Trả lời: Tại Điều 26, Nghị định 61/2009 ngày 24/7/2009 và điểm 9 điều 2 Nghị định 135/2013 ngày 18/10/2013 của Chính phủ quy định: Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; việc ghi nhận phải khách quan, trung thực. Việc lập vi bằng phải do chính Thừa phát lại thực hiện. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại có thể giúp Thừa phát lại thực hiện việc lập vi bằng, nhưng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm về vi bằng do mình thực hiện. Vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; việc ghi nhận phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng. Vi bằng lập thành 03 bản chính: 01 bản giao người yêu cầu; 01 bản đăng ký và lưu giữ tại Sở Tư pháp tỉnh, 01 bản lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về chế độ lưu trữ đối với văn bản công chứng. Vi bằng là một tài liệu bằng văn bản (giống như biên bản). Kèm theo vi bằng có thể có hình ảnh, video, âm thanh. Trong tài liệu đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Vi bằng sẽ là bằng chứng vững chắc bảo vệ bạn nhằm phòng tránh những rủi ro pháp lý. Nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng thì tài liệu này có giá trị chứng cứ trước Tòa. Trong trường hợp không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng Thừa phát lại. Sở tư pháp có quyền từ chối đăng ký nếu phát hiện thấy việc lập vi bằng không đúng thẩm quyền, không thuộc phạm vi lập vi bằng theo quy định tại Điều 25 của Nghị định này; vi bằng không được gửi đúng thời hạn để đăng ký theo quy định tại khoản 4 Điều 26 của Nghị định này. Việc từ chối phải được thông báo ngay bằng văn bản cho văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu lập vi bằng trong đó nêu rõ lý do từ chối đăng ký. Vi bằng được coi là hợp lệ khi được đăng ký tại sở tư pháp.