Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tục cấp phép xây dựng: Vẫn còn nhiều bất cập

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 43 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó, có nội dung cải cách hành chính về thủ tục thẩm định cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, theo đánh giá của những nhà chuyên môn, nội dung này vẫn còn nhiều điểm bất cập.

Công tác thẩm định thiết kế cơ sở nên giao cho đơn vị xã hội hóa. Ảnh: Doãn Thành
Thủ tục rườm rà
Ông Nguyễn Hải Linh - Giám đốc Công ty Cơ khí và xây dựng Hải Linh (Mê Linh, Hà Nội) cho biết, năm 2015 công ty có kế hoạch xây dựng một khu nhà trưng bày sản phẩm kết hợp với văn phòng làm việc cho cán bộ, nhân viên. Thế nhưng, khi làm hồ sơ xin cấp Giấy phép xây dựng, đơn vị này phải trải qua đầy đủ các trình tự, như: Thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, thẩm định xây dựng, rồi mới ra được Giấy phép xây dựng. “Từ khi làm hồ sơ xin Giấy phép xây dựng đến khi bắt tay vào thi công mất tổng thời gian hơn 4 năm. Quãng thời gian này không những tiêu tốn về công sức, mà còn cả về tài chính của DN” – ông Linh chia sẻ.
Thời gian qua, chủ đầu tư các dự án, đặc biệt là các dự án nhà ở thương mại đã phải chịu những chi phí rất lớn, liên quan đến thủ tục cấp Giấy phép xây dựng, ngay cả khi chưa có doanh thu. Công tác cải cách thủ tục hành chính liên quan đến vấn đề này cần phải được quan tâm, sửa đổi chi tiết, giảm chi phí cho DN để người dân cũng được giảm giá thành khi mua - sử dụng sản phẩm của DN đó.
Luật sư Nguyễn Hồng Thơm – Hội Luật gia Việt Nam
Không chỉ đối với những dự án lớn, việc cấp phép xây dựng đối với công trình nhà ở riêng lẻ tại các phường và một số quận cũng cho thấy còn nhiều bất cập, nhiêu khê. Tại Hà Nội, Bộ phận một cửa tại các quận đều công khai thành phần hồ sơ xin cấp phép xây dựng như: Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng, giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất, bản vẽ thiết kế gồm bản vẽ mặt bằng vị trí công trình trên lô đất, sơ đồ vị trí công trình, bản vẽ các mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt…; quy định đối với công trình có quy mô từ ba tầng trở lên; quy định công trình cao từ bảy tầng trở lên… Theo phản ánh, việc hoàn thiện đầy đủ những thành phần hồ sơ như quy định là rất khó khăn. Phần lớn hồ sơ do người dân tự chuẩn bị nên đều bị cán bộ chuyên môn yêu cầu phải sửa chữa, bổ sung nhiều lần.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, Luật Xây dựng 2014 đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, phát triển thị trường bất động sản, chất lượng phát triển đô thị và các công trình xây dựng, nhà ở. Nhưng sau hơn 5 năm thực hiện, đã bộc lộ những mặt khiếm khuyết, một số chế định không còn phù hợp. Cụ thể, quy trình cấp giấy phép xây dựng lẽ ra phải bao gồm trong đó cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật. Nhưng, theo pháp luật xây dựng hiện nay thì lại tách thành 3 quy trình: Quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, Quy trình thẩm định thiết kế kỹ thuật và Quy trình cấp Giấy phép xây dựng.
Đơn cử, tất cả các công trình cấp I (từ 25 tầng hoặc trên 75m) trong toàn quốc đều phải được Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật. Bất hợp lý là sau khi đã qua được hai lượt thẩm định nhưng chủ đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ về Sở Xây dựng để xin cấp Giấy phép xây dựng (không được miễn Giấy phép xây dựng). Quy trình thủ tục hành chính này không hợp lý, tốn rất nhiều thời gian, công sức của DN.
“Quy trình cấp Giấy phép xây dựng cần phải được tích hợp đồng thời với công tác thẩm định thiết kế cơ sở. Phân cấp và giao quyền cho cơ quan chuyên môn về xây dựng (Sở Xây dựng) thẩm định thiết kế cơ sở và cấp Giấy phép xây dựng các công trình trên địa bàn, trừ công trình cấp đặc biệt, công trình theo tuyến hoặc công trình có liên quan đến hai tỉnh, công trình có ảnh hưởng đến an toàn, lợi ích cộng đồng” – ông Châu nhìn nhận.
Xã hội hóa thẩm định thiết kế cơ sở
Theo KTS Lê Hồng Hiếu – Hội KTS Việt Nam: “Nhiều dự án đã có quyết định công nhận chủ đầu tư, có quỹ đất sạch, được thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; đã được cấp Giấy phép xây dựng (hoặc miễn Giấy phép xây dựng) và hội đủ điều kiện khởi công công trình theo quy định tại Khoản 1 Điều 107 Luật Xây dựng nhưng các chủ đầu tư lại không được khởi công xây dựng mà phải chờ Quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất...” – ông Hiếu cho hay.

Thủ tục liên quan đến cấp phép xây dựng gây nhiều khó khăn cho người dân, đặc biệt là các dự án phải mất ít nhất 5 – 7 năm thì mới có thể đưa được sản phẩm ra thị trường. Với hàng loạt các thủ tục, như: Quyết định chủ trương đầu tư; Phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Quyết định chấp thuận đầu tư, công nhận chủ đầu tư; Quyết định thu hồi đất, giao đất dự án cho chủ đầu tư; Quyết định tiền sử dụng đất; Thẩm định thiết kế cơ sở - thiết kế kỹ thuật - Giấy phép xây dựng; Thực hiện quy trình xác định giá đất - thẩm định giá đất; Quyết định tiền sử dụng đất dự án; Nộp tiền sử dụng đất để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

KTS Lê Hồng Hiếu – Hội KTS Việt Nam

Tại kỳ họp thứ 43 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Xây dựng 2014 đã được đưa ra để cho ý kiến. Theo đó, có nhiều điểm mới liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính, đối với quy trình thẩm định cấp Giấy phép xây dựng. Cụ thể: Đối với các công trình nhà ở riêng lẻ, sẽ tích hợp hai thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng. Tất cả các công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng, triển khai sau thiết kế cơ sở thì được miễn Giấy phép xây dựng.
Đối với công trình thuộc đối tượng phải thực hiện cả hai thủ tục thẩm định thiết kế, triển khai sau thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng theo Luật hiện hành, sẽ tích hợp một số nội dung thẩm định thiết kế xây dựng. Đồng thời trong bước cấp phép xây dựng làm giảm tổng thời gian thẩm định, cấp phép xây dựng công trình.
Trao đổi về vấn đề này, KTS Lê Hồng Hiếu – Hội KTS Việt Nam cho biết, những cải cách trong Dự luật mới đã giải quyết được vấn đề liên quan đến các công trình riêng lẻ; còn đối với các dự án thì vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy, cần phải tiếp tục sửa đổi các thủ tục liên quan đến công trình dự án, trong đó chú tâm vào việc xã hội hóa một số quy trình thẩm định.
“Theo tôi, Bộ Xây dựng chỉ nên chịu trách nhiệm về việc ban hành Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế và thực hiện công tác hậu kiểm và chỉ thẩm định thiết kế cơ sở đối với công trình có ảnh hưởng đến an toàn của cộng đồng. Còn công tác thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án khác thì nên xã hội hóa” – ông Hiếu nhìn nhận.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, Nhà nước chỉ nên thẩm định thiết kế cơ sở đối với các dự án công, dự án có sử dụng vốn Nhà nước ngoài ngân sách hoặc dự án PPP có vốn đầu tư lớn. “Đối với các dự án tư, Nhà nước chỉ nên quản lý, kiểm soát để bảo đảm sự phù hợp với quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng, thiết kế, an toàn, bảo hiểm. Chủ đầu tư dự án tư phải tự chịu trách nhiệm về các nội dung cụ thể của dự án” – ông Châu nói.