Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ kinh nghiệm chống dịch tả lợn Châu Phi của Pháp

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Chia sẻ về kinh nghiệm chống dịch tả lợn châu Phi của Pháp với báo chí bên hành lang Quốc hội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Nhà nước ra lệnh quây bán kính 40km xung quanh ổ dịch, điều động quân đội, thợ săn, dùng công nghệ tâm nhiệt để “xử lý” toàn bộ lợn và lợn rừng khu vực đường biên giới. Đồng thời, Chính phủ Pháp cũng chi ngay 20 triệu USD để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch.

Chi ngay 20 triệu USD để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch
Chia sẻ về kinh nghiệm chống dịch tả lợn châu Phi của Pháp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kể lại câu chuyện khi làm việc với đoàn Tham tán Thương mại của Pháp. “Họ cũng vừa mới phát hiện lợn bị nhiễm virus dịch tả lợn Châu Phi ở khu vực giáp ranh với biên giới Bỉ. Ngay lập tức, nhà nước ra lệnh quây bán kính 40km xung quanh ổ dịch, điều động quân đội, thợ săn, dùng công nghệ tâm nhiệt để “xử lý” toàn bộ lợn và lợn rừng khu vực đường biên giới. Đồng thời, Chính phủ Pháp cũng chi ngay 20 triệu USD để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch”, ông nói.
 Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Hồ Hạ.
Nhìn lại bối cảnh của Việt Nam, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cho biết: Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành và địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt phòng chống dịch, bao gồm cả đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương.
“Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện chống dịch sau này ở các địa phương vẫn còn những bất cập, tồn tại. Nhất là việc chôn xác lợn không đúng quy định, để xác trong chuồng quá lâu mới đem đi chôn”, Thứ trưởng Tiến nói.
Bên cạnh đó, trong quá trình khi đem lợn chết, ốm bệnh đi chôn thì không có bao gói ni lông, để dịch tiết, máu phân rơi vãi ra đường, và nguy hiểm hơn nữa là một số địa phương để xảy ra tình trạng vứt xác lợn ra sông suối.
Theo kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển, khi lợn thương phẩm được bán ra thị trường thì phải trích phần trăm để nộp vào quỹ dự phòng chăn nuôi. Khi có dịch bệnh xảy ra, nhà nước trích ngay quỹ để hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi tuân thủ rất nghiêm ngặt các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học.
Người dân bán tống, bán tháo lợn ốm
Tại một số địa phương, tiền hỗ trợ lợn tiêu hủy vì dịch tả lợn Châu Phi chưa được chi trả kịp thời (do phụ thuộc vào nguồn ngân sách Trung ương), nên có tình trạng người dân bán tống, bán tháo lợn ốm, bệnh ra thị trường, gây lây lan dịch ra môi trường.
Thứ hai, thú y ở cơ sở nhiều tỉnh thành không đủ lực để kiểm soát, tiêm phòng, vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Chế độ hỗ trợ người tham gia tiêu hủy dịch rất thấp, chỉ 100.000 đồng trong khi thị trường lao động bình quân từ 250.000 - 200.000 đồng/ngày.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ngành chăn nuôi lợn của nước ta có quy mô 28 triệu con, tương đương 3,8 triệu tấn thịt lợn, chiếm 72% tổng sản lượng thịt của cả nước. Nếu không sớm ngăn chặn dịch bệnh, tới đây giá thịt lợn sẽ tăng rất cao, vì nguồn cung không còn nữa.
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Tài chính bàn với các bộ, ngành, địa phương để tìm phương án hỗ trợ hoặc nguồn kinh phí để đảm bảo kịp thời chống dịch.
Thứ trưởng cho hay: “Để giữ được đàn giống gốc cụ kỵ, ông bà, sắp tới đây, khi có điều kiện phát triển sản xuất, Bộ sẽ triệu tập một cuộc họp để đề nghị nâng cấp an toàn sinh học của các cơ sở chăn nuôi đàn giống gốc”.
Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo phải sắp xếp lại các cơ sở giết mổ. Nếu cơ sở giết mổ nào đảm bảo an toàn thú y, an toàn thực phẩm thì được phép thu mua lợn ở các cơ sở nếu kết quả phân tích âm tính với dịch tả lợn Châu Phi, kể cả trong vùng dịch. Sau khi giết mổ xong, phải test lại lần nữa, nếu âm tính với dịch tả lợn Châu Phi thì có thể lưu thông và bán ra thị trường cả trong và ngoài vùng dịch.
Đồng thời, Chính phủ cũng giao Bộ Công thương xây dựng cơ chế hỗ trợ để huy động các doanh nghiệp đầu tư kho trữ đông thịt lợn để có thể bình ổn giá vào các tháng cuối năm.
Đối với các trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ dịch tả lợn Châu Phi như ở Hải Dương, sáng 22/5, Bộ NN&PTNT đã phát văn bản để chấn chỉnh, không để thực trạng trên tái diễn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần