Thủ tướng Anh Theresa May. |
Trả lời một nghị sĩ thuộc Đảng dân tộc Scotland (SNP) rằng, liệu bà sẽ khởi động việc để nước Anh rời EU - hay còn gọi là Brexit mà không nhất trí về quan điểm đàm phán chung của Liên hiệp Anh (gồm Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland), Thủ tướng May nói: “Ông ấy (nghị sĩ SNP) liên tục ám chỉ tới các lợi ích của Scotland trong EU - một Scotland đơn độc sẽ không nằm trong EU”.
Trước đó, một kết quả thăm dò công bố cùng ngày cho thấy tỷ lệ người dân Scotland ủng hộ tách khỏi Vương quốc Anh đã tăng 3% so với cuộc khảo sát trước đó, đạt 49%, sau khi Thủ tướng Anh Theresa May thể hiện quan điểm về một “cuộc chia tay hoàn toàn và dứt khoát” với EU.
Giới truyền thông đưa tin trước đó, đại diện Scotland cho biết, Chính phủ Anh không thể bắt đầu tiến trình rời khỏi EU trước khi nhất trí với Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland về hình thức bản văn kiện gửi EU nhằm kích hoạt Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon để khởi động các cuộc đàm phán về vấn đề Brexit.
Scotland hiện đang dựa vào những người di cư trẻ nhằm gia tăng lực lượng lao động và dân số, muốn tìm kiếm một thỏa thuận liên quan thích hợp trong quá trình đàm phán về Brexit, nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả lao động di cư. Theo đó, một ủy ban có đại diện của nhiều đảng trong quốc hội Scotland đang xem xét những ảnh hưởng kinh tế từ người di cư đối với Scotland, giữa bối cảnh lãnh đạo Scotland đang bất đồng với nước Anh về vấn đề Brexit.
Ủy ban trên nêu rõ tình trạng giảm dân số - vấn đề gây lo ngại nhiều thập kỷ qua - đã được khắc phục và đảo chiều trong những năm gần đây nhờ lượng người trẻ tuổi từ các nước EU di cư tới Scotland, và nhấn mạnh vai trò quan trọng của người nhập cư đối với nhiều lĩnh vực kinh tế của Scotland. Trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6/2016, hơn 60% cử tri Scotland đã bỏ phiếu ở lại EU. Ngay sau cuộc trưng cầu dân ý kể trên, Thủ hiến Scotland nhiều lần khẳng định Scotland không muốn rời khỏi EU.