Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị phải tham gia quản lý ATTP

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/4, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đã chính thức diễn ra.

Chủ trì trực tiếp hội nghị là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chủ yếu bàn về các nội dung: Tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, cho ý kiến đối với Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về bảo đảm an toàn thực phẩm; việc triển khai Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị.
Tham dự hội nghị, tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có: Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN; các bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương, Công an, Quốc phòng, Tài chính, TN&MT, TT&TT, VHTT&DL, KH&CN, KH&ĐT, Nội vụ; Ban Chỉ đạo 389, Tổng cục Hải quan; thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP; Tổng cục Cảnh sát; Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam...

Tại điểm cầu các địa phương gồm có: Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND và Phó Chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực VSATTP; lãnh đạo các sở: Y tế, NN&PTNT, Tài chính, Công Thương, Công an; các thành viên khác của Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh; lãnh đạo một số quận, huyện trọng điểm về ATTP.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và cảm ơn các đồng chí Bí thư, Chủ tịch 63 địa phương họp cùng các thành viên Chính phủ để cùng bàn thảo, tìm hướng giải quyết vấn đề nhân dân, xã hội đặc biệt quan tâm và Nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm bảo đảm ATTP cho nhân dân và người tiêu dùng.

Thủ tướng nhấn mạnh, để bảo đảm ATTP đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Làm rõ trách nhiệm của các chủ thể, nhất là trách nhiệm của người sản xuất, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương… Đặc biệt là trách nhiệm giám sát của các cấp, ngành, cơ quan dân cử để tạo ra sự chuyển biến đồng bộ trong bảo đảm VSATTP.

Thủ tướng yêu cầu phải thay đổi cách tiếp cận trong quản lý, nêu rõ những bất cập, đề ra những giải pháp cụ thể, lựa chọn các loại thực phẩm cụ thể nhất là thực phẩm tươi sống - gắn bó thường nhật với đời sống người dân để tập trung giám sát... nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về quản lý ATTP.

Thủ tướng nhấn mạnh các ý kiến thảo luận phải tập trung đề ra cơ chế, giải pháp, cách làm tháo gỡ vướng mắc, cách làm tốt nhất, rõ nét nhất để thực hiện công tác đảm bảo ATTP.

Các cơ quan chức năng như Công an, thanh tra, quản lý thị trường phải thanh tra, kiểm tra  mạnh mẽ hơn từ xử lý hành chính đến hình sự để răn đe các cá nhân, tổ chức vi phạm về ATTP, bảo vệ quyền lợi sức khỏe của người dân.

Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương không nêu thành tích, nói thẳng vào những bất cập, đề xuất những giải pháp cụ thể. Theo Phó Thủ tướng, trước năm 2010 công tác quản lý ATTP theo phân khúc nhưng từ khi có Luật ATTP thì tất cả những sản phẩm thực phẩm đều có địa chỉ cụ thể là ngành nào quản lý từ khâu sản xuất, lưu thông, kinh doanh, chế  biến, kể cả bao bì đóng gói. Trong quá trình triển khai Luật ATTP có một số mặt hàng giao thoa thì các bộ đã có thông tư liên tịch giao cho bộ nào quản lý chính. Trách nhiệm của địa phương cũng được quy định rất rõ là quản lý toàn diện công tác VSATTP trên địa bàn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương thảo luận về cơ chế cụ thể để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến tài chính cho công tác bảo đảm ATTP, đổi mới công tác tuyên truyền vận động cả hệ thống chính trị, cộng đồng vào cuộc.

Phần phát biểu thảo luận:

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ nhất trí cao với những nội dung nêu trong báo cáo của Văn phòng Chính phủ và dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, việc bảo đảm VSATTP nhất là quản lý thực phẩm tươi sống, rau quả trên địa bàn, dù thời gian qua Thành phố đã nỗ lực thực hiện với nhiều giải pháp quyết liệt nhưng kết quả mang lại chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân; công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế…

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề xuất, phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở; các cơ sở kinh doanh phải nêu rõ nguồn gốc sản phẩm, có địa chỉ, điện thoại cụ thể để thuận lợi cho việc giám sát; các chủ sản xuất phải có đủ phương tiện theo đúng tiêu chuẩn để vận chuyển, bảo quản thực phẩm; bảo đảm an toàn lao động; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người buôn bán, nuôi trồng có kiến thức, chứng chỉ về VSATTP mới được kinh doanh; đầu tư cho trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra ATTP; cần ban hành những chế tài mạnh để bảo đảm tính răn đe, nếu cơ sở vi phạm nhiều lần sẽ bị cấm kinh doanh thực phẩm vĩnh viễn; đổi mới công tác tuyên truyền VSATTP nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về ý thức của người sản xuất, kinh doanh; đầu tư kinh phí thỏa đáng cho công tác quản lý ATTP; xây dựng hệ thống cung cấp thực phẩm sạch.

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cho rằng tình hình ATTP hiện nay là đáng báo động, tràn lan, phức tạp, nguy hiểm. Nguyên nhân hàng đầu của thực trạng này là không xác định được trách nhiệm, không ai bị kỷ luật khi để tình trạng mất VSATTP tràn lan. Công tác thanh tra kiểm soát của lực lượng chức năng không tốt, không nghiêm, còn tình trạng bao che, thông đồng.

Bí thư Đinh La Thăng cho rằng: Lò mổ bất hợp pháp, cơ sở mất vệ sinh xã, phường biết nhưng không ai bị xử lý cả, đây là trách nhiệm của bí thư, chủ tịch. Chúng ta cần phải xác định xử lý trách nhiệm cơ quan đơn vị, cá nhân có liên quan đến tình trạng lộn xộn, bất cập trong quản lý ATTP hiện nay.

Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị Thủ tướng cho phép các địa phương được chủ động tổ chức bộ máy quản lý ATTP trên nguyên tắc không tăng biên chế và kiến nghị cho phép TP HCM thí điểm thành lập cơ quan thống nhất quản lý về ATTP, tiền xử phạt được để lại địa phương để đầu tư cho công tác quản lý, bảo đảm VSATTP.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Chúng ta muốn có rau, thịt an toàn mà lại có hàng triệu hộ nông dân nhỏ lẻ thì không quản lý được. Do vậy, phải đưa nông dân vào hợp tác để hướng dẫn họ thực hiện theo Viet GAP, Global GAP, kết nối với DN phân phối.

Trong thanh kiểm tra ATTP, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị phải thay đổi cách làm từ theo kế hoạch sang đột xuất, đi cùng với tăng cường giám sát, xử lý nghiêm, truy đến cùng nguồn gốc thực phẩm vi phạm.

Từ nay đến cuối năm, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục kiểm soát, tiến tới chấm dứt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; cơ bản kiểm soát việc buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, chất cấm; cơ bản kiểm soát việc làm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Kết luận tại buổi họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mất an toàn vệ sinh thực phẩm đe dọa đến giống nòi. Trong khi đó chúng ta chưa thành công trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Thủ tướng yêu cầu, việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Phải làm cho người dân, DN hiểu và thực hiện tốt trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm từ sản xuất, tiêu dùng, tố giác tội phạm, đến xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.  

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu cần làm rõ trách nhiệm cá nhân. Nếu không quy được trách nhiệm cho người đứng đầu thì khó thành công. Việc sản xuất, tiêu thụ trái phép tại chợ, thì chủ tịch UBND phường, xã, huyện phải chịu trách nhiệm. Các lực lượng chức năng khác, cũng phải vào cuộc. Phải quy trách nhiệm cuối cùng người thay mặt chính quyền Nhà nước có mặt ở đó để xử lý trách nhiệm cá nhân. Khi trách nhiệm làm rõ thì mới chuyển biến, nếu không sẽ khó thành công.

Để kiểm tra, kiểm soát thì phải tổ chức thực hiện hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải thành lập Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm, trưởng Ban là chủ tịch tỉnh, thành phố. Ban này phải tổ chức các đoàn kiểm tra, huy động cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát. Hiện quy định pháp luật về chức năng của từng cơ quan đã rõ, cứ theo chức năng để xử lý. Các địa phương phải có tư duy mạch lạc, nhận thức về pháp luật hiện hành để thực thi tốt chức năng, nhiệm vụ.

Về kinh phí thực hiện, các địa phương còn đang vướng mắc, Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng bố trí phí kiểm tra, tiêu hủy, bồi dưỡng lực lượng tham gia phát hiện vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu thiếu thiết bị kiểm tra thì ngân sách các địa phương phải lo, nhưng đồng thời phải xã hội hóa, thu phí và hoàn vốn. Chính phủ cho phép địa phương ứng 90% ngân sách dành cho đầu tư an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng ý cho các địa phương giữ lại 100% tiền phạt để đầu tư trở lại trang thiết bị an toàn vệ sinh thực phẩm.

Song song với đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phải xử phạt ở mức cao nhất để nâng tính răn đe. Ngay cả người nông dân sản xuất nếu sử dụng chất cấm cũng phải xử phạt. Ví dụ nuôi lợn sử dụng chất cấm phải tiêu hủy và phạt mức cao nhất. Kể cả các tổ chức, người buôn bán nhỏ nếu vi phạm cũng phải phạt.

Yêu cầu của Thủ tướng là các cơ quan chức năng cần phối hợp, tăng cường lực lượng rà soát, xử lý kiên quyết các vi phạm. Các cơ quan 389, quản lý thị trường, hải quan, và đặc biệt là công an, vào cuộc điều tra xử lý vụ việc nghiêm trọng trên địa bàn và cần thiết phải xử lý hình sự nếu vi phạm quy định.

Không chỉ dừng lại ở việc các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mà từ hộ sản xuất nhỏ, hộ gia đình, công ty xí nghiệp phải đảm bảo tuân thủ quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, công khai minh bạch quy trình đó.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh phải thay đổi tư duy tiếp cận trong vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể là chuyển từ tư duy thanh tra quản lý sang tiếp cận hệ thống, lấy nhà sản xuất làm trung tâm, DN và hộ nông dân sản xuất phải tuân thu quy trình sản xuất, không phải chỉ đăng ký đảm bảo an toàn thực phẩm mà phải làm cho rõ quy trình để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là là điều phải tập trung thay đổi tư duy này. Đây là điều các địa phương phải quán triệt. Sản xuất ở đây là cả chăn nuôi và trồng trọt.

Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm có phạm vi rộng, Thủ tướng chỉ đạo trước mắt tập trung vào thực phẩm tươi sống, thịt, cá, rau, nước giải khát, trực tiếp vào cơ thể con người. Ngăn chặn hành vi sai trái đối với thực phẩm tươi sống; kiểm soát khâu sản xuất là rất quan trọng. Các cơ quan chức năng quản lý chất cấm thì phải kiểm tra, kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc, công khai minh bạch.

Trên cơ sở ý kiến của các địa phương, bộ ngành trong hội nghị này, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp bổ sung vào Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm./.