Nếu lưu ý thêm rằng trước khi đắc cử trở thành Thủ tướng Ấn Độ, ông Modi còn bị Mỹ khước từ thị thực nhập cảnh thì mới thấy hết được mức độ thay đổi trong quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ cũng như giữa cá nhân ông Modi và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong khoảng thời gian ấy, quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ đã được thúc đẩy mạnh mẽ hiếm thấy và đã đạt được mức độ tốt đẹp chưa từng thấy.
Ông Modi cất công đi xa để củng cố những thành quả đã đạt được trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Mỹ. Với ông Modi ở Ấn Độ, Mỹ đã có được không chỉ đối tác chiến lược mới mà còn gần như cả một đồng minh chiến lược không chính thức ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Modi đặc biệt coi trọng việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ để phát triển kinh tế - xã hội nhưng đồng thời cũng hết sức tranh thủ sự hợp tác của Mỹ trên lĩnh vực chính trị an ninh, quân sự và quốc phòng để vừa gây dựng vai trò chính trị khu vực và thế giới lại vừa đối phó với những ý đồ và tham vọng chiến lược của Trung Quốc ở khu vực Nam Á nói riêng và ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Giữa Mỹ và Ấn Độ có sự song trùng lợi ích chiến lược rất rõ nét trong mục tiêu đối phó với Trung Quốc. Ông Modi cất công đi Mỹ nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn như vậy cũng còn vì phải phòng ngừa tới những tác động và hệ luỵ có thể xảy ra từ sự thay đổi tổng thống sắp tới ở Mỹ. Người kế nhiệm ông Obama ở Mỹ có thể là bà Hillary Clinton hoặc ông Donald Trump mà ai trong số đó thì cũng đều không có mối quan hệ cá nhân tin cậy và thân thiện với ông Modi như ông Obama. Ông Modi đi xa để kéo đối tác đặc biệt này về gần hơn, để loại trừ khả năng có thành quả đã đạt được rồi đây sẽ bị đảo ngược.
Nguồn: Internet |