Do vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu ban hành nghị định về xử lý vi phạm hành chính, trong đó quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với trường hợp không thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp gặp khóTrưởng ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn thông tin, thời gian vừa qua, VCCI đã lấy ý kiến đánh giá từ cộng đồng DN 13 TTHC liên ngành trong lĩnh vực xây dựng.
|
Nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc về thủ tục liên quan đến cấp phép, thanh tra đất đai. Ảnh: Doãn Thành |
Cụ thể gồm: Quyết định chủ trương đầu tư; thủ tục đất đai, GPMB; thủ tục quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; thẩm định phòng cháy, chữa cháy (PCCC); thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; thẩm định thiết kế cơ sở; kết nối cấp điện, cấp thoát nước; thanh tra, kiểm tra về xây dựng; đăng ký giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng...
Trong số khoảng 2.100 DN được hỏi ý kiến, số lượng gặp vướng mắc vẫn ở mức cao. Cụ thể, về thẩm duyệt và kiểm tra, thanh tra PCCC, tỷ lệ gặp trở ngại là 38,3% và 34%. 38,2% DN chưa hài lòng với hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động xây dựng của các cơ quan quản lý Nhà nước. Có tới 58% DN vốn FDI và 68% DN dân doanh trong nước phải ít nhất 3 lần đến cơ quan Nhà nước để hoàn tất việc xin cấp phép xây dựng. Thời gian trung bình giải quyết thủ tục cấp giấy pháp xây dựng cho DN khoảng 25 ngày, tối đa 30 ngày kể từ khi hồ sơ hợp lệ, thì khoảng 15,5% DN cho biết nhận được giấy phép xây dựng muộn sau thời hạn này và 10,3% DN phải chờ đợi lâu hơn 2 tháng.
“Số lượng DN gặp khó khăn về thủ tục đất đai, GPMB và thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị ở mức cao nhất lần lượt là 58,4% và 52,2%. Trong khi đó, DN cảm thấy dễ dàng hơn khi được trực tiếp làm việc với nhau, đó là thực hiện những thủ tục cấp thoát nước, cấp điện (làm việc với công ty cấp nước và công ty điện lực). Tỷ lệ DN gặp khó khăn khi tiến hành 2 thủ tục này lần lượt là 23,6% và 27,9%” – ông Đậu Anh Tuấn cho hay.
Xử lý cán bộ làm sai quy địnhThứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tích cực trong công tác cải cách, đơn giản hóa TTHC, đổi mới điều kiện đầu tư kinh doanh. Cắt giảm, đơn giản hóa 157/254 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành xây dựng (đạt 62%), qua đó cắt giảm chi phí cho DN, người dân.
“Năm 2019, với nỗ lực trong công tác đơn giản hóa TTHC, điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Xây dựng, chỉ số cấp phép xây dựng tiếp tục được cải thiện và là chỉ số xếp hạng cao nhất trong 10 chỉ số môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là những chỉ số đánh giá của quốc tế về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết.
Cùng với khó khăn liên quan đến thủ tục cấp phép, trình tự quy trình thanh tra, kiểm tra cũng tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Bà Hồ Thị Thu An - Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho biết, hiện nay, việc thực hiện quy định pháp luật trong hoạt động thanh tra gặp một số vướng mắc, như: Quy định về xây dựng định hướng chương trình kế hoạch thanh tra hàng năm, thời hạn, hình thức thanh tra. Trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra hành chính, chuyên ngành. Các quyền trong hoạt động thanh tra, hoạt động giám sát đoàn thanh tra...
Hiện nay, pháp luật thanh tra chưa có quy định chế tài xử lý khi đối tượng thanh tra không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đầy đủ theo quy định pháp luật nên yêu cầu đối tượng thanh tra thực hiện nghĩa vụ còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần phải có quy định cụ thể về định hướng, chương trình, kế hoạch thanh tra; thời hạn, hình thức thanh tra; trình tự, thủ tục, thời hạn tiến hành thanh tra; thực hiện các quyền trong hoạt động thanh tra... “Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu ban hành nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra, trong đó quy định cụ thể chế tài xử lý đối với đối tượng thanh tra không thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về thanh tra” - bà Hồ Thị Thu An nhìn nhận.
Đồng quan điểm, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, một số cán bộ giải quyết, tiếp nhận hồ sơ trong lĩnh vực xây dựng còn gây phiền hà cho DN. Vẫn còn tỷ lệ đáng kể DN phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện các TTHC trong lĩnh vực này.
“VCCI kiến nghị tiếp tục thực hiện quyết liệt hoạt động rà soát hệ thống pháp luật về xây dựng và lĩnh vực liên quan. Lồng ghép, tích hợp nhóm thủ tục tương tự về quy trình hoặc biểu mẫu hồ sơ, đơn giản hóa giấy tờ, mẫu biểu để giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để giải quyết đồng thời TTHC, tăng tính minh bạch, liêm chính trong công tác tiếp nhận và xử lý hồ sơ” – ông Đậu Anh Tuấn cho biết thêm.
Theo thống kê từ Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử Bộ Xây dựng, số TTHC về hoạt động xây dựng của bộ là 10 nhóm thủ tục, chia làm 22 thủ tục nhỏ, trong đó có 9 thủ tục liên quan đến triển khai dự án đầu tư xây dựng. Đến nay, nhiều tỉnh, thành cũng đã ban hành danh mục TTHC thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Sở Xây dựng và UBND cấp huyện.
"BĐS là ngành nghề chịu sự điều chỉnh của nhiều luật và những tiêu chuẩn, quy chuẩn nhất. Có tới trên 20 luật và khoảng 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến lĩnh vực xây dựng – BĐS. Trong khi đó, rất nhiều quy định trùng lặp, chồng chéo gây khó khăn cho DN từ khâu xin phép chủ trương nghiên cứu, lập quy hoạch cho đến khâu vận hành, khai thác. Để giúp DN phát triển một cách ổn định, thị trường lành mạnh, công bằng cần phải có sự điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế." - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam |