Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng bấm nút khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 9/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu đã thực hiện nghi thức khai trương đưa Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) vào vận hành chính thức tại địa chỉ dichvucong.gov.vn.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại sự kiện.
Chương trình được truyền hình trực tuyến tại điểm cầu chính Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố.
Trước khi diễn ra lễ khai trương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu đã tham quan tại khu trải nghiệm Cổng DVCQG.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng đánh giá cao việc tổ chức lễ khai trương với tinh thần mạnh dạn làm rồi tiếp tục cải tiến, nâng cấp. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Chính phủ điện tử nhằm hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Việc phát triển Chính phủ điện tử nói chung và cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng tại Việt Nam đã có những tiến bộ. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc đánh giá năm 2018 Việt Nam xếp hạng thứ 88/193 quốc gia, trong đó, chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến là chỉ số được đánh giá cao nhất đạt 0,74/1. Đến hết quý III/2019, số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp tại các bộ, cơ quan Trung ương là 1.720 dịch vụ; tỷ lệ phát sinh hỗ trợ trực tuyến là 47,7% và tại các địa phương là 46.660 dịch vụ; tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến là 17,3%. Tuy nhiên, số lượng dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến còn ít. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Người dân vẫn còn phàn nàn, kêu ca, doanh nghiệp có những khó khăn.
Theo Thủ tướng, việc xây dựng cổng dịch vụ công các cấp và Cổng DVCQG có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng, phát triển các hệ thống Chính phủ điện tử, là kênh giao tiếp điện tử giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước, là điểm để người dân, doanh nghiệp tương tác với chính quyền trên môi trường điện tử. Những nước thành công trong xây dựng Chính phủ điện tử đều coi Cổng dịch vụ công là một trong những hệ thống trụ cột được chú trọng xây dựng và liên tục nâng cấp để hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Để đưa vào hoạt động Cổng DVCQG, Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Văn phòng Chính phủ, trong đó có vai trò cá nhân của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đã chủ động, nỗ lực, quyết liệt thực hiện cũng như đánh giá cao một số bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp công nghệ thông tin, chuyên gia…
Đây là một công cụ để cơ quan Nhà nước nâng cao chất lượng phục vụ, “góp phần quan trọng chống nhũng nhiễu tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính”, Thủ tướng nói.
Việc khai trương Cổng DVCQG là một dấu mốc quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử. Trước mắt, đưa những dịch vụ được người dân, doanh nghiệp quan tâm và có tần suất giao dịch nhiều lên Cổng. Các dịch vụ công tiếp theo sẽ tiếp tục được thực hiện sau khi các bộ, ngành, địa phương rà soát, nâng cấp, bảo đảm tính chính xác, hiệu quả, thuận tiện.
Cổng DVCQG ra đời đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử theo hướng thực chất hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng đây mới chỉ là thành công bước đầu. Chúng ta còn nhiều việc phải làm. Chỉ mới có 8 dịch vụ công được kết nối trong tổng số hàng ngàn dịch vụ cần kết nối và chủ yếu vẫn ở cấp độ 3. Mục tiêu là sớm nhất cần cung cấp ở cấp độ 4 và mở rộng sang các dịch vụ khác, nhất là những dịch vụ được đông đảo người dân sử dụng. Đây là công việc thường xuyên, liên tục không có điểm dừng, với mục tiêu xuyên suốt là lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo chất lượng cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính Nhà nước, tổ chức cung cấp dịch vụ công.
Để Cổng DVCQG hoạt động thực chất, liên tục và có hiệu quả, Thủ tướng lưu ý một số việc. Mặc dù Cổng DVCQG đã xây dựng, đã kết nối với cổng dịch vụ công của các ngành, các cấp, các dịch vụ công trực tuyến nhưng việc xử lý và trả kết quả vẫn phải do các bộ, cơ quan bộ, ngành, địa phương thực hiện theo thẩm quyền. Tuyệt đối không để tâm lý, tình trạng các ngành, các cấp thấy có Cổng DVCQG rồi thì lơi lỏng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của mình, ngược lại cần đẩy mạnh hơn nữa, Thủ tướng nói. “Chúng ta nên nhớ rằng tỉnh và bộ, ngành phải là đơn vị cung cấp dịch vụ công là chính”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng DVCQG. 
Quá trình thực hiện xử lý các thủ tục hành chính cần sự liên thông giữa các đơn vị trong nội bộ, giữa các cơ quan liên bộ, ngành, để có thể tiếp tục đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính thì các thông tin liên quan đến người dân, doanh nghiệp phải được chia sẻ giữa nội bộ của các cơ quan Nhà nước. Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá lại các quy định về thành phần hồ sơ, quy trình nghiệp vụ, từ đó đưa ra hệ thống tổng thể các cơ sở dữ liệu cần thiết phải xây dựng để phục vụ và kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu.
Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ có phương án đánh giá hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc. Từ đó xác định rõ các vấn đề còn vướng mắc để tháo gỡ, thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Cần đẩy nhanh việc xây dựng khung pháp lý để việc thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến có hiệu quả. Trong tháng 1/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì trình dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử. Bộ Công an trình đề xuất xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Văn phòng Chính phủ trình dự thảo Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Bảo đảm sự ổn định thông suốt của cả hệ thống dịch vụ công, phát triển hạ tầng thông tin đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đồng thời phải bảo đảm an ninh an toàn thông tin, an ninh mạng cho cả hệ thống thông tin quan trọng quốc gia này. Chính vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông phát huy vai trò, trách nhiệm chính trong xây dựng Chính phủ điện tử, cần tăng cường chỉ đạo, phối hợp bảo đảm an toàn an ninh thông tin đối với các hạng mục trong Chính phủ điện tử, trong đó có hệ thống cổng dịch vụ công.
Các bộ, các tỉnh tiếp tục nâng cấp cổng dịch vụ công của bộ, địa phương để bảo đảm kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin với Cổng DVCQG, nâng cấp, hoàn thiện các dịch vụ công trước khi đưa lên Cổng DVCQG.
Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo kỹ năng, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn công nghệ, cần sử dụng cán bộ trẻ có năng lực, cống hiến, không để chảy máu chất xám đối với lĩnh vực công nghệ thông tin.
Các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong cả nước, nhất những tập đoàn lớn cần phải tiếp tục cố gắng vươn lên đồng hành, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp những giải pháp kỹ thuật tối ưu, những hệ thống thông tin của người Việt, phục vụ người Việt và bảo đảm tính tự chủ cả hệ thống.
Tại lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) và giao trách nhiệm cho Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Trong 9 tháng qua với trách nhiệm được giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị cho công tác khai trương Cổng DVCQG. Cùng với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực trong rà soát, chuẩn hóa, nâng cấp cơ sở dữ liệu TTHC; nâng cấp, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt yêu cầu đầu tiên là những dịch vụ nào người dân doanh nghiệp cần thì triển khai trước.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, khi Cổng DVCQG đi vào hoạt động, người dân, doanh nghiệp chỉ cần truy cập một địa chỉ duy nhất (dichvucong.gov.vn), bằng một tài khoản duy nhất là có thể đăng nhập được đến tất cả các cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị mà không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính. Đồng thời, có thể tái sử dụng các thông tin đã có và tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, từ đó giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính có liên quan đến nhiều cơ quan.