Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng chấp thuận nhiều kiến nghị của TP Hồ Chí Minh

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi đi khảo sát nhiều công trình giao thông trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh.

Ngày 27/7, sau khi đi khảo sát hai dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, gồm: Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên và dự án xây dựng nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh ngày 27/7. Ảnh: TTBC.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh ngày 27/7. Ảnh: TTBC.

Dự cuộc làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ban ngành liên quan.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tuyến Metro số 2 sẽ kết nối tuyến Metro số 1, vì vậy cần làm nhanh thủ tục để sau khi kết nối, sẽ từ tuyến Metro số 2 kết nối về tuyến Cần Thơ.

“Chúng ta cần tập trung làm cho xong và định ra thời gian đến bao giờ làm xong? Cần lên lộ trình công việc cụ thể, mỗi năm làm gì, tiến độ, nội dung ra sao? Làm xong việc này chúng ta bắt tay vào việc khác...” - Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cùng các bộ, ban, ngành.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, đến thời điểm này, kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh phục hồi nhanh, đồng bộ, toàn diện, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2022 là 3,82%; Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ; Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 34,2 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ; Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 2,18 tỷ USD, tăng 60,07% so với cùng kỳ.

Cũng theo báo cáo của ông Phan Văn Mãi, tổng thu Ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm của TP Hồ Chí Minh đạt 282.000 tỷ đồng, tương đương 73,2% dự toán năm và tăng 20% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng tăng 7,7% so với cùng kỳ; trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 12,2%. Ngành du lịch 7 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 40,3%; dịch vụ lữ hành tăng 73%, nếu lĩnh vực này đẩy mạnh hơn nữa sẽ tiếp tục tăng, cụ thể nên xem lại chính sách visa.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra nhiệm vụ, giải pháp các tháng còn lại. Đó là, rà soát lại, quyết tâm thực hiện đạt 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đạt mức tăng trưởng từ 6% - 6,5%, từ đây đến cuối năm 2022; nếu không có biến động lớn thì TP có khả năng đạt từ 7% - 7,2%.

Bên cạnh hàng loạt thành tựu của 7 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng nêu ra một số vướng mắc, tồn tại.

Cụ thể, sau phục hồi, yêu cầu mở rộng các hoạt động kinh tế xã hội rất lớn, do đó yêu cầu giải quyết các vướng mắc, tồn tại rất khó khăn dẫn đến sự tồn đọng (thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư xây dựng…), năng lượng hấp thu vốn thấp, trong đó có đầu tư công. Đến ngày 26/7, TP Hồ Chí Minh chỉ mới giải ngân được 25% vốn đầu tư công.

Ngoài ra, ông Phan Văn Mãi cũng "nêu đích danh" nhiều vướng mắc tại các dự án, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo VPCP và các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu hỗ trợ.

Cụ thể, dự án đường Vành đai 3 đến nay thuận lợi, TP và các tỉnh ý thức trách nhiệm của mình. Nhưng vướng mắc là đề nghị Chính phủ sớm ban ngành Nghị quyết triển khai Vành đai 3. Thứ hai, bố trí vốn cho dự án Vành đai 3 (vốn hỗn hợp, vốn Trung ương, vốn địa phương), các thủ tục này rất rõ nhưng phức tạp, nếu bố trí không kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, do đó, người đứng đầu UBND TP Hồ Chí Minh mong Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có giải pháp hỗ trợ.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của TP, đưa ra nhiều kiến nghị và được Thủ tướng chấp thuận. Ảnh: TTBC.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của TP, đưa ra nhiều kiến nghị và được Thủ tướng chấp thuận. Ảnh: TTBC.

Ngoài dự án Vành đai 3, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi còn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhiều vấn đề khác, như: Cho phép tổ chức đấu thầu quyền sử dụng đất nằm xen cài tại trung tâm TP; Cho phép TP được phê duyệt đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư; Cho phép TP được thí điểm đấu giá quyền sử dụng đất của hơn 1.400 cơ sở nhà đất, hoặc cho thí điểm đấu giá cho thuê các tài sản này để tránh lãng phí; Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các ngành xác định quỹ đất để TP thanh toán cho nhà đầu tư, chỉ đạo các ngành bố trí vốn cho 3 dự án bệnh viện cửa ngõ với số tiền 5.663 tỷ đồng (Củ Chi, Hóc Môn, TP Thủ Đức - PV) đến nay đã xây dựng gần xong và chuẩn bị đưa vào khai thác nhưng vẫn chưa có trang thiết bị với dự toán khoảng 3.400 tỷ đồng…

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chấp thuận nhiều nội dung kiến nghị, đề xuất của UBND TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, Thủ tướng chấp thuận cho UBND TP tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất theo quy định; thanh toán đất cho các hợp đồng BT; bố trí vốn cho 3 dự án bệnh viện cửa ngõ; triển khai dự án đường Vành đai 3, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương; tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung… 

Liên quan tới dự án Vành đai 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho biết: “Những ngày tới, Chính phủ sẽ ban hành 2 Nghị quyết triển khai dự án. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, nghiên cứu các thủ tục để triển khai dự án Vành đai 4, đường đi qua địa phương nào thì địa phương đó phải làm. Trong tuần này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng xây dựng Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các tuyến đường giao thông kết nối”.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu TP Hồ Chí Minh phải kiểm soát tốt dịch bệnh; đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19 đối với trẻ em, và phải hoàn thành trong tháng 8/2022 mũi cơ bản.