Kinhtedothi - Dù Luật Doanh nghiệp (DN) 2014 đến 1/7/2015 mới có hiệu lực thi hành, nhưng ngay từ 1/1/2015, Hà Nội là địa phương đầu tiên đã thực hiện quy định rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thành lập mới DN từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN trong quá trình đăng ký kinh doanh (ĐKKD), sớm hoàn thiện thủ tục gia nhập thị trường.
Tuy nhiên, các DN cho rằng, thủ tục cũng như quy trình thực hiện ĐKKD vẫn đang còn những bất cập cần hoàn thiện trong thời gian tới.
Đa số DN đều mong muốn bộ phận cấp ĐKKD tiếp tục cải cách hành chính để tạo thuận lợi hơn cho DN. Điều này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như là một trong những chỉ số để nâng hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho Hà Nội. Báo Kinh tế & Đô thị gửi tới độc giả một số kiến nghị, đóng góp của các DN và chuyên gia kinh tế liên quan đến vấn đề này.
TS Nghiêm Xuân Đạt – Nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội: Tiếp tục cải thiện quá trình ĐKKD Ở các nước, việc cấp Chứng nhận ĐKKD đều được quan tâm với thủ tục nhanh nhất để DN sớm đi vào hoạt động, đồng thời vẫn bảo đảm hiệu quả quản lý. Tại Hà Nội, quy trình thành lập DN theo Luật DN được giảm thiểu rất nhiều, bởi DN phải chịu trách nhiệm kê khai tài chính, còn cơ quan làm đăng ký công nhận. Các DN kêu thủ tục phức tạp đa số là hoạt động kinh tế nhỏ lẻ thuộc thành phần phi chính thức chưa hiểu về quy trình, nên thường mất thời gian do phải sửa đi sửa lại. Hiện việc cấp chứng nhận ĐKKD đã phù hợp và theo thông lệ quốc tế, nhờ áp dụng CNTT trong việc ĐKKD qua mạng đã giúp cho DN đỡ tốn thời gian và chi phí đi lại chỉ 2 - 3 ngày là xong. Tuy nhiên, các phòng ĐKKD cần phân loại để biết được DN cần gì thì hướng dẫn cách làm thủ tục đầy đủ hơn, giới thiệu công khai trên nhiều kênh thông tin cho DN nắm bắt... Bản thân DN cũng mở mạng hoặc gọi điện, email hoặc thông qua Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa của Sở KH&ĐT để được hỗ trợ tư vấn miễn phí. Ngoài ra, các công ty tư vấn thành lập DN nên có quy định chặt chẽ và áp mức phí dịch vụ phù hợp, tránh lợi dụng để trục lợi, không làm khó cho DN... Việc phối hợp giữa bộ phận ĐKKD với bên công an cần khắc phục, như có thể để DN tự đi khắc dấu và cơ quan công an kiểm tra. Nên mở thêm các cơ sở khắc dấu và có quy định quản lý cũng như công khai để DN lựa chọn. Điều này sẽ tạo sự cạnh tranh và giá cả hợp lý, tránh được tiêu cực. |
Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Công ty Tư vấn Đông Đô: Công khai thông tin trên mạng Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN khi ĐKKD, tôi có một số đề xuất: Thứ nhất, đề nghị nghiên cứu để thống nhất lại một văn bản gọi là cẩm nang khi ĐKKD đang được lưu hành phổ biến tại các phòng ĐKKD, trong đó liệt kê cụ thể những ngành nghề nào cấm kinh doanh, ngành nghề nào kinh doanh có điều kiện, điều kiện đó là gì, và điều kiện đó cần đáp ứng trước hay sau ĐKKD và hướng dẫn cách tra cứu, lựa chọn ngành nghề cho DN theo tiêu chí nào được chấp nhận. Và cẩm nang này cần được công khai trên trang tin của Sở KH&ĐT, niêm yết công khai tại phòng ĐKKD để khi đi đăng ký người dân chỉ cần nhìn vào đó là có thể lựa chọn chính xác ngay lần đầu thiết lập hồ sơ ĐKKD. Thứ hai, trường hợp nhiều lần bị ra thông báo thay đổi hồ sơ, bộ phận cấp ĐKKD cần bố trí để người dân, DN gặp cán bộ phụ trách trao đổi, tháo gỡ nhằm xử lý công việc hiệu quả nhất. Thứ ba, với chức năng, nhiệm vụ của bộ phận một cửa là tiếp nhận, và trả kết quả thủ tục hành chính ĐKKD, đề nghị làm rõ việc một cửa có quyền hạn, nhiệm vụ xem xét, yêu cầu sửa đổi nội dung ĐKKD hay không? Hay chỉ có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ ĐKKD theo đầu hồ sơ đã liệt kê theo quy định pháp luật? Và trong trường hợp chuyên viên tại bộ phận một cửa vẫn cố tình yêu cầu DN sửa nội dung hồ sơ không đúng, thì nên xử lý như thế nào? Nơi nào để DN có thể phản ánh nhanh chóng, hiệu quả nhất? Và hình thức phản ánh là gì? |
Luật sư Ngô Thị Thanh Xuân - Công ty Tư vấn Thiền Bình Luật: Thông báo còn chung chung Khiếm khuyết của hệ thống ngành nghề kinh tế quốc dân không đầy đủ và cụ thể, trong khi đó lĩnh vực hoạt động của DN lại rất phong phú đang gây rất nhiều khó khăn cho DN khi tiến hành ĐKKD. Chuyên viên thụ lý hồ sơ cần tham khảo các chuyên viên khác trong lĩnh vực ngành nghề có điều kiện và có thái độ tiếp thu khi làm việc. Sở cũng cần chấn chỉnh tác phong làm việc của một số cán bộ, chuyên viên trong việc tiếp nhận và trả kết quả, nhất là việc một số nhân viên bảo vệ tại bộ phận một cửa chưa tôn trọng khách hàng… Điều này rất cần phải thay đổi. Việc thông báo sửa hồ sơ còn chung chung và có nhiều thông báo bất hợp lý, gây khó cho DN. Ngoài ra, nên hợp nhất số ĐKKD và mã số thuế để rút ngắn thời gian cho DN. |
Luật sư Nguyễn Thị Tuyển - Công ty TNHH Tư vấn Hoàng Gia Việt Nam: Tăng thời gian làm việc của bộ phận một cửa Hiện thời gian làm việc tại bộ phận một cửa rất ngắn, 10 giờ sáng hết giờ bấm số, chiều là 3 giờ, rất bất hợp lý cho DN khi tiến hành các thủ tục hành chính. Đề nghị Sở có những điều chỉnh khớp giờ với các cơ quan hành chính khác để phục vụ DN. Thời gian nhận hồ sơ buổi chiều nên tăng từ 1 giờ 30 phút – 3 giờ 30 phút để đảm bảo quyền lợi hơn cho DN. Tôi kiến nghị Sở có giải pháp để DN có cơ hội trao đổi trong chuyên môn, nghiệp vụ với chuyên viên về những nội dung trong hồ sơ nhằm giải quyết ĐKKD thuận lợi đảm bảo quyền lợi cho DN cũng như nâng cao chất lượng quản lý hồ sơ. Tôi cho rằng, hiện việc liên thông trong giải quyết thủ tục ĐKKD giữa Công an và Sở KH&ĐT không khớp, nhất là trong việc cấp dấu khiến rất nhiều DN bị chậm. Do đó, nên tạo điều kiện để DN được tự do lựa chọn cơ sở khắc dấu vì thực tế hiện nay đang xảy ra tình trạng nhiều cơ sở khắc dấu tự đưa ra mức giá bất hợp lý. |
Chuyên gia Kinh tế Phạm Ngọc Long – Viện trưởng Viện Khoa học quản trị DN nhỏ và vừa: Không làm lỡ cơ hội kinh doanh Luật DN mới có nhiều đổi mới tiến bộ trong cải thiện môi trường kinh doanh. Việc ĐKKD nhanh chóng, thuận tiện, không tạo tốn phí phi chính thức, giúp DN dễ dàng gia nhập thị trường, không làm lỡ thời cơ kinh doanh của họ. Theo đó, năng lực cạnh tranh DN Việt Nam tăng lên và mới đủ sức đối mặt mọi thách thức hội nhập hiện nay. Luật mới theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, đơn giản hóa tối đa, tạo điều kiện cho mọi DN nhanh chóng nhận ĐKKD hay Giấy phép đầu tư... Trong khi đó tăng cường khâu "hậu kiểm". Đây là việc làm phù hợp với thông lệ quốc tế, đòi hỏi hệ thống công quyền phải đổi mới, cấu trúc lại mới đáp ứng được yêu cầu phục vụ DN, trong đó có việc cấp ĐKKD. Để làm tốt công tác này, có 3 yếu tố cộng đồng DN mong đợi, một là, mô hình dịch vụ công "một cửa liên thông" phải làm thực chất dựa trên cơ sở đồng bộ hóa các điều kiện thực thi kèm theo và kiên quyết thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo đúng chủ trương của Chính phủ. Hai là, nâng cao chất lượng dịch vụ công gắn với chấn chỉnh, tinh giản, kiện toàn hiệu quả bộ máy công quyền thực sự chung sức, đồng lòng phục vụ DN. Ba là, tiếp tục dỡ bỏ mọi rào cản thể chế, hoàn thiện khung pháp lý DN theo đúng tinh thần Hiến pháp quy định, DN được kinh doanh những gì pháp luật không cấm, rút gọn và giảm thiểu các điều kiện, thủ tục về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Làm được như vậy sẽ khắc phục được tình trạng "một cửa liên thông nhiều ngách" hay các cấp cơ sở thực thi thường đẻ thêm "giấy phép con hoặc điều kiện bổ sung", gây nhiều khó khăn cho DN. Tôi muốn nhấn mạnh thêm, DN cũng phải điều chỉnh để nâng cao năng lực cạnh tranh, tính tuân thủ, tạo điều kiện dễ dàng cho việc "hậu kiểm" của các cơ quan quản lý. Ở nhiều nước phát triển, chỉ cần không quá 2 USD và bằng động tác nhấp chuột máy tính là sẽ nhận đúng hạn Giấy ĐKKD, ngoại trừ phải kê khai lại thì mất thêm thời gian cũng không nhiều. Vấn đề còn lại chỉ là các DN làm gì với Giấy ĐKKD đó mà thôi? |