Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tục hải quan vẫn để nhiều doanh nghiệp than bị làm khó

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù Chính phủ đã rất nỗ lực với những cơ chế, chính sách được ban hành tạo thuận lợi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng thực tế còn rất nhiều rào cản, vướng mắc, trong đó có thủ tục hải quan vẫn đang làm khó doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế.

Tại Hội thảo "Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng - Thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại tại Việt Nam" do Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) và Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức chiều ngày 4/4, các chuyên gia, doanh nghiệp đều có chung nhận định, việc tồn tại quá nhiều văn bản pháp luật, thậm chí văn bản chồng chéo nhau đã gây khó khăn rất lớn cho hoạt động doanh nghiệp.

Doanh nghiệp gặp nhiều ách tắc

Theo ông Đào Huy Giám - Tổng Thư ký VPSF, hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu là một mảng chuyên môn đa ngành, phức tạp, đòi hỏi khả năng thực thi tinh xảo, sự phối hợp hài hòa và trôi chảy của nhiều cơ quan quản lý, cần được trang bị công nghệ tinh vi, sự phối hợp giữa các cơ quan quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, ở lĩnh vực này, nhiều cơ quan quản lý đang lúng túng, doanh nghiệp gặp nhiều ách tắc, hiệu quả kinh doanh bị hạn chế.

 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên

Theo thông tin từ Ngân hàng Thế giới mới đây, phần liên quan đến thủ tục hải quan đã giảm còn 20%. Do đó, trách nhiệm các Bộ ngành trong phối hợp với cơ quan thực thi hải quan tại cửa khẩu là rất quan trọng để tiếp tục giảm con số này. Về vấn đề này, ông Ngô Minh Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) thông tin, trong các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của DN thì ngành hải quan chịu trách nhiệm 28%. Hiện văn bản quy phạm pháp luật về hải quan rất nhiều, phạm vi điều chỉnh rộng, tính đến ngày 30/11/2016, có 362 văn bản nhưng đến giờ lại có xu hướng tăng lên và đầu tháng 4 này, Tổng cục sẽ rà soát lại toàn bộ các văn bản.

“Có rất nhiều bất cập liên quan đến hoạt động kiểm tra hải quan như: Máy móc, thiết bị thiếu nên ko kiểm tra chuyên ngành được ngay ở cửa khẩu. Hiện chỉ có ngành kiểm dịch thực vật, y tế, công an, biên phòng thường phối hợp với hải quan, còn hầu hết việc kiểm tra chất lượng hàng hóa thì phải chuyển vào nội địa để kiểm tra nên tốn nhiều thời gian” - ông Ngô Minh Hải nhấn mạnh. Đồng thời thẳng thắn chỉ ra, có mặt hàng chịu quản lý của nhiều Bộ, ngay trong 1 Bộ lại chịu sự quản lý của 2 - 3 đơn vị khác nhau. Do đó, ông Hải khẳng định, việc thay đổi phương pháp kiểm tra, chuyển kiểm tra ở khâu thông quan sang khâu hậu thông quan, để DN tự khai báo và chịu trách nhiệm... chính là những giải pháp phải thực hiện để giảm phiền hà cho DN.

7 ngày mới xin giấy phép

Đại diện các DN cũng nêu lên những khó khăn khi thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa. Ông Hoàng Việt Hà - Giám đốc điều hành Công ty CP FPT nêu thực tế, khi DN có nhu cầu nhập khẩu thiết bị điện tử, đến hải quan phải chờ 7 ngày mới xin giấy phép. Ông Hà dẫn chứng, nếu một năm chúng tôi nhập 1.000 đơn hàng thì phải xin 1.000 giấy phép. Mỗi DN nhập khẩu lại phải xin giấy phép hợp chuẩn Việt Nam dù hãng sản xuất sản phẩm đó đã hợp chuẩn rồi, chưa kể chi phí không hề nhỏ.

Trong khi đó, ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, nếu DN nhập khẩu thức ăn chăn nuôi thì sẽ phải liên quan đến 2 đầu mối, nếu thức ăn cho cá thì đăng ký với Tổng cục Thủy sản, thức ăn cho gia súc thì đăng ký với Cục Thú y. Do đó, ông Thành đề nghị nhóm lại thành một cửa theo đúng tinh thần cải cách thủ tục hành chính, cần quản lý thông quan theo nguyên tắc quản lý rủi ro. “Thực tế, có DN đã nhập một mặt hàng trong hàng chục năm từ các thị trường như Nhật hay châu Âu… dù không gặp bất kỳ vấn đề gì nhưng DN vẫn phải làm đủ các thủ tục gây tốn thời gian cho DN” – ông Thành nói.

Đồng tình với điều này, ông Ngô Minh Hải cho biết, Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu thu hẹp danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu. Chẳng hạn kiểm tra 1.000 lô hàng chỉ phát hiện được một lô vi phạm hoặc không phát hiện thì phải xem lại có cần thiết duy trì thủ tục kiểm tra chuyên ngành nữa hay không. Tổng cục Hải quan sẽ quản lý theo phương pháp quản trị rủi ro kết hợp giám sát trong quá trình lưu thông hàng hóa.     

Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến

Trước những ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, TS Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, Việt Nam hiện xếp thứ 82/190 quốc gia về chỉ số môi trường kinh doanh. Mục tiêu năm 2017 là nâng hạng 70 và năm 2020 là hạng 60. Về chỉ số Năng lực cạnh tranh, Việt Nam đứng thứ 60/138 quốc gia được xếp hạng, trong ASEAN chỉ đứng trên Lào và Campuchia; mục tiêu 2017 - 2020 là xếp thứ 36.

Để thực hiện được mục tiêu này, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và các hiệp hội cần chủ động phát hiện những bất cập về thủ tục hành chính để kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành, giám sát hoạt động của các bộ ngành để theo dõi tình hình cải cách. “Chỉ 1 ngày sau khi Văn phòng Chính phủ công bố cổng thông tin điện tử của Chính phủ tiếp nhận ý kiến người dân (ở địa chỉ nguoidan.chinhphu.vn), đã có 500 ý kiến của người dân được gửi về liên hoan đến những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính. Những ý kiến này sẽ được Chính phủ nắm bắt và chuyển đến các bộ ngành trả lời” – ông Ngô Hải Phan khẳng định. Đổng thời nhấn mạnh, tất cả những việc làm đó cho thấy Chính phủ đang rất lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh.