KTĐT - Theo bà Hoàng Kim Ngọc, thủ tục đang có khả năng làm chương trình “chạy” không nhanh được như mong muốn. Điều này thể hiện trong tiến độ giải ngân cho người nghèo, cũng như cho doanh nghiệp đưa người đi lao động. Nó cũng thể hiện ngay tại các địa phương, khi doanh nghiệp còn chưa được tạo điều kiện để tiếp xúc với người lao động.
Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg về Chương trình đẩy mạnh xuất khẩu lao động cho 62 huyện nghèo ở 6 tỉnh Thanh Hóa, Yên Bái, Quảng Ngãi, Phú Thọ và Quảng Trị là nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, cho dù phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý đã cố gắng, nhưng chương trình vẫn chậm tiến độ do... thủ tục.
Người đã đi, tiền chưa thấy
Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý lao động ngoài nước, đến nay đã có khoảng 1.500 lao động huyện nghèo thuộc 6 tỉnh đăng ký đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 1.200 lao động tham gia sơ tuyển. Sau khi sơ tuyển, các doanh nghiệp đã phối hợp với địa phương tổ chức đào tạo nghề, ngoại ngữ cho số lao động này.
Bà Hoàng Kim Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động,Thương binh & Xã hội ,cho biết việc lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình được thực hiện công khai.
Ngoài kinh nghiệm, doanh nghiệp cần có năng lực tài chính và có cam kết hỗ trợ về tài chính cho người lao động thuộc đề án, cơ sở đào tạo và nhất là hợp đồng cung ứng lao động phù hợp với khả năng và trình độ của người lao động thuộc huyện nghèo, có mức thu nhập và điều kiện khá, ở những thị trường và lĩnh vực ít có khả năng xảy ra rủi ro đối với người lao động, bà Ngọc cho biết.
Về con số 300 người đã được đưa đi lao động ở nước ngoài trong 4 tháng vừa qua theo Chương trình, bà Ngọc phân tích: với một chương trình mới, địa bàn triển khai lại khó khăn, kết quả bước đầu có thể cho là đã thành công.
Mặc dù vậy, bà Ngọc tiết lộ: tới nay số tiền chi cho việc tuyển chọn, đào tạo, đưa người đi vẫn do doanh nghiệp tự lo. Nhà nước vẫn chưa chi đồng nào.
Bà Ngọc cũng cho biết doanh nghiệp đã đành, ngay cả người lao động cũng không vay được tiền khi đã xong đào tạo để chuẩn bị xuất ngoại. Và điều này, đương nhiên làm chậm lại quá trình đẩy mạnh xuất khẩu lao động.
Vốn đã nghèo, việc không được vay vốn với lãi suất ưu đãi sẽ khiến “cửa ra” của người nghèo tại 62 huyện nghèo gần như đóng sập. Cho đến giờ, cánh cửa này mở hay không vẫn do sự xoay xở của doanh nghiệp bằng cách tự ứng, hoặc vay ngân hàng (không phải Ngân hàng Chính sách xã hội).
Trên thực tế, có doanh nghiệp dù không muốn cũng buộc phải ứng tiền cho người lao động đi, chứ không chờ được tiền hỗ trợ. Đơn giản, khi hợp đồng với nước bạn đã ký, họ buộc phải thực hiện đúng kỳ hạn.
Bởi, hủy hợp đồng, họ sẽ chết trước vì tiền phạt lên tới 400 USD/người. Số tiền doanh nghiệp đã ứng ra hoàn toàn không nhỏ nếu tính rằng có gần 1.000 người đang đào tạo và vài trăm người đã xuất ngoại. Ngoài tiền đào tạo còn chi phí ăn ở và làm các thủ tục khác để đưa lao động ra nước ngoài.
Còn đại diện lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, phía Cục chỉ biết đề nghị cấp tiền, nhưng đến tận giờ vẫn chưa được.
Thủ tục nối thủ tục
Theo bà Hoàng Kim Ngọc, thủ tục đang có khả năng làm chương trình “chạy” không nhanh được như mong muốn. Điều này thể hiện trong tiến độ giải ngân cho người nghèo, cũng như cho doanh nghiệp đưa người đi lao động. Nó cũng thể hiện ngay tại các địa phương, khi doanh nghiệp còn chưa được tạo điều kiện để tiếp xúc với người lao động.
Nếu như trong những tháng đầu tiên thực hiện Quyết định, khung pháp lý còn chưa hoàn thiện, khi có thông tư hướng dẫn lại nảy sinh vấn đề nguồn kinh phí chưa có. “Đấy là chưa kể việc gửi các công văn xuống huyện rất chậm. Thậm chí, cùng là Ngân hàng Chính sách, nếu muốn nhanh cũng không thể fax công văn từ tuyến trên xuống vì không có dấu đỏ”, bà Ngọc nói.
Điều này theo bà Ngọc là “máy móc”, bởi đó chính là công văn của Ngân hàng Chính sách cấp trên gửi cho Ngân hàng Chính sách tuyến dưới và hoàn toàn có thể chấp nhận được trong thời gian chờ văn bản dấu đỏ đến nơi.
Bà Ngọc cũng cho biết một loại thủ tục nữa chính là sự cho phép và không cho phép của địa phương. Nhiều địa phương không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận đối tượng tuyển dụng
Ngoài việc đòi phí “tạo nguồn”, cán bộ địa phương thậm chí còn giữ người lao động “để dành” cho những doanh nghiệp chưa có hợp đồng đưa người đi theo quyết định trên. Điều này khiến các doanh nghiệp đã có hợp đồng rất khó tuyển người.
Về điều này, theo bà Ngọc, cán bộ ở địa phương nên nhận thức rõ và tạo điều kiện đưa người đi xuất khẩu lao động là trách nhiệm và cơ hội của địa phương./.