thế của Việt Nam. Bộ NN&PTNT muốn khai thác lĩnh vực này thành ngành kinh tế du lịch nông thôn và trở thành thương hiệu của Việt Nam, với sự hỗ trợ từ các sản phẩm OCOP.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ tại Diễn đàn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ tại Diễn đàn.

Khi triển khai, Bộ NN&PTNT nhận ra 3 vấn đề từ các mô hình: câu chuyện nếp sống của mỗi hộ gia đình tại địa phương, sản phẩm đặc trưng và câu chuyện văn hóa văn nghệ bảo tồn nét truyền thống. Cả 3 yếu tố này cần gắn với nhau.

Để phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, Thứ trưởng Trần Thanh Nam giao cho Văn phòng điều phối nông thôn mới làm việc với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh thành lập trung tâm tập huấn các lớp phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn.

Từ chia sẻ Việt Nam chưa có mô hình du lịch OCOP 5 sao, qua Diễn đàn tổ chức ngày 22/9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT mong muốn có thể hình thành được 1 bộ hồ sơ đạt chuẩn 5 sao. Thời gian tới, Bộ sẽ sớm xây dựng 1 bộ tài liệu tập huấn cho các địa phương về phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP.

“Trước mắt, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam sẽ dành một nguồn vốn tín dụng cho phát triển sản phẩm du lịch OCOP. Chúng tôi đã ký với Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam và triển khai văn bản đến các địa phương để đưa ra cơ chế hỗ trợ...” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thông tin thêm.