Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trước Hạ viện hôm 10/9. |
Để xác lập thành công một cuộc bầu cử, chính phủ cần 434 phiếu bầu - 2/3 trong số tất cả các nhà lập pháp được bầu vào Hạ viện 650 ghế. Và trong cuộc thăm dò vào rạng sáng ngày 10/9, chỉ có 293 ủng hộ đề xuất của Chính phủ.
Ngay sau khi bị các nhà lập pháp từ chối lần 2, ông Boris Johnson khẳng định vẫn sẽ bảo đảm một thỏa thuận rời đi với Liên minh châu Âu (EU) tại hội nghị thượng đỉnh quan trọng vào tháng 10 tới.
Tân Thủ tướng Anh đã muốn tổ chức một cuộc bầu cử quốc gia trước khi hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 17/10, và trước khi hạn Brexit được ấn định vào ngày 31/10.
"Tôi sẽ đi đến hội nghị thượng đỉnh vào ngày 17/10 và cho dù có bao nhiêu cách thức mà quốc hội này bày ra để trói tay tôi... Chính phủ này sẽ không trì hoãn Brexit thêm nữa", Thủ tướng Anh tuyên bố.
Quốc hội Anh ngay sau đó cũng đã bị đình chỉ - hoặc có thể được thành lập từ yêu cầu của Chính phủ cho đến ngày 14/10 - theo đúng cảnh báo trước đó của ông Johnson đối với các nhà lập pháp “nổi loạn”.
Sự đình chỉ Nghị viện đã kết thúc một ngày dài khó khăn với Thủ tướng Anh, với khởi đầu là luật, ngăn Brexit diễn ra vào 31/10 mà không đạt thỏa thuận, đã nhận được sự đồng ý của Nữ hoàng Elizabeth II để chính thức có hiệu lực.
Các nhà lập pháp cũng yêu cầu Chính phủ hôm 11/9 tới phải công bố toàn bộ email và tin nhắn giữa các trợ lý và quan chức liên quan đến việc đình chỉ Nghị viện và lên kế hoạch cho Brexit trong bối cảnh các cáo buộc cho rằng việc đình chỉ đang được sử dụng để phá vỡ nền dân chủ.
Kể từ khi Quốc hội trở lại sau kỳ nghỉ hè vào hôm 3/9, Thủ tướng Johnson đã sa thải 21 nhà lập pháp ra khỏi nhóm Bảo thủ sau khi họ đứng về phía phe đối lập, và chứng kiến 2 bộ trưởng rời khỏi nội các của mình - một trong số đó là em trai ông.